Kết quả đó đã chứng minh tính hiệu quả của những mô hình điểm trong huấn luyện CSM. Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm để nâng cao chất lượng huấn luyện trong thời gian tới...

Kinh nghiệm huấn luyện “3 tiếng nổ” từ đơn vị điểm

Năm 2024, Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) được Bộ tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chọn làm điểm về huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh. Trung tá Võ Chí Tâm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Gia Định tâm sự: “Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi những năm trước, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh, nhất là nội dung “3 tiếng nổ” (bắn súng tiểu liên AK, đánh thuốc nổ, ném lựu đạn bài 1) còn bộc lộ hạn chế và tiềm ẩn những nguy cơ dễ mất an toàn”.

Triển khai nhiệm vụ làm điểm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, Trung đoàn Gia Định đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch làm điểm và được quán triệt sâu sắc đến mọi cán bộ, chiến sĩ, xây dựng động cơ, quyết tâm cao. Trung đoàn xác định mũi nhọn đột phá là tập trung nâng cao huấn luyện “3 tiếng nổ”. Đơn vị khảo sát, xây dựng, bố trí khu vực luyện tập sát điều kiện bài bắn, đánh thuốc nổ, ném lựu đạn; đồng thời chuẩn bị chu đáo mô hình, học cụ, đồ dùng huấn luyện. Trung đoàn phát huy vai trò cơ quan tham mưu trong quản lý, điều hành huấn luyện và tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ nhằm đẩy mạnh đổi mới phương pháp huấn luyện. Tổ chức tập huấn, rèn luyện đội ngũ cán bộ có tác phong chính quy, phương pháp chỉ huy, huấn luyện khoa học, lấy người học làm trung tâm, khơi dậy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học; kết hợp tốt huấn luyện lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính, huấn luyện từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ phân đoạn đến tổng hợp, từ chưa thuần thục đến thuần thục động tác và kết hợp tốt giữa chiến thuật với kỹ thuật.

 
leftcenterrightdel
 Chiến sĩ mới Trung đoàn Gia Định thực hiện kỹ thuật đánh thuốc nổ. Ảnh DUY HIẾU 

Điểm nhấn trong hệ thống giải pháp là đơn vị đã xây dựng các video clip về hành động, động tác của người chỉ huy, chiến sĩ trong từng nội dung cụ thể và trình chiếu cho bộ đội xem. Cách làm này giúp chiến sĩ dễ hình dung, khắc phục tình trạng tiếp thu thụ động, bỡ ngỡ. Trong huấn luyện, cán bộ làm mẫu, làm chuẩn động tác; thực hiện chính quy ngay từ ngày đầu, tuần đầu; thực hiện chia nhỏ, tập nhiều; sửa tập từng động tác, yếu lĩnh ngay tại thao trường, làm cho mọi chiến sĩ đều nắm chắc cấu tạo, tác dụng, tính năng kỹ, chiến thuật của vũ khí và thuần thục động tác.

“Tại mỗi buổi hội thao, tôi thường đặt ra những câu hỏi, tình huống trong bắn phân đoạn, bắn tổng hợp, ném lựu đạn nổ, chắp nối ngòi nổ và những yếu tố tâm lý, sức khỏe... để rèn chiến sĩ, từ đó phân loại chất lượng theo từng nhóm, có biện pháp bồi dưỡng sát thực”, Thượng úy Nguyễn Anh Hào, Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, chia sẻ kinh nghiệm.

Chiến sĩ Trần Minh Trường, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, cho hay: “Khi lên tuyến bắn, tôi khá hồi hộp, tim đập mạnh. Tôi làm theo kinh nghiệm được truyền thụ, hít thở sâu, điều chỉnh tâm lý, giữ trạng thái bình tĩnh, tự tin và đã bắn được 77 điểm, đạt giỏi”.

