Thiếu tướng HUỲNH VĂN NGON, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9: 

Bám sát thực tế đơn vị

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 124 và Đề án đã giúp đội ngũ cán bộ chính trị nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò quan trọng của công tác GDCT, từ đó dành thời gian đầu tư giáo án, bài giảng phù hợp; nhiều đơn vị đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến hệ thống bảng, biển; sáng tạo các mô hình kết hợp vừa học tập chính trị vừa vui chơi giải trí như: “Tháp pháo kỳ diệu”; “Vòng quay trí tuệ”; “Sân chơi chiến sĩ”; “Câu lạc bộ quân nhân”... làm cho người học hưng phấn, dễ hiểu, dễ nhớ nội dung học tập. Cùng với đó, việc xác định nội dung, chương trình, thời gian, phương pháp giảng bài bám sát từng đối tượng giảng dạy nên công tác chuẩn bị giáo án phù hợp, không tuyệt đối hóa một nội dung, hình thức cụ thể nào mà kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, giữa truyền thụ kiến thức với trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, giữa giáo dục với tự giáo dục... Nhiều đơn vị đã triển khai thực hiện mô hình “3 thực chất” trong GDCT (dạy thực chất; học thực chất; kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất); đồng thời coi trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Các phương pháp diễn giải bằng lời kết hợp đàm thoại, giáo dục trực quan, hoạt động bổ trợ... được vận dụng linh hoạt, hợp lý. Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 124 và Đề án là việc ứng dụng, sử dụng rộng rãi bài giảng điện tử đã đem lại hiệu quả cao (chuyển tải được nhiều nội dung trong thời gian ngắn; tăng tính trực quan, tính thực tiễn, phong phú, sinh động, kích thích được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học). Đến nay, hầu hết cán bộ GDCT ở đơn vị đã sử dụng thuần thục bài giảng điện tử và thiết bị trình chiếu.

Để công tác GDCT đạt hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ các cấp cần thường xuyên đề cao trách nhiệm, quán triệt, nắm chắc mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp thực hiện của Đề án. Đồng thời bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sâu sát, khoa học, quyết liệt; phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo của cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong tham mưu đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Thường xuyên quan tâm xây dựng đơn vị điểm, kịp thời rút kinh nghiệm và nhân rộng những cách làm mới, hiệu quả. Đầu tư trang thiết bị có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị làm nhiệm vụ đặc thù, đóng quân ở những địa bàn còn khó khăn.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 29 và Lữ đoàn Pháo phòng không 226 (Quân khu 9) tham quan Bảo tàng Quân khu 9. Ảnh: THANH HUY 

 

Đại tá DƯƠNG NGỌC TUYẾN, Chủ nhiệm Chính trị Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần:

Đổi mới phải thực chất

Thực hiện Chỉ thị 124 và Đề án, các đơn vị thuộc Cục Xăng dầu đã tích cực đổi mới và vận dụng nhiều hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng cũng như thực tiễn đơn vị theo phương châm kết hợp giữa phương pháp giáo dục truyền thống với hiện đại, coi trọng áp dụng công nghệ thông tin để người học dễ hiểu. Các đơn vị phát huy hiệu quả những thiết chế văn hóa, qua đó góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho bộ đội. Nhờ đó, công tác GDCT ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Thời gian tới, Cục Xăng dầu sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc vị trí, tầm quan trọng và yêu cầu của việc đổi mới công tác GDCT trong giai đoạn mới. Việc đổi mới phải đi vào thực chất, phát huy vai trò, trách nhiệm, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp GDCT. Cùng với đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác GDCT; tăng cường đầu tư, bảo đảm trang bị, phương tiện phục vụ công tác GDCT...

Đại tá PHAN ĐĂNG THẠNH, Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân: 

Tiến hành thường xuyên, đồng bộ

Ngoài đào tạo phi công quân sự, sĩ quan dù tìm kiếm cứu nạn đường không, nhân viên kỹ thuật hàng không, Trường Sĩ quan Không quân còn có thêm khối các trung đoàn huấn luyện bay nên giảng đường không chỉ là những phòng học truyền thống mà còn là sân bay, bầu trời, khoang lái. Nhà trường không dừng lại ở các hình thức GDCT theo quy định mà thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục các môn khoa học xã hội và nhân văn để mọi đối tượng học viên đủ tiêu chuẩn về chính trị trở thành người cán bộ, đảng viên phục vụ lâu dài trong Quân đội. Sau khi Chỉ thị 124 và Đề án được ban hành, Nhà trường đã chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp GDCT phù hợp với tình hình thực tế và từng đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy; đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, phúc tra, đánh giá kết quả công tác GDCT và tăng cường việc bảo đảm, quản lý, sử dụng tốt trang bị phục vụ công tác GDCT. Qua đó, các hình thức GDCT được triển khai thực hiện nghiêm túc. Ngoài hình thức học tập chính trị, các đơn vị còn vận dụng, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên; giáo dục chung với giáo dục riêng; giữa GDCT với phổ biến, giáo dục pháp luật... Kết quả là đã từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ, học viên, chiến sĩ. Tôi cho rằng, công tác GDCT phải thường xuyên được chú trọng và thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành.

