QĐND - 102 gương điển hình tiên tiến là đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng được Tổng cục Chính trị (TCCT) tuyên dương tại Lễ tôn vinh những người thợ giỏi, như những ngôi sao trên “bầu trời” lao động giỏi, lao động sáng tạo toàn quân giai đoạn 2009-2014. Dự lễ tôn vinh được tổ chức ngày 22-11 có Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm TCCT; đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT; Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng...

Say mê sáng tạo từ thực tiễn

Từ sáng sớm, không khí ở Hội trường Bộ Quốc phòng đã “nóng” với những câu chuyện bên lề lễ tôn vinh những người thợ giỏi. Những cái bắt tay thân thiện, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt những người lính thợ đến từ mọi miền Tổ quốc. Các thợ giỏi tranh thủ trao đổi về công việc, về những vất vả và niềm vui trong lao động. Trong mỗi câu chuyện mà chúng tôi ghi được, đều toát lên tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lòng yêu nghề của những người lính thợ.

Công nhân viên quốc phòng (CNVQP) Trần Trung, Tổ trưởng kỹ thuật Nhà máy Cán thép, Công ty TNHH Thép Trường Thành (Quân khu 5), chia sẻ với các đồng nghiệp về sáng kiến “Điều chỉnh hệ thống dung sai” của mình, giúp công ty giải quyết được bài toán khó trong nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thép Trường Thành trên thị trường. Từ sáng kiến này, công ty đã sản xuất được các loại thép phi 6, phi 8 với độ chính xác cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu khách hàng; năng suất tăng dần từ 24 tấn thép/ca năm 2010 lên 38 tấn/ca trong năm 2013, tạo việc làm với thu nhập cao, ổn định cho hàng trăm lao động.
 

Các đồng chí: Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm TCCT và Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trao thưởng tại buổi lễ. Ảnh: Minh Trường

CNVQP Huỳnh Ngọc Ánh, Tổ phó Tổ sản xuất, Xí nghiệp Vỏ 1, Tổng công ty Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) lại rất khiêm tốn khi được Thượng tá Phạm Thị Hậu, Trưởng ban Công đoàn Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng giới thiệu là "cây sáng kiến" của đơn vị, góp phần khắc phục khó khăn về thiếu vật tư, nguyên liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Vậy nhưng, nhìn vào bản báo cáo thành tích của anh Huỳnh Ngọc Ánh, mọi người đều thán phục với những sáng kiến tiêu biểu: “Đóng tổng đoạn ca-bin trên mặt boong tàu HSV”, “Chế tạo bộ khuôn dập chịu lực kết cấu ca-bin tàu ASD-2411”, “Thử áp lực két trên các tàu”, “Bộ hút chân không thử kín đường hàn”, “Chế tạo máy cắt tôn dày 1mm, độ dài lớn nhất 2m”. Đồng chí Ánh chia sẻ: “Những sáng kiến, giải pháp của tôi đều xuất phát từ thực tiễn lao động, sản xuất. Những khó khăn, trăn trở trong quá trình sản xuất cộng với lòng say nghề đã giúp chúng tôi tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt công việc được giao”.

Chúng tôi bị “hút” vào câu chuyện của “bác sĩ trực thăng”-Đại úy QNCN Phan Xuân Nam, ở Nhà máy A42 (Quân chủng Phòng không-Không quân) khi anh nói về công việc sửa chữa máy bay trực thăng và kỹ thuật hàng không. Trong quá trình sửa chữa, anh và đồng đội đã tìm ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn do thiếu vật tư thay thế, rút ngắn thời gian sửa chữa để những chiếc trực thăng phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ.

Anh Lê Trần Sự đến từ Viện Nghiên cứu phát triển Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) không nói nhiều về sản phẩm từ nghiên cứu thuật toán và sự phát triển mô đun phần mềm cho hệ thống cảnh giới bầu trời quốc gia của mình, mà nói về sự say mê để đem đến những thành công. Anh cho biết: “Có thời điểm, tôi và đồng nghiệp tìm tòi, nghiên cứu quên cả thời gian và cảm giác đói bụng”.

