Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, thực tế đã chứng minh, ở đâu và địa phương nào, trường nào quan tâm, xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi ở đó bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo, thương hiệu, uy tín của trường được khẳng định. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo và đầu tư cho phát triển giáo dục, trong đó có phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhờ đó đã góp phần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong hệ thống các học viện, nhà trường Quân đội, đội ngũ giáo viên, giảng viên luôn có vị trí rất quan trọng. Được chọn lọc, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nằm trong hệ thống học viện, nhà trường Quân đội, Trường Sĩ quan không quân là một trường trọng điểm, đào tạo phi công quân sự, sĩ quan dù, tìm kiếm cứu nạn đường không và học viên cao đẳng, trung, sơ cấp kỹ thuật hàng không các chuyên ngành cho Việt Nam và quốc tế. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhà trường đã đào tạo hàng trăm giáo viên, giảng viên, hàng ngàn học viên phi công quân sự cho Tổ quốc, đã và đang là lực lượng chủ chốt trực ban sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị không quân. Nhiều giáo viên, giảng viên, học viên phi công quân sự trưởng thành từ nhà trường ra các đơn vị chiến đấu lập công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và trở thành các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong Quân đội, Quân chủng Phòng không – Không quân; nhà trường đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Những thành tích xuất sắc và chiến công đó đã góp phần xây dựng Quân chủng Phòng không – Không quân chính quy tinh nhuệ, hiện đại. Để có được bề dày truyền thống và thành tích vẻ vang ấy có đóng góp không nhỏ bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ và cả sự hy sinh máu xương của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, viên chức quốc phòng nhà trường qua các thời kỳ, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ giảng viên bay (GVB) các thế hệ nối tiếp nhau của Nhà trường.

Giảng viên bay, nghề đặc thù ở Trường Sĩ quan không quân. 

Trong đội ngũ giáo viên, giảng viên nói chung, đội ngũ GVB của nhà trường có thể dễ nhận thấy, cơ bản và hoàn toàn do trường tự chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng mà không thể tuyển chọn ở bất cứ một nhà trường và lĩnh vực nào khác trong xã hội. Trở lại lịch sử nhà trường, từ ngày đầu thành lập, khai giảng khóa huấn luyện bay đầu tiên ngày 3-11-1958 tại Sân bay Cát Bi, Hải Phòng đến nay, lực lượng giáo viên, GVB đều được tuyển chọn từ các phi công giỏi trong các khóa bay, có năng lực, trình độ, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu đào tạo học viên phi công quân sự trên các kiểu loại máy bay của nhà trường. Trong những giai đoạn lịch sử nhất định và theo yêu cầu nhiệm vụ chuyển giao loại máy bay mới, để huấn luyện nâng cao kỹ thuật bay cho phi công, có thể mời các chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, nhưng lực lượng chủ chốt, tổ chức huấn luyện đào tạo phi công vẫn là những chỉ huy, GVB của nhà trường giữ vai trò chủ đạo, quyết định. Thực tế cho thấy để trở thành một phi công là một quá trình đào tạo rất công phu, tốn kém, nhưng chỉ là một phi công giỏi chưa hẳn đã là một GVB giỏi, có những GVB do không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, phải chuyển đổi về đơn vị chiến đấu họ vẫn là những phi công giỏi.

Đặc điểm riêng của Trường Sĩ quan không quân, lực lượng giảng viên cũng được phân chia khác nhau, tại khu trung tâm nhà trường là khối các khoa giảng viên cơ bản, cơ sở chuyên ngành và Trung tâm Huấn luyện Thực hành giống như các trường sĩ quan khác, nhưng đặc thù bao trùm và lớn nhất khác biệt hoàn toàn, nhà trường có thêm khối các trung đoàn bay, khối các GVB trên mỗi kiểu loại máy bay khác nhau. Từ các học viên bay (HVB) được tuyển chọn sau khi tốt nghiệp mỗi khóa bay (có thể bay qua một hoặc hai loại máy bay của nhà trường tùy theo nhiệm vụ mỗi giai đoạn), có các tiêu chí riêng, họ phải là những phi công ở tốp đầu trong mỗi khóa bay, trình độ bay loại khá giỏi cả về lý thuyết và thực hành bay, có khả năng sư phạm, lĩnh hội, truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức và vận dụng lý thuyết vào thực hành bay, có trí nhớ tốt, khả năng tiếp nhận, tổng hợp, khái quát, đánh giá, những ưu, khuyết điểm của HVB trong mỗi chuyến bay, đợt bay (nếu là bay vòng kín) và từng khoa mục, bài bay.

