QĐND - Trận Thượng Đức (từ ngày 28-7-1974 đến ngày 7-8-1974) diễn ra ở phía tây tỉnh Quảng Nam (Khu 5) là một trong những trận đánh điển hình của Bộ đội Pháo binh (BĐPB). Trận này, pháo binh đã chi viện đắc lực, kịp thời và hiệu quả cho Sư đoàn 304 và các lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh địch. Chiến thắng Thượng Đức không chỉ mở toang "cánh cửa thép" bảo vệ phía tây TP Đà Nẵng, mà còn góp phần tạo thế, tạo lực cho ta, giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh có những nhận định, đánh giá, mở những chiến dịch có ý nghĩa chiến lược tiếp theo, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 6-6-1974, Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 304, được tăng cường Trung đoàn Bộ binh 3 của Sư đoàn 324 và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng-Đà, cùng với một số đơn vị chiến đấu và bảo đảm chiến đấu khác, đảm nhiệm tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch trong khu vực Thượng Đức. Nhận nhiệm vụ, Sư đoàn 304 khẩn trương làm công tác chuẩn bị, hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị.

Ngày 28-7-1974, toàn bộ đội hình các đơn vị tham chiến đã vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. 5 giờ ngày 29-7-1974, Bộ tư lệnh chiến dịch phát lệnh tiến công Thượng Đức. Pháo binh ta lập tức dồn dập nã đạn, đánh trúng mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu. Dưới sự chi viện hiệu quả của hỏa lực pháo binh, bộ binh ta đánh thẳng vào các vị trí đã xác định. Hỏa lực pháo binh các cấp chi viện kịp thời cho các đơn vị tiến công, ngăn chặn và tiêu diệt địch chi viện; làm chủ trận địa và các mục tiêu được phân công, tạo thành thế trận bao vây chia cắt địch ngay từ đầu.

Sư đoàn 304 tiêu diệt Chi khu Thượng Đức-Quảng Nam. Ảnh tư liệu.

Trong trận Thượng Đức, ta đã phát huy hiệu quả hỏa lực pháo binh với cách đánh độc đáo luồn phía sau địch, chiếm lĩnh bí mật, bố trí trận địa hiểm hóc. BĐPB đã dũng cảm đưa pháo lên cao, kéo pháo vào gần, bắn ngắm trực tiếp chi viện cho bộ binh trên từng hướng, từng mũi đánh địch hiệu quả. Để phát huy uy lực của pháo binh, đặc biệt là bắn các mục tiêu kiên cố trong công sự, đồng thời làm cho tinh thần địch hoang mang, Cơ quan pháo binh Quân khu 5 và Sư đoàn 304 lập kế hoạch đưa pháo 85mm từ Điểm cao 118 lên Điểm cao 296 để bắn ngắm trực tiếp ở cự ly 700m. Đây là kế hoạch sử dụng pháo táo bạo và hiểm hóc. Trung đoàn Pháo binh 68 đã thực hiện thành công việc tháo rời từng bộ phận để di chuyển pháo, trinh sát phát hiện mục tiêu chính xác, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa pháo binh với bộ binh và các loại hỏa lực khác để chi viện cho các lực lượng tiến công địch giành thắng lợi.

BĐPB đã vận dụng sáng tạo phương pháp bắn, cơ động lực lượng, hỏa lực kịp thời, nhanh chóng xử trí các tình huống, đáp ứng yêu cầu chi viện hỏa lực trong chiến đấu. Khi phát triển vào trung tâm, các mũi tiến công của Trung đoàn 66 bị chững lại trước hỏa lực dày đặc của địch cả mặt đất và trên không. Hướng chủ yếu bị địch ngăn chặn không phát triển được. Trong lúc khó khăn như vậy, BĐPB đã sáng tạo dùng hỏa lực bắn lướt sườn chi viện cho Tiểu đoàn 8 đánh khu biệt động của địch rất hiệu quả. Việc chuyển hướng tiến công đã hạn chế một phần hỏa lực bắn thẳng và phi pháo của địch, tạo điều kiện đột phá thành công. BĐPB vừa chiến đấu vừa củng cố lực lượng, bố trí lại đội hình, mở các đợt tiến công mãnh liệt, giúp các đơn vị đánh chiếm toàn bộ căn cứ địch.

8 giờ 30 phút ngày 7-8-1974, Sư đoàn 304 đã làm chủ, giải phóng hoàn toàn Thượng Đức. Sau đó, BĐPB đã chi viện hỏa lực cho Sư đoàn 304 tiếp tục chiến đấu giữ vững vùng mới giải phóng Thượng Đức.

Chiến thắng Thượng Đức thể hiện ý chí quyết tâm và sáng tạo trong chiến đấu của BĐPB. Trước hết, BĐPB được tổ chức, xây dựng lực lượng, chuẩn bị thế trận pháo binh chặt chẽ. Hệ thống hỏa lực pháo binh triển khai toàn diện ở các cấp, từ cấp sư đoàn đến tiểu đoàn bộ binh. Do vậy, từng cấp chủ động, dùng hỏa lực của mình kịp thời chi viện cho bộ binh tiến công mỗi khi gặp các tình huống khó khăn, không trông chờ, ỷ lại vào hỏa lực pháo binh cấp trên. Các đơn vị phát huy được vai trò của pháo cối mang vác đi cùng trong đội hình tiểu đoàn bộ binh. Đặc biệt khi tiến công trong điều kiện địch phân tán rộng, luôn biến động, hỏa lực pháo cối đi cùng phát huy được hiệu quả bắn trúng, đúng thời cơ, chi viện cho bộ binh đánh địch.

Trong trận Thượng Đức, ta đã tập trung pháo binh ưu thế hơn hẳn so với địch. Cũng như các đơn vị bạn, pháo binh đã có lực lượng dự bị chiến lược và chiến dịch mạnh, triển khai được thế trận có lợi trên các chiến trường. Ta còn tổ chức cụm pháo binh chuyên trách để chế áp pháo binh địch, lấy pháo mang vác làm nòng cốt, phát huy được cách đánh sở trường, luồn sâu, lót sẵn, bí mật, bất ngờ, bắn trúng, đúng thời cơ. Chỉ huy chiến dịch và đơn vị linh hoạt, sáng tạo sử dụng pháo binh cho từng hướng, từng trận đánh để đạt hiệu suất chiến đấu cao, giành thắng lợi. Từ thực tế sử dụng hỏa lực pháo binh trận Thượng Đức, BĐPB cần tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng vào huấn luyện và tác chiến pháo binh trong điều kiện mới.

---------------

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN CÔN - Tư lệnh Binh chủng Pháo binh