PV: Đề nghị đồng chí cho biết đặc điểm tình hình, diễn biến thời tiết trong mùa mưa, bão trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk?

Đại tá Lê Mỹ Danh: Địa hình tỉnh Đắk Lắk rất đa dạng; khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt, mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau), mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm). Mùa khô khí hậu hanh khô, nhiệt độ tăng cao dài ngày dễ gây hạn hán, cháy nổ, cháy rừng. Mùa mưa kéo dài gây ra lũ lụt (nhất là từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm). Do địa hình đồi núi phức tạp nên khi mưa lớn dễ tạo ra lũ quét, lũ ống ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. Lốc xoáy thường xuyên diễn ra, nhất là từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết, khí hậu sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trái với quy luật, hậu quả khó lường; gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, nhất là ở các vùng trọng điểm. Những năm gần đây, diện tích rừng cũng như chất lượng rừng tự nhiên suy giảm đã làm gia tăng tình trạng thiên tai trên địa bàn.

leftcenterrightdel
 Đại tá Lê Mỹ Danh. 

 

PV: Thực tế LLVT tỉnh Đắk Lắk đã triển khai phương án PCTT, TKCN và giúp dân khắc phục hậu quả thế nào?

Đại tá Lê Mỹ Danh: Nhận thức nhiệm vụ PCTT, TKCN là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch khoa học, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn (CHCN), tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh. Đồng thời, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 868-NQ/ĐU ngày 2-7-2015 về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, CHCN đến năm 2020 và những năm tiếp theo trong LLVT tỉnh, nhằm cụ thể hóa vào tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.

Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy gắn với trực sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đổi mới phương pháp nắm tình hình, bằng mọi biện pháp, kiểm tra xác minh thông tin qua các kênh, mạng internet, đài, báo và cơ quan khí tượng thủy văn, nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
 LLVT Đắk Lắk triển khai phương án PCTT, giúp dân khắc phục hậu quả.

 

PV: Để phát huy vai trò nòng cốt của LLVT, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk chủ động lực lượng, phương tiện ra sao?

Đại tá Lê Mỹ Danh: Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo tổ chức tập huấn, huấn luyện, luyện tập cho các lực lượng theo đúng chương trình, kế hoạch. Đồng thời, chỉ đạo ban CHQS 15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp huyện và xã, góp phần nâng cao khả năng xử lý các tình huống sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn; tổ chức luyện tập cho các lực lượng kiêm nhiệm làm nhiệm vụ cứu hộ, TKCN theo đúng quy định.

Thành lập và thường xuyên kiện toàn ban chỉ huy PCTT, TKCN từ Bộ CHQS tỉnh đến ban CHQS cấp xã; kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ huy, chỉ đạo có hiệu quả công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; củng cố, kiện toàn tổ chức, lực lượng CHCN kiêm nhiệm của các đơn vị; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng 2.482 đội thanh niên xung kích tại 2.482 thôn, buôn, tổ dân phố, 184 trung đội dân quân tại 184 xã, phường, thị trấn, 15 đại đội dự bị động viên tại 15 huyện, thị xã, thành phố làm nhiệm vụ cứu hộ, TKCN. Thành lập đội cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ, TKCN của Bộ CHQS tỉnh, với quân số 288 đồng chí, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống.

leftcenterrightdel
 Lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, năm 2022. Ảnh: VĂN DIỆN 

 

Hằng năm, tổ chức hội nghị hiệp đồng với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu đóng quân trên địa bàn và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN với tổng quân số 11.399 đồng chí. Tham mưu với UBND tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng 4 bến hạ thủy ca nô tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Lắk phục vụ công tác PCTT, TKCN; tham mưu với UBND, Ban chỉ huy PCTT, TKCN tỉnh, Quân khu đầu tư kinh phí mua sắm vật chất, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, TKCN, từng bước bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức tiếp nhận và cấp phát vật chất, trang thiết bị PCTT, TKCN cho các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng đúng mục đích, góp phần nâng cao năng lực trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, TKCN. Chỉ đạo ban CHQS các huyện chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền về quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với PCTT theo Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 6-6-2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

PV: Mùa mưa bão năm 2023 đã cận kề, LLVT tỉnh Đắk Lắk đã làm gì để tham gia phòng, chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra?

Đại tá Lê Mỹ Danh: Bộ CHQS tỉnh tiếp tục giáo dục, quán triệt đầy đủ văn bản của các cấp về công tác PCTT, TKCN; xây dựng Kế hoạch PCTT-TKCN giai đoạn 2024-2029 theo chỉ đạo của Quân khu, điều chỉnh phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão sát với điều kiện thực tế của địa phương. Đơn vị phân công cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ cứu hộ, TKCN do cấp trên tổ chức; phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội gắn với phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, xây dựng và phát huy 4 tại chỗ; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, chủ động PCTT, TKCN; xây dựng lực lượng tại chỗ để sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai ngay từ cơ sở.

Các cơ quan, đơn vị kiện toàn ban chỉ huy phòng thủ dân sự, PCTT-TKCN ở các cấp; tổ chức tập huấn công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN năm 2023 cho LLVT tỉnh; nhất là củng cố, kiện toàn tổ chức, lực lượng CHCN kiêm nhiệm sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống. Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Quân khu, UBND tỉnh, ban chỉ huy PCTT, TKCN các cấp đầu tư kinh phí mua sắm, bảo dưỡng vật chất, phương tiện phục vụ nhiệm vụ PCTT, TKCN.

Đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, TKCN theo quy định; nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai và nguy cơ xảy ra sự cố, thiên tai trên địa bàn để kịp thời tham mưu xử lý, không để bị động, bất ngờ. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị Quân đội, Công an và các lực lượng chức năng trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng xử lý mọi tình huống.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

BÌNH ĐỊNH (thực hiện)