Để từ đó giảng bình, rút kinh nghiệm, động viên, khích lệ học viên, những ưu điểm củng cố và phát huy, những sai sót khuyết điểm thì đặt ra yêu cầu nghiêm khắc để HVB khắc phục, học tập, rèn luyện, phấn đấu chuyến bay sau tốt hơn chuyến bay trước, củng cố lòng tin vào bản thân, vào năng lực của người thầy, từ đó mà hình thành, phát triển nhân cách toàn diện của người phi công quân sự trong tương lai. GVB phải có tư duy khoa học, độc lập và sáng tạo; có năng khiếu nổi trội về văn hóa, thể thao và có khả năng tập hợp, lôi cuốn quần chúng; phẩm chất đạo đức tốt, phong thái chững chạc, mô phạm trong sinh hoạt cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, tâm huyết, yêu nghề, tính trung thực, kỷ luật, tự giác, trách nhiệm cao, có uy tín trước tập thể; có khả năng tổ chức, chỉ huy và trở thành những sĩ quan chỉ huy tham mưu, chính trị trong tương lai. Có nguyện vọng trở thành GVB, và phải là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ những tiêu chí tuyển chọn ban đầu, các học viên phi công tốt nghiệp  được giữ lại đào tạo GVB, sẽ phân chia về từng phi đội bay, bố trí sắp xếp riêng cho các cán bộ, GVB có kinh nghiệm phụ trách. Tổ chức huấn luyện, đào tạo theo một đề cương và chương trình bay riêng trên từng loại máy bay, trước hết bay củng cố, hoàn thiện kỹ thuật lái ở buồng lái trước (ở ghế học viên nếu là máy bay vận tải, trực thăng). Tổ chức bay nâng cao với các khoa mục bài bay khó, phức tạp, sau đó chuyển sang đào tạo ở buồng lái sau (ghế giáo viên) với các khoa mục bay theo đề cương, tiến trình đào tạo GVB. Khi đó ngoài việc củng cố, nâng cao kỹ thuật bay như một phi công thực thụ, họ phải làm quen với vị trí GVB, tương quan các vị trí chuẩn trên buồng lái hoàn toàn khác vị trí học viên, góc và tầm nhìn rất hạn chế, khó khăn, phức tạp hơn, nhất là họ phải vừa làm thị phạm từng động tác chuẩn xác, vừa phải tập hướng dẫn đồng thời bằng lời nói theo mỗi chuyển động của từng trạng thái bay (lúc này GVB kèm trong vai học viên sẽ tác động làm sai lệch trạng thái, nghe và theo dõi mọi hành động của học viên đào tạo GVB để giảng bình, đánh giá, trực tiếp rút kinh nghiệm).

Giảng viên bay mới còn phải học tập bồi dưỡng chương trình sư phạm theo quy định chung của Bộ Quốc phòng và Luật Giáo dục. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chương trình lý luận về chính trị, quân sự, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu chức danh. Khi được phê chuẩn các khoa mục cơ bản làm GVB, các GVB được phân công trợ giảng ở các tổ bay, thông thường thời gian tương đương một khóa bay. Trong giai đoạn này họ tiếp tục bay củng cố nâng cao kỹ thuật bay, tự học tập bồi dưỡng năng lực sư phạm, tiếp cận phương pháp giảng dạy của các GVB đi trước, tích lũy kinh nghiệm, tập giảng. Sau khi đủ điều kiện sẽ được độc lập nhận học viên, trực tiếp phụ trách tổ bay dưới sự giám sát, kiểm tra, phụ đạo chặt chẽ của cán bộ, giảng viên có trách nhiệm.

