Trong những giai đoạn lịch sử nhất định và theo yêu cầu nhiệm vụ chuyển giao loại máy bay mới, để huấn luyện nâng cao kỹ thuật bay cho phi công, có thể mời các chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, nhưng lực lượng chủ chốt, tổ chức huấn luyện, đào tạo phi công thì chỉ huy, GVB của nhà trường vẫn giữ vai trò chủ đạo, quyết định. Thực tế cho thấy, đào tạo được một phi công là cả quá trình rất công phu, tốn kém. Mặt khác, một phi công giỏi chưa hẳn đã là một GVB giỏi. Có những GVB do không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, phải chuyển đổi về đơn vị chiến đấu, họ vẫn là những phi công giỏi.
Đặc điểm riêng của Trường SQKQ là có các trung đoàn bay, khối các GVB trên mỗi kiểu, loại máy bay khác nhau. Từ những học viên bay (HVB) được tuyển chọn sau khi tốt nghiệp mỗi khóa bay (có thể bay qua một hoặc hai loại máy bay của nhà trường tùy theo nhiệm vụ mỗi giai đoạn), có các tiêu chí riêng, họ phải là những phi công ở tốp đầu trong mỗi khóa bay, trình độ bay loại khá, giỏi cả về lý thuyết và thực hành bay, có khả năng sư phạm, lĩnh hội, truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức và vận dụng lý thuyết vào thực hành bay, có trí nhớ tốt, khả năng tiếp nhận, tổng hợp, khái quát, đánh giá, những ưu, khuyết điểm của HVB trong mỗi chuyến bay, đợt bay (nếu là bay vòng kín) và từng khoa mục, bài bay... để từ đó giảng bình, rút kinh nghiệm, động viên, khích lệ học viên, những ưu điểm thì củng cố và phát huy, những sai sót, khuyết điểm thì đặt ra yêu cầu nghiêm khắc để HVB khắc phục, học tập, rèn luyện, phấn đấu chuyến bay sau tốt hơn chuyến bay trước, củng cố lòng tin vào bản thân, vào năng lực của người thầy, từ đó hình thành, phát triển nhân cách toàn diện của người phi công quân sự trong tương lai.
GVB phải có tư duy khoa học, độc lập và sáng tạo; có năng khiếu nổi trội về văn hóa, thể thao và có khả năng tập hợp, lôi cuốn quần chúng; phẩm chất đạo đức tốt, phong thái chững chạc, mô phạm trong sinh hoạt cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, tâm huyết, yêu nghề, tính trung thực, kỷ luật, tự giác, trách nhiệm cao, có uy tín trước tập thể; có khả năng tổ chức, chỉ huy và trở thành những sĩ quan chỉ huy tham mưu, chính trị trong tương lai... Từ những tiêu chí tuyển chọn ban đầu, các học viên phi công tốt nghiệp được giữ lại đào tạo GVB sẽ phân chia về từng phi đội, bố trí, sắp xếp riêng cho đội ngũ cán bộ, GVB có kinh nghiệm phụ trách. Tổ chức huấn luyện, đào tạo theo một đề cương và chương trình bay riêng trên từng loại máy bay, trước hết là bay củng cố, hoàn thiện kỹ thuật lái ở buồng lái trước (ở ghế học viên nếu là máy bay vận tải, trực thăng).
