 |
Vợ chồng Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg |
Ngày 19-6-1953,vợ chồng điệp viên Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg đã phải lên ghế điện nhận bản án tử hình vì tội cung cấp thông tin tình báo cho Liên Xô và cho đến nay vụ án gián điệp nổi tiếng nhất nước Mỹ vẫn còn nhiều bí ẩn và gây không ít tranh cãi…
Gia đình Rosenberg làm gián điệp
Julius Rosenberg (1918-1953) và vợ Ethel Greenglass Rosenberg (1915-1953) đều là người Mỹ gốc Do Thái và đều là đảng viên đảng Cộng sản Mỹ. Năm 1942, trong khi đang làm việc tại Cục Cơ yếu quân đội Mỹ (ASC), Julius được tình báo Liên Xô tuyển dụng. Cho đến khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, Julius đã chuyển giao cho tình báo Liên Xô hàng ngàn thông tin quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng của Mỹ, trong đó có hệ thống thu phát tín hiệu có tên gọi Emerson, sau này được cải tiến để lắp đặt trên máy bay do thám U-2.
Năm 1944, đến lượt Ethel tham gia hoạt động nội gián cùng chồng và được giao nhiệm vụ tuyển dụng em trai là David Greenglass, đang làm việc trong chương trình chế tạo bom nguyên tử tuyệt mật có tên gọi Manhattan. David đã sao chép nhiều tài liệu liên quan đến việc chế tạo bom nguyên tử tại Phòng Nghiên cứu quốc gia Alamos rồi chuyển giao cho tình báo Liên Xô thông qua Julius và Ethel Rosenberg.
Tháng 1/1950, Klaus Fuch một nhà khoa học người Anh, gốc Đức làm việc trong chương trình Manhattan bị FBI bắt giữ về tội hoạt động nội gián đã khai ra đường dây điệp báo của gia đình Rosenberg. Lập tức, FBI tiến hành bắt giữ David Greenglass( em trai Etheel Greenglass) rồi sau đó bắt tiếp Julius và Ethel Rosenberg về tội hoạt động nội gián cho tình báo Liên Xô.
Người em phản bội và bản án tử hình cho vợ chồng Rosenberg
Vào ngày 29/3/1951, cả Julius và Ethel Rosenberg đều bị tuyên phạt án tử hình. Điều đáng nói là mặc dù khi đó có rất ít chứng cứ để kết án bà Ethel Rosenberg làm gián điệp cho Liên Xô, nhưng vào thời điểm đó người ta lại cố tình bỏ qua nhiều “tiểu tiết” này. Do đó, bà Ethel Rosenberg đã trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ bị tử hình sau vụ nữ sát thủ Mary Surratt bị treo cổ vì tham gia ám sát Tổng thống Abraham Lincoln. Có một chi tiết rất đáng quan tâm, đó là vì muốn được “yên thân - thoát án tử hình” vì vụ án gián điệp này nên David Greenglass, em trai của bà Ethel Rosenberg đã ra làm chứng và đưa ra nhiều bằng chứng để buộc tội chị gái.
Ngày 6-3-1951, tòa khai đình phiên đầu tiên và David Greenglass đã ra làm chứng và những lời khai cùng các bằng chứng có giá trị khác đã giúp bồi thẩm đoàn kết tội bà Ethel Rosenberg. Ngày 5-4-1951, vợ chồng Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg đã bị Chánh án Irving Kaufman tuyên án tử hình. Khi đó David Greenglass bị bắt sau khi FBI bắt giữ nhà khoa học người Anh, gốc Đức Klaus Fuch làm việc trong chương trình Manhattan - chế tạo bom nguyên tử. David Greenglass khai, bị chị gái Ethel Rosenberg tuyển dụng làm gián điệp cho Liên Xô và đã sao chép nhiều tài liệu liên quan đến việc chế tạo bom nguyên tử tại Phòng Nghiên cứu quốc gia Alamos… Nhờ sự khai báo thành khẩn nên David Greenglass đã được giảm từ án tử hình xuống chung thân.
Julius Rosenberg và “lời thừa nhận của một điệp viên”
Về phần mình, những bằng chứng chống lại ông Julius Rosenberg trong việc trao tài liệu bí mật về bom nguyên tử của Mỹ cho Liên Xô ngày càng rõ ràng bởi sau này nó được chứng minh bằng nhiều ghi chép của một số nhà lãnh đạo Liên Xô. Đặc biệt, nó được ông Aleksandr Feklisov, Đại tá về hưu của KGB (nay là Cơ quan tình báo đối ngoại Nga) thuật lại chi tiết trong cuốn “Lời thừa nhận của một điệp viên”. Trong cuốn sách viết cách đây 9 năm (1999), ông Aleksandr Feklisov đã hé mở tấm màn bí mật chung quanh việc Liên Xô chế tạo thành công quả bom nguyên tử nhờ những tài liệu do vợ chồng Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg cung cấp.
Được biết, ông Aleksandr Feklisov đã chỉ đạo người của mình trong ban lãnh đạo Công ty General Electric và Western Electric để thiết lập mối quan hệ với chuyên gia vô tuyến nổi tiếng Julius Rosenberg để người này cung cấp bản vẽ những thiết bị hạt nhân mới nhất của Mỹ cho Liên Xô.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc thiết lập mối quan hệ với vợ chồng Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg của ông Aleksandr Feklisov là một trong những điệp vụ kinh điển của thế giới gián điệp. Tuy nhiên, ông Julius Rosenberg lại cung cấp tài liệu cho KGB thông qua tình báo viên Semyon Semenov. Theo giới truyền thông, ông Aleksandr Feklisov tới New York, Mỹ năm 1941 và đã nhanh chóng thiết lập đường dây thu thập thông tin về bom nguyên tử và bom khinh khí mà Mỹ đang tích cực nghiên cứu.
Sau khi về nước (năm 1946), ông Aleksandr Feklisov đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc thu thập những thông tin bí mật về tình báo khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực như điện tử, định vị vô tuyến, máy bay phản lực và đặc biệt là năng lượng hạt nhân. Mặc dù hoạt động 35 năm trong ngành tình báo (từ năm 1939 cho đến khi về hưu) và được coi là một trong những tình báo viên vĩ đại nhưng ông Aleksandr Feklisov luôn “ẩn mình trong bóng tối”. Nhưng vụ án gián điệp của vợ chồng Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg đã khiến cho tên tuổi của ông Aleksandr Feklisov nối như cồn trong giới chuyên môn.
Theo những tài liệu còn lưu trữ, sau khi Chánh án Irving Kaufman tuyên đọc bản án tử hình đối với vợ chồng Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg, một chiến dịch quốc tế khá rầm rộ đã diễn ra để chống lại bản án tử hình này, nhưng bất thành. Bản án tử hình được thi hành tại nhà tù Sing-Sing, New York hôm 19-6-1953. Vợ chồng Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg đều bị tử hình với hình thức “ngồi trên ghế điện”. Tuy nhiên, lời nói cuối cùng của họ vẫn là “chúng tôi vô tội”. Sau khi chết, vợ chồng Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg đã được chôn tại Wellwood Cemetery ở Pinelawn, New York.
Theo An Ninh Thủ Đô và Công An Nhân Dân