QĐND - Trời lạnh căm căm. Ở vùng núi đá Khoang Xanh (Thị xã Sơn Tây), nhiệt kế chỉ 13 độ, trời lắc rắc mưa làm cái rét càng thêm sắc buốt. Trên sườn đồi, những học viên lớp S217 đào tạo sĩ quan hậu cần cấp phân đội chuyên ngành Quân nhu thuộc Học viện Hậu cần vẫn mải mê tập bài. Đây là ngày thứ ba họ học tập, sinh hoạt trên thao trường. Sự khắc nghiệt của thời tiết đã bất lực trước tinh thần của họ!
Trò chuyện với Đại tá, PGS, TS Phạm Duy Hường, Trưởng phòng Đào tạo, tôi được biết thực hiện phương châm huấn luyện “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, sát thực tế chiến đấu, phù hợp với cách đánh của quân đội ta và truyền thống kinh nghiệm của ngành Hậu cần, những năm gần đây, Đảng ủy, chỉ huy Học viện tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác huấn luyện tập bài dã ngoại, diễn tập tổng hợp; coi sự khắc nghiệt của các yếu tố ngoại cảnh là điều kiện khách quan để rèn luyện người học; lấy hành quân bộ mang vác nặng với các trang thiết bị phục vụ chiến đấu là biện pháp quan trọng để nâng cao sức khỏe, sức chịu đựng gian khổ, bền bỉ dẻo dai của học viên, giúp họ trở thành người cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình phức tạp. Theo đó, các đầu bài tập dã ngoại, diễn tập dành cho đối tượng học viên đào tạo cán bộ hậu cần cấp phân đội trình độ đại học đều yêu cầu học viên hành quân bộ có mang vác nặng (hơn 30kg), cự ly hơn 50km. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; để hoàn thành, đòi hỏi học viện phải được rèn luyện thường xuyên, có tổ chức, đúng phương pháp khoa học.
 |
Học viện HVHC luyện tập hành quân mang vác nặng.
|
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, lượng học viên đông, đơn vị đứng chân trên địa bàn thành phố nên diện tích bãi tập, sân chơi thể thao của học viện không lớn, thao trường lại cách xa khu vực đóng quân… nên công tác rèn luyện thể lực học viên gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, chỉ huy Học viện chỉ đạo các bộ môn Quân y, Thể thao ngoài việc trang bị các kiến thức cơ bản theo yêu cầu đào tạo, cần tập trung giáo dục thống nhất nhận thức cho học viên về tác dụng của rèn luyện thể chất, cách thức tiến hành, giúp học viên hiểu rõ quy tắc “kiểm tra huấn luyện thể lực trong Quân đội”. Đảng ủy, chỉ huy Học viện cũng giao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, chỉ huy ở các tiểu đoàn là người trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm chính về sức khỏe của học viên. Chỉ đạo các tiểu đoàn, ngoài nội dung huấn luyện thể lực chính khóa, lợi dụng hệ thống đường nội bộ, tổ chức rèn luyện ngoại khóa cho bộ đội với cường độ tăng dần: Giờ thể dục sáng: Tổ chức chạy 1.500m hai buổi/tuần; giờ ngoại khóa buổi chiều: Một buổi chạy 1.500m và một buổi chạy 3000m; hằng tháng, tổ chức 1-3 buổi hành quân mang vác nặng từ 20 đến 30kg/người trong cự ly từ 15 đến 20km. Đặc biệt, năm cuối khóa, học viên đều phải rèn luyện hành quân mang vác nặng vào các buổi chiều hoặc buổi tối trong tuần (trừ chủ nhật); giai đoạn cuối phải mang vác được khoảng 30kg và hành quân được hơn 20km/lần.
Sau một buổi hành quân, tôi hỏi về công tác bảo đảm trong rèn luyện, Trung sĩ Đặng Hồng Phong cho biết: Nhân viên nhà ăn luôn tích cực cải tiến chế biến món ăn, bảo đảm ăn đủ, thức ăn nóng, hợp khẩu vị. Sau mỗi buổi hành quân, học viên còn được nhà ăn phục vụ nước muối ấm để ngâm chân. Cơ quan quân nhu cấp quần áo, giày vải đúng cỡ số nên chúng em không bị rát hoặc phồng rộp chân. Chỉ huy tiểu đoàn cũng phối hợp với cơ quan chính trị bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp, qua đó chúng em thấy bớt căng thẳng, có cảm giác thoải mái sau mỗi lần hành quân.
Bài và ảnh: NGUYỄN QUỐC HOÀI