Chỉ còn ít ngày nữa là hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, nhưng Trung sĩ Lê Văn Tuyền, y tá Bệnh xá Trung đoàn 3 vẫn cần mẫn cùng đội ngũ y, bác sĩ đơn vị thăm khám, chăm sóc bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tuyền luôn chú ý quan sát và ghi chép tỉ mỉ những nội dung liên quan đến chuyên môn vào quyển sổ nhỏ.
Trung sĩ Lê Văn Tuyền bộc bạch: “Quê tôi ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Sau một thời gian rèn luyện trong quân ngũ, được đơn vị cử đi học lớp y tá, khi ra trường về công tác ở bệnh xá trung đoàn, tôi may mắn học hỏi được những kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh. Với vốn kiến thức được trang bị trong quân ngũ, trở về địa phương, tôi sẽ tiếp tục học thêm chuyên môn để góp phần chăm sóc sức khỏe cho bà con”.
 |
Chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3 trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh. |
Binh nhất Và Bá Sồng, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, dự định khi ra quân sẽ về công tác tại địa phương. Sồng là người dân tộc Mông, quê ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Trước khi nhập ngũ, anh là bí thư chi đoàn, là một trong những chiến sĩ thuộc diện tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Khi vào quân đội, Và Bá Sồng luôn năng nổ, nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ, tham gia các phong trào của đơn vị. Nắm được tâm tư, nguyện vọng của Sồng và nhất là quá trình học tập, rèn luyện với kết quả tốt, Chi bộ Đại đội 1 đã định hướng, giúp đỡ, bồi dưỡng Sồng kết nạp Đảng.
Trò chuyện với Binh nhất Và Bá Sồng, chúng tôi được biết nhiều kiến thức, kỹ năng công tác, sinh hoạt trong thời gian quân ngũ là hành trang quý để anh tự tin khi trở về địa phương sẽ có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng bản làng. Cũng tương tự như Binh nhất Và Bá Sồng, Binh nhất Huỳnh Thành Thanh Đạt, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 9, cũng có sự lựa chọn cho mình. Trong hai năm quân ngũ, anh là “thợ điện” của đơn vị, bởi trước khi lên đường nhập ngũ, Đạt đã tốt nghiệp chuyên ngành điện công nghiệp tại Trường Trung cấp Công nghiệp Huế (Thừa Thiên Huế).
Binh nhất Huỳnh Thành Thanh Đạt bày tỏ: “Trong thời gian quân ngũ, tôi đã phát huy những kiến thức được học trong nhà trường vào thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Cũng chính công việc đó đã bổ sung cho tôi những kinh nghiệm không có trên giảng đường để khi trở về quê hương, tôi vững vàng hơn trong nghề nghiệp. Ngoài ra, qua học tập, huấn luyện đã rèn cho tôi đức tính kiên nhẫn, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Xuất ngũ trở về địa phương, ngoài việc đăng ký vào ngạch dự bị động viên, tôi cũng có nhiều ấp ủ, dự định cho tương lai”.
Để quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, xuất ngũ trở về địa phương có cơ hội nghề nghiệp, dựng xây tương lai, lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở Trung đoàn 3 hết sức chú trọng việc định hướng, giúp đỡ quân nhân lựa chọn con đường học tập, xu hướng nghề nghiệp phù hợp. Trung tá Đặng Quốc Anh, Chính ủy Trung đoàn 3 khẳng định: “Ngay từ khi bộ đội nhập ngũ, đơn vị đã chỉ đạo chỉ huy các cấp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng chiến sĩ để tạo điều kiện, định hướng, giúp đỡ anh em thực hiện ước mơ, dự định. Hằng năm, trước khi bộ đội xuất ngũ, đơn vị đều phối hợp với các trường dạy nghề, công ty, xí nghiệp định hướng, tư vấn nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng, khả năng, hoàn cảnh của từng người. Từ việc làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực khi có nhiều chiến sĩ trở về địa phương có nghề nghiệp, thu nhập ổn định để vun đắp tương lai”.
Những tháng ngày rèn luyện trong môi trường quân ngũ đã hình thành nếp sống có kỷ luật, bản lĩnh, ý chí, sự chín chắn, trưởng thành trong suy nghĩ, hành động của mỗi quân nhân. Cùng với các chế độ, chính sách của quân đội, các đơn vị đều quan tâm hướng nghiệp cho bộ đội xuất ngũ, đó là hành trang cần thiết để khi trở về địa phương, bộ đội xuất ngũ có thể tìm được con đường lập nghiệp phù hợp với bản thân, là những công dân tốt, có ích cho gia đình, xã hội.
Bài và ảnh: PHÙNG NGỌC THĂNG