Những tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo trong thực tiễn của đội ngũ thợ ở các đơn vị, doanh nghiệp đã tạo ra nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực. Điều này được Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT, khẳng định trong lời khai mạc: “Cùng với Phong trào Thi đua Quyết thắng, các phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn lao động”, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Công đoàn Quân đội đã lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm qua, có gần 3000 công trình và hơn 15.300 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị thực tiễn cao, góp phần làm lợi hơn 2000 tỷ đồng cho Nhà nước và quân đội; 85 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng “Lao động sáng tạo”. Lễ tôn vinh những người thợ giỏi lần này là động lực to lớn thúc đẩy phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và nhân rộng điển hình tiên tiến trong đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng; lập nên thành tích mới, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT và Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng trao thưởng cho các điển hình tại Lễ tôn vinh thợ giỏi. Ảnh: Minh Trường

“Truyền lửa” cho phong trào

Điểm khác biệt tại Lễ tôn vinh những người thợ giỏi trong đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động quốc phòng giai đoạn 2009-2014 là TCCT chỉ tôn vinh những người trực tiếp tham gia lao động, sản xuất ở các công trường, nhà máy. Đại tá Nguyễn Xuân Hải, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng, cho biết: “Việc tôn vinh những người thợ trực tiếp tham gia lao động, sản xuất sẽ kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ thợ thêm hăng say lao động. Những người được tôn vinh lần này sẽ là những hạt nhân, lực lượng nòng cốt để tổ chức công đoàn các cấp nhân rộng trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.

Thời gian qua, Công đoàn Quốc phòng đã tham mưu với Thủ trưởng TCCT tổ chức các hội thi kỹ thuật cấp toàn quân và tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu, nhằm không ngừng cổ vũ, động viên, thúc đẩy phong trào thi đua trong cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng. Năm 2010, Công đoàn Quốc phòng tổ chức hội thi thợ giỏi ngành may và ngành cơ khí cấp toàn quân, thu hút 134 cá nhân tham gia, trong đó có 44 cá nhân đạt danh hiệu Bàn tay vàng, 90 cá nhân đạt danh hiệu Thợ giỏi cấp toàn quân; năm 2011, tổ chức tôn vinh 160 tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; năm 2012, tuyên dương 100 điển hình “Làm kinh tế gia đình giỏi”; năm 2013, tuyên dương 100 chủ tịch công đoàn xuất sắc tiêu biểu; năm 2014, tổ chức cuộc thi sản phẩm, đề tài sáng tạo, đã khen thưởng 100 tác giả và nhóm tác giả có đề tài sáng tạo có giá trị thực tiễn cao.

Qua các phong trào, sự tôn vinh đó, những người lính thợ càng trưởng thành hơn về mọi mặt, đồng thời giúp cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quan tâm sát sao và có nhiều hình thức động viên, thúc đẩy phong trào. Đại tá Nguyễn Viết Tuấn, Trưởng ban Công đoàn Tổng cục Hậu cần, cho biết: “Để ý tưởng, sáng tạo của cán bộ, đoàn viên công đoàn thành hiện thực, sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy có vai trò quyết định. Các đơn vị của Tổng cục Hậu cần đều có cơ chế mở động viên sự sáng tạo của anh em. Ví như, để sáng kiến “Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm vải cho phi công và tàu ngầm” do đồng chí Nguyễn Trường Sơn làm chủ đề tài thành công, Tổng công ty 28 đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để khảo sát thực tiễn và may thử nghiệm. Nhờ sự quan tâm đó mà sản phẩm khi đưa vào sử dụng được cải tiến phù hợp, hạn chế tối đa bất cập”.

Các điển hình giao lưu tại Lễ tôn vinh thợ giỏi. Ảnh: Minh Trường

Sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị; sự năng động của tổ chức công đoàn các cấp thực sự đã tạo môi trường sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động quốc phòng. Sự “truyền lửa” ấy đã sản sinh nhiều đề tài, sáng kiến, dù thành công ở các mức độ khác nhau nhưng đều góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị, xây dựng quân đội vững mạnh.

ĐỨC DỤC