Trung tá Võ Chí Tâm cho biết thêm: Kết quả kiểm tra bắn súng tiểu liên AK bài 1 có 91,2% đạt yêu cầu, trong đó khá, giỏi đạt 77,5% (cao hơn 21,1% so với năm 2023); ném lựu đạn, đánh thuốc nổ đều đạt giỏi, tỷ lệ giỏi cao hơn năm 2023 từ 7 đến 11%. Trung đoàn xác định tập trung huấn luyện, rèn luyện chiến sĩ phải đạt được 3 tiêu chí: Thể lực tốt; nắm chắc kỹ thuật, tính năng, tác dụng của vũ khí, thuần thục yếu lĩnh động tác; bản lĩnh, tâm lý vững vàng.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ mới Trung đoàn Gia Định biểu diễn võ thuật. Ảnh: DUY NGUYỄN 

Đánh giá kết quả làm điểm của Trung đoàn Gia Định, Thiếu tướng Lê Ngọc Hải, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7 khẳng định: Từ kinh nghiệm làm điểm của Trung đoàn Gia Định, cơ quan đã tham mưu cho Bộ tư lệnh Quân khu 7 nhân rộng điển hình. Qua thực tiễn huấn luyện, kinh nghiệm rút ra là phải tăng cường kiểm tra, chỉ đạo đơn vị chú trọng bồi dưỡng cán bộ trực tiếp huấn luyện có trọng tâm, trọng điểm. Cần đi sâu nâng cao trình độ, thuần thục động tác; tích cực đổi mới phương pháp huấn luyện trực quan; đặt vấn đề, giải quyết vấn đề; huấn luyện theo tình huống; điều hành luyện tập, sửa tập khoa học; đổi mới nội dung, hình thức hội thi, hội thao ở các cấp gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, sáng kiến vào huấn luyện; bảo đảm huấn luyện đi vào chiều sâu, thực chất, vững chắc.

Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Thời gian huấn luyện CSM năm 2024 của Quân khu 7 đúng thời điểm vùng Đông Nam Bộ diễn ra nắng nóng kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội. Đầu tháng 5-2024, chúng tôi có mặt tại bãi tập Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5. Mới hơn 9 giờ mà đã nắng nóng như đổ lửa. Trên thao trường, bộ đội được Hội Phụ nữ Sư đoàn phối hợp với tổ chức quần chúng địa phương kết nghĩa mang những thùng nước chanh đường, trái cây ướp lạnh đến tiếp sức. Giờ nghỉ giải lao, bộ đội vừa điểm tâm giải khát vừa cùng các chị tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, tiếp thêm động lực để huấn luyện giỏi. Chiến sĩ Trương Thanh Trà, Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, thổ lộ: “Việc chăm lo, động viên kịp thời của các chị là động lực để chúng tôi vượt khó vươn lên giành kết quả cao nhất trong huấn luyện”.

Đó là những biểu hiện đẹp của mô hình “Tiếp sức mùa huấn luyện” ở Sư đoàn 5. Là đơn vị điểm chính quy của toàn quân, Sư đoàn 5 luôn sáng tạo nhiều mô hình hiệu quả được Quân khu 7 nhân rộng, như: “Mỗi tối một câu chuyện lịch sử”, “Nhóm Zalo hậu phương chiến sĩ”, “5 chủ động trong công tác tư tưởng”, “Mỗi tối một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích”...

Với phương châm “Tất cả vì chiến sĩ thân yêu”, các đơn vị thuộc Quân khu 7 đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong huấn luyện và phục vụ huấn luyện CSM. Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận có mô hình “Hội trại huấn luyện”, phối hợp với tổ chức đoàn địa phương tổ chức cho CSM thi đấu các môn quân sự, thể dục, thể thao, giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian... Lữ đoàn Phòng không 77 có mô hình “Đại đội huấn luyện kiểu mẫu”... Các mô hình là những hình thức linh hoạt trong giáo dục, thuyết phục, quản lý chiến sĩ; giảm tâm lý, áp lực căng thẳng, chăm lo tốt đời sống bộ đội, phát huy hiệu quả vai trò mọi tổ chức, cá nhân trong mùa huấn luyện. Dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 7, trong thời gian huấn luyện CSM, các đơn vị đã tổ chức họp mặt với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình quân nhân; thăm, tặng quà CSM và gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trao đổi thống nhất biện pháp giáo dục, quản lý chiến sĩ...

 

DUY HIỂN

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.