Đội ngũ GVB ở Trung đoàn có sự khác biệt, trước hết họ phải là một phi công quân sự thực thụ, với những yêu cầu rất khắt khe của nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, đủ điều kiện làm GVB, đồng thời họ còn là cán bộ quản lý giáo dục. Do đó nhiệm vụ của người GVB rất nặng nề, khó khăn, phức tạp, họ phải chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp, toàn diện học viên cả về kỹ thuật bay và rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, huấn luyện nâng cao thể lực, bồi dưỡng, xây dựng phẩm chất nhân cách người phi công quân sự, dạy nghề đi đôi với dạy người, theo tiêu chí của sĩ quan lái máy bay, chỉ huy tham mưu cấp phân đội.

Giảng đường của người GVB vừa là các phòng học chuyên dùng, khi tập trung theo lớp để giảng bình bay, giảng dạy lý thuyết các bài bay, khoa mục bay, khai thác sử dụng kỹ thuật hàng không, hậu cần không quân, quy chế sân bay, công tác tổ chức chỉ huy bay, hệ thống thông tin liên lạc, khí tượng, dẫn đường của mỗi sân bay và hướng dẫn xử lý các tình huống bất trắc trên mỗi loại máy bay. Khi vào thực hành bay, là giai đoạn có tính chất quyết định nghề nghiệp của mỗi học viên, thời gian bắt đầu từ khi chuẩn bị mặt đất, thực hành bay kèm tập điều khiển cơ bản cho đến khi học viên bay đơn khoa mục vòng kín diễn ra rất ngắn, đòi hỏi mỗi GVB phải tập trung cao độ, huy động tổng lực cả thời gian, công sức, trí tuệ, bám sát học viên, vừa ứng dụng nhuần nhuyễn giữa lý thuyết bay vào phân tích giảng giải chuyên sâu, gắn với từng động tác, bài bay cụ thể cho từng học viên khác nhau, giúp học viên tập luyện thành thục từ mặt đất, cả số liệu động tác, bài bay, yếu lĩnh động tác, sức phân phối chú ý, những sai lệch thường gặp, cách sửa chữa khắc phục cụ thể của từng trạng thái bay, bài bay. Tập luyện các bất trắc đặc trưng trong bay, cách xử lý và biện pháp an toàn trong mỗi bài bay.

Giảng viên bay chủ yếu hoạt động giảng dạy trực tiếp trên không, giảng đường là bầu trời, khoang lái. Số lượng học viên biên chế trực tiếp phụ trách không nhiều, (thông thường từ 3 đến 5 HVB). Mối quan hệ thầy trò vừa là đồng đội, đồng nghiệp, là mối quan hệ “Máu thịt” vì họ bay chung một máy bay trên bầu trời, mỗi khi rời mặt đất luôn tiềm ẩn những yếu tố khách quan, chủ quan tác động rủi ro, mất an toàn bay có thể xảy ra bất cứ khi nào, mọi sai lầm dù xuất phát từ trò hay thầy đều có thể dẫn đến mất an toàn bay và hậu quả của mỗi người đều như nhau.

Giữa thầy và trò hầu như không có khoảng cách, thường được gọi thân thương là “Anh thầy”, thầy xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, bổn phận và trách nhiệm, bằng tri thức, kinh nghiệm sống và lòng yêu nghề, luôn mong muốn truyền thụ tất cả và đầy đủ nhất cho học viên, hoàn toàn không “Giấu nghề”, để học viên nhanh chóng tiếp thu được kỹ thuật lái, dẫn đường, làm chủ được bản thân, làm chủ máy bay, rút ngắn đề cương bay, sớm trở thành người phi công. Vì vậy phương pháp bay là một yếu tố hết sức quan trọng đối với người GVB. Phương pháp bay là hội tụ đầy đủ nhất tri thức khoa học, kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm từ bản thân, đồng nghiệp và đặc biệt GVB còn phải là “Nhà tâm lý học”, phải nắm chắc đặc điểm tâm, sinh lý của từng học viên trong tổ bay cả trên không và mặt đất, nhất là trước mỗi giai đoạn, mỗi bài bay, khoa mục bay mới, đặc biệt trước khi học viên bay đơn các bài bay có trong đề cương bay, phải chỉ rõ những khó khăn phức tạp, những đặc điểm nổi bật, sai lầm dễ mắc phải, những bài học kinh nghiệm để chuẩn bị kỹ tâm lý vững vàng, sẵn sàng cho nhiệm vụ của mỗi học viên, từ đó có biện pháp giảng dạy phù  hợp. Vì hoạt động bay diễn ra trên không, dưới tác động trực tiếp của rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan,  ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu của học viên.