Đội ngũ GVB ở trung đoàn có sự khác biệt, trước hết, họ phải là một phi công quân sự thực thụ, với những yêu cầu rất khắt khe của nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, đủ điều kiện làm GVB, đồng thời họ còn là cán bộ quản lý giáo dục... Khi vào thực hành bay, là giai đoạn có tính chất quyết định nghề nghiệp của mỗi học viên. Thời gian bắt đầu từ khi chuẩn bị mặt đất, thực hành bay kèm tập điều khiển cơ bản cho đến khi HVB đơn, khoa mục vòng kín diễn ra rất ngắn đòi hỏi mỗi GVB phải tập trung cao độ, huy động tổng lực cả thời gian, công sức, trí tuệ, bám sát học viên, nhuần nhuyễn giữa lý thuyết bay vào phân tích giảng giải chuyên sâu, gắn với từng động tác, bài bay cụ thể cho từng học viên khác nhau, giúp học viên tập luyện thuần thục từ mặt đất, cả số liệu động tác, bài bay, yếu lĩnh động tác, sức phân phối chú ý, những sai lệch thường gặp, cách khắc phục cụ thể của từng trạng thái bay, bài bay. Tập luyện các bất trắc đặc trưng trong bay, cách xử lý và biện pháp an toàn trong mỗi bài bay.
GVB chủ yếu hoạt động giảng dạy trực tiếp trên không, giảng đường là bầu trời, khoang lái. Số lượng học viên biên chế trực tiếp phụ trách không nhiều (thông thường từ 3 đến 5 HVB). Mối quan hệ thầy trò, lại vừa là đồng đội, đồng nghiệp là mối quan hệ “máu thịt” vì họ bay chung một máy bay trên bầu trời, tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, mất an toàn bay. Mọi sai lầm dù xuất phát từ trò hay thầy đều có thể dẫn đến mất an toàn bay và hậu quả của mỗi người là như nhau. Trong quá trình bay kèm, giảng viên hướng dẫn qua thông thoại nội bộ, có học viên điềm đạm, tính cách “lỳ” có thể nói lớn, nghiêm khắc. Ngược lại, có học viên nhút nhát, dễ căng thẳng thì GVB lại phải nhẹ nhàng học viên mới có thể tiếp thu được. Vì vậy, mọi khuyết điểm của học viên trong chuyến bay sẽ chỉ được tổng hợp, "mổ xẻ" khi trở về mặt đất. Do đó, người GVB luôn phải rèn luyện đức tính kiên nhẫn, biết kiềm chế, tác động đến mỗi học viên phù hợp, luôn lấy đích quan trọng nhất là học viên có thể tiếp thu được kỹ thuật lái, dẫn đường trên không và tự tiếp thu, phân tích, đánh giá, truyền tải thông tin, biến nó thành cái của mình, từ đó mà phát triển kỹ thuật bay vững chắc...
Xuất phát từ vị trí, vai trò, trách nhiệm của người GVB ở Trường SQKQ đặt ra cho mọi cấp, mọi ngành cần đầu tư, quan tâm đúng mức đến nhà trường. Trước hết, cần đầu tư đầy đủ, đồng bộ các trang bị, phương tiện hiện đại tương thích với các khí tài, trang bị hiện có và dự báo phát triển trong tương lai của Quân chủng Phòng không-Không quân. Để công tác huấn luyện, đào tạo phi công của nhà trường đạt kết quả tốt, cần đi trước, đón đầu và ngày càng sát với thực tiễn đơn vị. Ưu tiên và tạo điều kiện để nhà trường được lựa chọn đủ số lượng, chất lượng HVB giữ lại đào tạo GVB trên từng loại máy bay sau mỗi khóa bay.
Đối với đội ngũ GVB, luôn xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nghề nghiệp, nhận thức rõ trách nhiệm, vinh dự của người thầy đặc thù. Tích cực học tập, trau dồi kiến thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm tròn nhiệm vụ vẻ vang, đào tạo phi công cho Tổ quốc. Gửi đi đào tạo hoặc hợp tác mời các chuyên gia giỏi từ nước ngoài, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ GVB trên các loại máy bay được trang bị.
Quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho đội ngũ giảng viên của nhà trường nói chung và đặc thù đội ngũ GVB nói riêng, để họ yên tâm, gắn bó, phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, lòng yêu nghề, gắn bó với công việc, phát huy truyền thống anh hùng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục-đào tạo của nhà trường.
Đại tá, ThS PHẠM VĂN ĐÔNG (Nguyên Phó chính ủy Trường Sĩ quan Không quân)