QĐND - Các đơn vị kinh tế-quốc phòng (KT-QP) của Quân khu 4 đều chốt giữ dọc trên dải Trường Sơn. 15 năm nay, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, thông qua thực hiện các dự án xây dựng Khu KT-QP và thực hiện nhiệm vụ chính trị, các đơn vị đã góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư, phát triển KT-XH, củng cố tiềm lực QP-AN, xây dựng và bảo vệ tuyến biên giới hòa bình.
Năm 2001, khi Đoàn KT-QP 337 được thành lập chưa được bao lâu, vừa mới di chuyển từ Hà Tĩnh vào làm nhiệm vụ xây dựng KT-QP tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đã bám theo một cánh quân của đơn vị làm nhiệm vụ trồng rừng ở thung lũng Tà Rùng. Chúng tôi đã chứng kiến sự vất vả, gian nan, khổ cực của cán bộ, chiến sĩ; chứng kiến cuộc sống cơ cực của bà con Vân Kiều trong những bản làng heo hút sát biên giới… Trên con đường Hồ Chí Minh lúc đó mới được phát tuyến, chúng tôi bắt gặp những em bé, những mẹ già Vân Kiều gầy gò, đen đúa cõng từng bó củi khô về chất dưới nhà sàn để chống chọi với mùa đông sắp đến. Và những cơn sốt rét của người lính trồng rừng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người… Mới đây, chúng tôi trở lại, cuộc sống nơi đây đã thay đổi vượt bậc. Màu xanh núi rừng Trường Sơn phủ khắp các bản làng. Nét mặt người dân hân hoan, phấn chấn và khi nhắc đến bộ đội 337, bà con đều bày tỏ tình cảm yêu mến, quý trọng…
Không chỉ ở Khu KT-QP Khe Sanh do Đoàn 337 đảm nhiệm, mà ở các Khu KT-QP Asho-A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Kỳ Sơn (Nghệ An), Mường Lát (Thanh Hóa) do các Đoàn KT-QP 92, 4, 5, Quân khu 4 đảm nhiệm, chúng tôi cũng có những cảm nhận tương tự… Thiếu tướng Nguyễn Chí Hướng, Phó tư lệnh Quân khu 4 cho chúng tôi biết những con số thống kê: Các Khu KT-QP đã và đang xây dựng 66 hạng mục công trình (không tính nội dung hỗ trợ, ổn định dân cư, trồng rừng), đã hoàn thành, bàn giao cho các Đoàn KT-QP và địa phương 57 hạng mục. Sau khi bàn giao cho địa phương các công trình đã được đầu tư nâng cấp tiếp như công trình đường A Đớt-biên phòng dài 5,6km; đường A Ro Kon Tơm dài 11,1km,… đường Hướng Phùng-Hướng Sơn dài 11km (vốn đầu tư khu KT-QP làm nền đường, các công trình trên đường; vốn của địa phương đầu tư làm phần mặt đường láng nhựa và bê tông), làm tăng thêm hiệu quả các dự án. Những kết quả trên đã tạo ra bộ mặt mới về cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển, thúc đẩy thông thương trong các khu vực biên giới và các làng, bản của đồng bào dân tộc thiểu số. Doanh trại của các Đoàn KT-QP được xây dựng khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội ổn định nơi ăn ở, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, với Khu KT-QP.
 |
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm hộ gia đình tiêu biểu trong Khu KT-QP Khe Sanh, Quảng Trị (7-2014).
|
Nhiều lần, chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KT-QP trực tiếp xuống ruộng, hướng dẫn bà con các dân tộc thiểu số cách trồng lúa nước. Thật cảm động trước hình ảnh những cô gái người Vân Kiều, người Mông lúng túng, vụng về, lần đầu tiên trong đời dưới sự hướng dẫn của bộ đội cắm bó mạ xuống ruộng nước, với niềm hy vọng về một mùa lúa mới năng suất cao. 15 năm qua, các Đoàn KT-QP của Quân khu 4 đã giúp nhân dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, xây dựng ruộng lúa nước, xây dựng đồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm và đã có nhiều sáng tạo trong việc triển khai các biện pháp hỗ trợ giúp dân thoát đói, giảm nghèo có hiệu quả.