Thực tế cho thấy “Học ở mặt đất mười thì trên không chỉ còn lại năm” vì vậy bắt buộc học viên  khi kiểm tra đánh giá kết quả chuẩn bị phải luôn đạt khá trở lên mới được phép bay. Đối với mỗi học viên do tính cách và trải nghiệm trong môi trường hoạt động mới, tâm sinh lý và phản xạ sinh học của mỗi học viên không giống nhau. Trong quá trình bay kèm, giảng viên hướng dẫn qua thông thoại nội bộ, có học viên điềm đạm, tính cách “lì” có thể nói lớn, nghiêm khắc; nhưng ngược lại có học viên tính cách nhút nhát, dễ căng thẳng lại phải nhẹ nhàng tiếp cận, học viên mới có thể tiếp thu được. Vì vậy mọi khuyết điểm của học viên trong chuyến bay sẽ chỉ được tổng hợp, mổ xẻ khi trở về mặt đất. Do đó người GVB luôn phải rèn luyện đức tính kiên nhẫn, biết kiềm chế đúng lúc, để tác động đến mỗi học viên phù hợp, luôn lấy đích quan trọng nhất là học viên có thể tiếp thu bằng được kỹ thuật lái, dẫn đường trên không và tự tiếp thu, phân tích, đánh giá, truyền tải thông tin, biến nó thành của mình, từ đó mà phát triển kỹ thuật bay vững chắc.

Giảng viên bay không chỉ có trình độ bay giỏi mà phải có khả năng sư phạm và trí nhớ tốt trong điều kiện khắc nghiệt ở trên không, khi bay kèm vừa hướng dẫn thị phạm, dõi theo từng cử chỉ của học viên, vừa phải làm tốt công tác bảo hiểm, tập trung cao độ từ đầu đến kết thúc một chuyến bay, đợt bay. Quá trình bay luôn có sai lệch, là quá trình sử sai liên tục, bắt buộc GVB phải ghi nhớ tất cả ưu, khuyết điểm của từng học viên, vừa hướng dẫn, giảng bình ngắn gọn, trực tiếp ở mọi vị trí trong chuyến bay để nhắc nhở và nghiêm khắc, yêu cầu cao với từng học viên, đồng thời phải tổng hợp ghi nhớ ưu, khuyết điểm đặc trưng của từng học viên để giảng bình sau khi kết thúc chuyến bay, đợt bay và giảng bình toàn bộ trước khi giao nhiệm vụ cho ngày bay, ban bay tiếp theo. Nhằm mục đích động viên khích lệ, biểu dương, phát huy ưu điểm, đồng thời giao nhiệm vụ, nghiêm khắc với những sai sót, khuyết điểm, đặt ra yêu cầu cao cần đạt được cho học viên. Tiếp tục theo dõi, giám sát, uốn nắn kịp thời trong quá trình chuẩn bị bay, giúp học viên luyện tập thành thục trên sa bàn, buồng máy tập ở mặt đất, từ đó học viên tiếp thu, khắc phục sửa chữa khuyết điểm, củng cố, nâng cao kỹ thuật, làm chủ các trạng thái bay, đáp ứng yêu cầu cần đạt được song hành với đề cương tiến trình bay.