Trung tá NGUYỄN XUÂN GIANG, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 382, Quân khu 1: 

Tập trung lãnh đạo khắc phục triệt để những hạn chế

Thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hình thức GDCT. Công tác chuẩn bị bài giảng của cán bộ được quan tâm đúng mức; chú trọng xây dựng bài giảng mẫu cho các đối tượng. Đơn vị thực hiện có nền nếp chế độ tập huấn, bồi dưỡng, trong đó tập trung vào: Quy trình chuẩn bị và thực hành giảng bài chính trị; nội dung, hình thức, phương pháp một buổi thông qua bài giảng chính trị ở tổ; kỹ năng chuẩn bị và thực hành giảng bài có sử dụng trình chiếu; phương pháp duy trì thảo luận của trung đội trưởng. Chúng tôi cũng coi trọng giáo dục trực quan sinh động kết hợp với giáo dục mở có tổ chức, giáo dục chung với giáo dục riêng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và gia đình quân nhân để giáo dục bộ đội, nhất là chiến sĩ mới.

Ngoài những kết quả tích cực, chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục như: Một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị có thời điểm chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác GDCT nên việc triển khai tổ chức thực hiện có thời điểm hiệu quả chưa cao. Hình thức, phương pháp giáo dục tuy được đổi mới, song quá trình vận dụng chưa linh hoạt và sáng tạo, nhất là việc tổ chức, duy trì thảo luận ở tổ còn xuôi chiều, gò ép, hiệu quả thấp; việc kết hợp giữa GDCT với huấn luyện quân sự, quản lý tư tưởng, kỷ luật chưa thực sự hiệu quả, vì vậy chưa góp phần khắc phục vi phạm kỷ luật trong đơn vị. Trình độ, kiến thức toàn diện, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của một số đồng chí cán bộ đảm nhiệm công tác GDCT, nhất là đội ngũ chính trị viên, chính trị viên phó đại đội (người trực tiếp giảng dạy) và trung đội trưởng (tổ trưởng tổ thảo luận) còn có mặt hạn chế... Thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn xác định tập trung lãnh đạo khắc phục triệt để những tồn tại trên; duy trì thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp học tập chính trị.

Thiếu tá NGÔ THÀNH LUÂN, Chính trị viên Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 395, Quân khu 3: 

Muốn đổi mới bài giảng phải đổi mới bản thân

Là người trực tiếp lên lớp giảng dạy cho bộ đội nên đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng GDCT tại đơn vị. Vì vậy, thời gian qua, chúng tôi thường xuyên kiện toàn tổ giáo viên, duy trì chặt chẽ nền nếp thông qua giáo án, kiên quyết không phê duyệt đối với những bài giảng trình bày sai quy cách, nội dung chuẩn bị sơ sài, đồng thời yêu cầu 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử. Chúng tôi phân công cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm, chuyên môn sư phạm tốt để giảng mẫu, kèm cặp, bồi dưỡng những đồng chí cán bộ trẻ mới ra trường. Hằng năm, đơn vị tổ chức hội thi GDCT để đội ngũ cán bộ được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Giảng dạy chính trị thường bị coi là khô cứng nhưng nếu người dạy biết làm mới bài giảng thì các giờ học tập sẽ trở nên sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn người học. Để làm được điều đó, trên cơ sở những nội dung cơ bản như trong giáo trình xác định thì khi soạn giáo án, cán bộ giảng dạy cần bám sát đối tượng, tăng cường lấy ví dụ, dẫn chứng gần gũi với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của bộ đội. Đồng thời thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức mới để cung cấp kịp thời thông tin bổ ích, sát với yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị; kết hợp giáo dục nâng cao nhận thức với định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động cho người học sát thực tiễn. Bài giảng muốn hay thì cán bộ giảng dạy phải làm chủ nội dung, thoát ly giáo án, tác phong chững chạc, phương pháp truyền đạt hấp dẫn, diễn đạt truyền cảm, ngôn ngữ trong sáng, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ ghi chép... 

Thiếu tá NGUYỄN THANH THÁI, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế: 

Phương pháp giáo dục chính trị rất quan trọng

Thực hiện Chỉ thị 124 và Đề án, với phương châm “ở đâu có bộ đội, ở đó có GDCT”, chúng tôi đã tập trung đổi mới việc xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục sát từng đối tượng, nhiệm vụ; bảo đảm nội dung giáo dục toàn diện, kết cấu bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Qua đó, công tác GDCT đã có sự chuyển biến rõ rệt; bản lĩnh chính trị và nhận thức của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên... Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 124 và Đề án, cần tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp GDCT tại đơn vị. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, vì sau khi xác định đúng mục tiêu, chương trình, nội dung thì việc sử dụng các hình thức, phương pháp GDCT phù hợp có ý nghĩa quyết định đến chất lượng. Thực tế cho thấy, việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp làm cho việc GDCT có sức hấp dẫn, thu hút, thuyết phục cao, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, cần chú trọng tổ chức các hoạt động như: Tham quan, xem phim, tra cứu, học tập trên mạng nội bộ; thông báo chính trị-thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; hội thi, hội thao, văn hóa, văn nghệ... tạo sự phong phú, hấp dẫn bộ đội.