QĐND - Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, tỉnh Thanh Hóa đã lập hơn 10 đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống. Đến 14 giờ ngày 10-11, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi 7.501 tàu, thuyền và 24.733 nhân khẩu hoạt động trên biển về nơi tránh, trú bão. 15 giờ cùng ngày, tỉnh Thanh Hóa phát lệnh dừng các hoạt động di dân. Tuy bão Haiyan không vào như dự kiến, song các cấp chính quyền, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cùng nhân dân vẫn chủ động, sẵn sàng đối phó với ngập úng, lũ quét.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 40 (Trung đoàn 762, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) và dân quân cơ động xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia giúp dân chằng, chống nhà cửa.
|
Chủ động đón, phòng, chống bão từ xa
13 giờ ngày 10-11, xe chở hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 40 (Trung đoàn 762, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) với đủ trang bị, phương tiện, lương thực, thực phẩm dùng trong 7 ngày đã có mặt ở UBND xã Hải Châu để giúp nhân dân di dời người, tài sản ra khỏi vị trí nguy hiểm. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Phạm Thái Sơn, Trợ lý tác huấn Trung đoàn 762 cho biết, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã tích cực chuẩn bị phương tiện, trang bị, sẵn sàng tâm lý giúp nhân dân phòng, chống bão Haiyan. Cùng thời điểm trên, gần 100 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 40 đã có mặt tại các xã ven biển của huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương sẵn sàng đối phó với bão số 14.
Theo dự báo ban đầu, khoảng 22 giờ ngày 10-11, bão số 14 sẽ đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa. Trước tình hình ấy, Bộ CHQS tỉnh đã yêu cầu Ban CHQS các huyện, thị xã phối hợp với chính quyền địa phương, chỉ đạo lực lượng dân quân cơ động trực 24/24 giờ; phối hợp với các lực lượng kêu gọi tàu, thuyền, rà soát số lao động trên biển, giúp đỡ nhân dân chằng, chống nhà cửa, di dời khỏi vùng thấp trũng, nơi có nguy cơ sạt lở cao để tránh, trú bão. Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị lượng lớn phương tiện: Ô tô, xuồng, áo phao, phao bè nhựa, nhà bạt, máy phát điện… sẵn sàng lên đường. Sáng 10-11, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa thành lập 7 đoàn công tác đi xuống các xã, nơi có nguy cơ ảnh hưởng lớn của bão để kiểm tra công tác giúp dân tránh bão. Toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 95km đê biển, đê cửa sông khép kín, trong đó có nhiều đoạn xung yếu; 103 hồ đập không bảo đảm an toàn trong tổng số 610 hồ đập, với hơn 10 hồ có dung tích hơn 10 triệu mét khối; 5 huyện: Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc và thị xã Sầm Sơn với hàng chục nghìn hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời.
Ở xã Hải Thanh, tính đến 14 giờ 30 phút, ngày 10-11, 17 tàu, thuyền đã được vận động và cưỡng chế vào khu neo đậu an toàn. Tại thôn Quang Minh, xã Hải Thanh, diễn biến cơn bão liên tục được cập nhật trên hệ thống truyền thanh. Công tác di dời được tiến hành khẩn trương, với quyết tâm cao. Bộ đội Tiểu đoàn 40 và dân quân tự vệ tích cực giúp đỡ các gia đình neo người, nhà có nguy cơ đổ, tốc mái chằng chống và di chuyển người đến nơi an toàn. Cũng tại thôn Quang Minh, nhiều trẻ em, người già đã chủ động gói đồ đạc, che chắn các vị trí xung yếu và sơ tán theo chỉ đạo của chính quyền. Anh Nguyễn Văn Thọ cho biết, năm nay bão vào nhiều, chính quyền, các lực lượng đôn đốc ráo riết công tác chống bão, nên đa phần người dân chuẩn bị kỹ để phòng, tránh. Thượng tá Lê Thế Soái, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tĩnh Gia thông tin, tính đến 17 giờ ngày 10-11, Ban CHQS huyện đã huy động hơn 2000 dân quân tự vệ giúp nhân dân 34 xã, thị trấn, trong đó có 15 xã mép nước, vùng trọng điểm, di dời được 1.870 hộ, hơn 8.100 nhân khẩu đến nơi an toàn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến trước 16 giờ cùng ngày, toàn tỉnh Thanh Hóa đã di dời 10.023 hộ/44.620 nhân khẩu của 47 xã đến nơi an toàn.
Mặc dù siêu bão Haiyan không còn đe dọa trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt của người dân tỉnh Thanh Hóa, nhưng qua những gì mà các cấp chính quyền, dân và đặc biệt là công tác chuẩn bị chu đáo của Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã cho thấy tinh thần cảnh giác phòng, tránh thiên tai hiện nay đã được nâng lên đáng kể.
Không lơ là, chủ quan với lũ
Từ lúc 17 giờ ngày 10-11, ở tỉnh Thanh Hóa đã có mưa rào nhẹ trên diện rộng. Tuy dự báo bão sẽ không đổ bộ vào Thanh Hóa, nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nhiều khả năng trên địa bàn sẽ có mưa lớn, có thể gây ra lũ ống, lũ quét, nhất là các vùng núi phía tây và khu vực thấp trũng ven biển.
Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 4 cho biết, Quân khu 4 tiếp tục chỉ đạo các lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong và sau bão. Đại tá Vũ Xuân Hùng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa khẳng định, Bộ CHQS tỉnh vẫn duy trì lực lượng trực như kế hoạch. Phương tiện đã sẵn sàng cơ động đến các vùng xung yếu, đặc biệt là các huyện ven biển. Thông tin liên lạc được chú trọng, sẵn sàng bảo đảm thông suốt cho công tác chỉ đạo, phòng và chống bão, lũ.
Tại cuộc họp hồi 17 giờ chiều ngày 10-11 với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhân dân trong việc chủ động đối phó với bão, đặc biệt công tác kêu gọi tàu, thuyền, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm đã được tiến hành khẩn trương, an toàn. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chính quyền và các lực lượng của tỉnh Thanh Hóa không được chủ quan, lơ là với những diễn biến tiếp theo của bão số 14. Đồng chí đặc biệt lưu ý đến công tác bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra tại các huyện phía tây của tỉnh.
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG - MẠNH THẮNG