Căng thẳng, áp lực, luôn đối mặt với hiểm nguy, đó là đặc trưng nổi bật tác động lên mỗi phi công khi bay, đối với GVB áp lực đó tăng lên gấp nhiều lần, trước hết là áp lực với yêu cầu cao chất lượng bay trước nhiệm vụ kèm cặp học viên được giao trong tổ bay. Đề cương, tiến độ bay là pháp lệnh, chất lượng của học viên đạt được phải luôn song hành, mỗi GVB khi nhận tổ đều muốn phấn đấu để học viên của mình được thả bay đơn đầu khóa và đều bay đơn được. Khi đến tiến độ, số lần chuyến quy định, cán bộ đi bay kiểm tra, đánh giá, nếu để vượt đề cương và chất lượng không đạt yêu cầu, thậm chí học viên phải dừng bay do kỹ thuật lái, GVB phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó là vấn đề an toàn bay luôn đặt lên hàng đầu cùng với chất lượng bay, đồng thời ý thức thường trực của mỗi người GVB luôn phải bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng của học viên và chính bản thân mình, kể cả khi bay kèm cũng như khi học viên bay đơn, đều gắn trách nhiệm với người GVB. Kết quả huấn luyện đào tạo học viên là thước đo năng lực, trình độ, uy tín, là thành tích thi đua đồng thời là tiêu chí đánh giá xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của người GVB. Tại các các trung đoàn bay, đội ngũ GVB kế tiếp nhau, độ tuổi, trình độ bay, kinh nghiệm bay không đồng nhất, GVB không chỉ là người trực tiếp kèm học viên trong tổ bay mà theo Điều lệ bay, Điều lệnh Quân đội, quy định và phân cấp quản lý bay, căn cứ từng giai đoạn, từng nhiệm vụ bay, GVB còn là cán bộ quản lý cấp biên đội, phi đội, trung đoàn và các chủ nhiệm bay, an toàn bay ở cơ quan, vừa có trách nhiệm bay kèm, đào tạo, đồng thời kiểm tra đánh giá chất lượng, phân tốp đối với HVB thuộc phạm vi quản lý trong mỗi khóa bay.

Trách nhiệm của người GVB ở Trường Sĩ quan không quân được coi như “Máy cái” sản xuất ra các “Máy con”.

Xuất phát từ vị trí, vai trò, trách nhiệm của người GVB ở Trường Sĩ quan không quân được coi như “Máy cái” sản xuất ra các “Máy con”, sản phẩm với chất lượng phi công cơ bản đào tạo từ nhà trường thế nào sẽ có tác động trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị không quân sau này. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn trong công tác huấn luyện đào tạo học viên phi công quân sự ở trường, trải qua quá trình lịch sử mỗi giai đoạn nhiệm vụ có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau về các tiêu chí tuyển chọn, thời gian tích lũy hình thành và phát triển đội ngũ giáo viên, GVB đặt ra những yêu cầu khác nhau, nhưng dù ở bất cứ giai đoạn nào, tính đặc thù nghề nghiệp GVB cũng không thay đổi và yêu cầu ngày càng cao hơn đáp ứng nhiệm vụ mới đặt ra.

Từ lý luận và thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo phi công, xây dựng, phát triển đội ngũ GVB, yêu cầu xây dựng Nhà trường chính quy, hiện đại, cùng với cơ sở vật chất trang bị hiện có, thực trạng đội ngũ GVB hiện nay, yêu cầu xây dựng lực lượng Phòng không  - Không quân tiến thẳng lên hiện đại đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặt ra cho mọi cấp mọi ngành cần đầu tư, quan tâm đúng mức đến Nhà trường:

- Trước hết cần đầu tư đầy đủ, đồng bộ các trang bị, phương tiện hiện đại tương thích với các khí tài, trang bị hiện có và dự báo phát triển trong tương lai của Quân chủng Phòng không  - Không. Để công tác huấn luyện đào tạo phi công của nhà trường, cần đi trước, đón đầu và ngày càng sát với thực tiễn đơn vị.

- Ưu tiên và tạo điều kiện để Trường được lựa chọn, đủ về số lượng, chất lượng HVB giữ lại đào tạo GVB trên từng loại máy bay hiện có sau mỗi khóa bay.

- Đối với đội ngũ GVB, luôn xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nghề nghiệp, nhận thức rõ trách nhiệm, vinh dự của người thầy đặc thù. Tích cực học tập, trau dồi kiến thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh làm tròn nhiệm vụ vẻ vang, đào tạo phi công cho Tổ quốc

- Gửi đi đào tạo hoặc hợp tác mời các chuyên gia giỏi từ nước ngoài, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ GVB trên các loại máy bay được trang bị.

Quan tâm hơn nữa chế độ, chính sách cho đội ngũ giảng viên ở Trường nói chung và đặc thù cho đội ngũ GVB, để họ yên tâm, gắn bó, toàn tâm, toàn ý, phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, lòng yêu nghề, gắn bó với công việc, phát huy truyền thống anh hùng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Nhà trường.

Đại tá, Ths PHẠM VĂN ĐÔNG, nguyên Phó chính ủy Trường Sĩ quan không quân