QĐND - Ngày 30-10-1951, tại Chiến khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 187 - đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 144 ngày nay được thành lập. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn 144 không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, bảo vệ các hội nghị, các đoàn khách quốc tế của bộ và một số nhiệm vụ bảo vệ khác. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Đăng Dự - Chính ủy Lữ đoàn 144 về truyền thống và nhiệm vụ vẻ vang của đơn vị.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chính ủy, truyền thống “Rắn như thép, vững như đồng, trong như gương” của Lữ đoàn 144 đã được xây dựng như thế nào?

 Đại tá Nguyễn Đăng Dự: Truyền thống đó được xây dựng ngay từ ngày đầu thành lập. Những năm chống thực dân Pháp xâm lược, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan đầu não của Đảng, quân đội ở An toàn khu. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não của quân đội và các nhiệm vụ đặc biệt, góp phần xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh giặc... Đặc biệt, chiến sĩ 144 đã cùng các đơn vị bạn bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ tang của Người và trong suốt những năm chiến tranh ác liệt, cũng như thời gian xây dựng Lăng.

Sau ngày Tổ quốc được thống nhất, nhiệm vụ của lữ đoàn rất nặng nề, phức tạp, nhưng đơn vị vẫn luôn hoàn thành tốt. Truyền thống “Rắn như thép, vững như đồng…” chính là sự rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn có ý chí chiến đấu cao, trình độ quân sự giỏi và tinh thông trước mọi khó khăn, thử thách, được tôi luyện qua chiến đấu và những nhiệm vụ gian khó. Truyền thống “trong như gương” là sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, với nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, luôn hết mình vì nhiệm vụ, không gì có thể mua chuộc, lôi kéo được.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng hoa các chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự của Lữ đoàn 144.

PV: Còn hiện nay, thưa đồng chí? 

Đại tá Nguyễn Đăng Dự: Do đặc thù của đơn vị, chúng tôi luôn phải duy trì nghiêm tư thế tác phong trong chỉ huy, trong tuần tra canh gác, trong huấn luyện. Vừa qua, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã biểu dương Lữ đoàn 144 là đơn vị điển hình về duy trì và thực hiện các động tác điều lệnh để cho các đơn vị trong toàn quân học tập. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn rèn luyện sức khỏe tốt, giỏi võ thuật, tham gia các cuộc diễn tập phòng, chống bạo loạn với đơn vị bạn và Bộ Công an đạt kết quả tốt, chất lượng huấn luyện 5 năm trở lại đây đều đạt khá giỏi trở lên, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có 25 lượt đồng chí nhặt được của rơi trả lại người mất với tổng số tiền hàng chục triệu đồng, 7 đồng chí dũng cảm bắt cướp, được Bộ Quốc phòng, Công an quận Hoàn Kiếm tặng Bằng khen, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

PV: “Uy nghiêm, mạnh mẽ và linh hoạt” chính là cơ sở để nâng cao sức mạnh SSCĐ và hoàn thành các nhiệm vụ của đơn vị?

Đại tá Nguyễn Đăng Dự: Vâng. Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của mình. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải ra sức huấn luyện giỏi, duy trì kỷ luật nghiêm, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu trong thực hiện điều lệnh, điều lệ của quân đội, chấp hành kỷ luật nghiêm, sâu sát đơn vị, đoàn kết và yêu thương cấp dưới, quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất, tinh thần, tư tưởng của chiến sĩ.

Lữ đoàn 144 có gần 60% chiến sĩ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc sâu sát để nắm bắt tư tưởng của bộ đội, kịp thời động viên, giúp đỡ chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ là điều rất cần thiết. Khi cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, coi đơn vị là nhà, đồng chí đồng đội là ruột thịt, thì “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. 

PV: Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của lữ đoàn cần tập trung vào các nội dung gì?

Đại tá Nguyễn Đăng Dự: Chúng tôi luôn quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ lệnh huấn luyện của bộ, cụ thể hóa thành nghị quyết, mệnh lệnh, kế hoạch huấn luyện sát với đặc điểm của đơn vị. Ngoài việc thực hiện đúng phương châm, phương pháp huấn luyện tinh thông sâu sắc về nghiệp vụ bảo vệ, lữ đoàn luôn coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với thực tế chiến đấu và tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Là đơn vị duy trì điều lệnh của toàn quân, nên đơn vị phải huấn luyện để mọi cán bộ, chiến sĩ chuẩn mực về điều lệnh, tiếp đó là rèn luyện để bộ đội có sức khỏe tốt, giỏi võ thuật, chiến thuật, bảo quản và sử dụng hiệu quả các phương tiện bảo vệ, SSCĐ.

PV: 60 năm là một chặng đường rất đáng tự hào không chỉ của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144, mà là của toàn quân. Niềm tự hào ấy sẽ được phát huy ra sao?

Đại tá Nguyễn Đăng Dự: Phát huy truyền thống phải bằng suy nghĩ và hành động cụ thể. Trong quá trình xây dựng lữ đoàn, chúng tôi rất coi trọng việc giữ vững nguyên tắc xây dựng mối đoàn kết, đồng thuận cao trong đơn vị, tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, xây dựng ý thức tự giác trong mọi công việc, đặc biệt là ý thức sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Khi đơn vị là một khối thống nhất về ý chí và hành động, thì truyền thống sẽ được phát huy mạnh mẽ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy!

Lê Phi Hùng (thực hiện)