Với số vốn lồng ghép không nhiều nhưng các Đoàn KT-QP đã hỗ trợ cho 1.100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất. Các mô hình trồng ngô lai, chè Shan Tuyết, trồng và chế biến dong riềng, hỗ trợ giống lợn, bò sinh sản; mô hình sản xuất 199ha cây lương thực, 48ha cây ăn quả và 2 cơ sở chế biến nông sản sau thu hoạch do các Đoàn KT-QP thực hiện thực sự có hiệu quả, mở ra một hướng làm ăn mới hay giải quyết đầu ra nông phẩm của bà con. Chương trình khuyến nông, khuyến lâm mới được triển khai từ năm 2003, với số vốn chỉ có 4,7 tỷ đồng nhưng đã hỗ trợ rất hiệu quả cho người dân. Đến hết năm 2010, dự án này đã xây dựng được 19ha mô hình trồng cây nông nghiệp, 36ha mô hình trồng cây ăn quả.
Theo đánh giá của chính quyền các cấp, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm do các Đoàn KT-QP thực hiện bước đầu đã thay đổi tập quán canh tác, sinh hoạt của nhân dân, ví dụ như chuyển từ nuôi lợn thả rông sang nuôi lợn cao sản; đưa trâu, bò ra khỏi gầm nhà sàn; trồng các giống cây ăn quả, cây lương thực cao sản... Sản xuất nông nghiệp của đồng bào từ tự cung, tự cấp đến nay đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4-5%.
Thực hiện chương trình hỗ trợ, ổn định dân cư tại các xã biên giới trong các Khu KT-QP, các đơn vị đã hỗ trợ ổn định dân cư, di giãn dân cho 1.139 hộ; xóa đói giảm nghèo cho 4.640 hộ, ổn định được 2.333 hộ dân tại các xã biên giới, với tổng kinh phí là 25,636 tỷ đồng. Đặc biệt, xây dựng được hàng chục cụm làng, bản, tạo nên vành đai QP-AN dọc trên các tuyến biên giới. Một số thị tứ đông đúc và trù phú đã được hình thành như thị tứ Hướng Phùng của huyện Khe Sanh (Quảng Trị); thị tứ trung tâm xã Tén Tằn của huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Trung tướng Võ Văn Việt, Chính ủy Quân khu 4 cho chúng tôi biết, phương hướng xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng đến năm 2020 của Quân khu 4 là tập trung xây dựng các dự án KT-QP theo mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm QP-AN ở địa bàn chiến lược biên giới, trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của QP-AN; hình thành nên cụm, làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới trong thế trận Quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành xây dựng hơn 30 dự án đường, hồ, đập thủy lợi; hỗ trợ ổn định dân cư, di dời cho khoảng 1.940 hộ dân và xóa đói giảm nghèo cho khoảng 17.700 hộ dân trong các vùng dự án.
Trong một đêm khuya, bên bếp lửa ở nhà trưởng bản Tân Pun, Khu KT-QP Hướng Hóa - Khe Sanh, chúng tôi ngồi trò chuyện cùng già làng và cán bộ Đội sản xuất 3, Đoàn KT-QP 337 về câu chuyện Đội sản xuất 3 chuẩn bị làm nhà cho 3 đứa con nuôi người Vân Kiều. Đó là 3 chị em Hồ Thị Huê, Hồ Văn Hưng và Hồ Văn Dưng ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Mấy năm trước, bố mẹ của ba chị em qua đời do bệnh nan y. Nhìn các cháu bơ vơ, nhem nhuốc giữa đời, không thể cầm lòng được, các anh đã đưa các cháu về, nhường cho một căn phòng tập thể trong doanh trại để ở, cho các cháu ăn, liên hệ các trường học cho các cháu đi học trở lại. Giờ đây, các cháu đã lớn, nhất là chị Hồ Thị Huê đã 18 tuổi, sinh hoạt chung với tập thể bộ đội không tiện, rất cần thiết phải làm một ngôi nhà khác để các cháu ở. Rồi, đúng như kế hoạch, ngôi nhà nhỏ của các cháu mồ côi đã được dựng lên, sát gần doanh trại Đội sản xuất 3, chỉ cách đường biên giới một cánh rừng. Đêm đêm, trong ngôi nhà nhỏ ấy các cháu được những người cha nuôi bộ đội kèm cặp học bài; chị gái Hồ Thị Huê còn được Trung tá Ngô Sỹ Lý, Đội trưởng dạy dỗ, hướng dẫn như người mẹ dạy dỗ, hướng dẫn con gái…
Chúng tôi nghĩ rằng, hơn tất cả mọi số liệu thống kê, đó là câu chuyện và hình ảnh cảm động, thuyết phục nhất để nói rằng một dải Trường Sơn, một tuyến biên giới phía Tây địa bàn Quân khu 4 phát triển và hòa bình, có sự đóng góp, nỗ lực to lớn và thiết thực từ các Đoàn KT-QP.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀI