Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu trên các loại máy bay hàng không dân dụng, quân sự cỡ nhỏ và máy bay không người lái (UAV), Trung tá Hoàng Minh Đức, giảng viên Bộ môn Máy bay động cơ (Khoa Kỹ thuật hàng không, Học viện PK-KQ), nhận thấy: Cánh quạt có góc lắp không đổi được sử dụng để chuyển đổi mô-men xoắn của động cơ thành lực kéo cần thiết cho chuyển động của máy bay. Để nghiên cứu sự phụ thuộc của lực kéo cánh quạt có góc lắp không đổi vào tốc độ vòng quay và tốc độ dòng khí phải có những thiết bị thí nghiệm. Tại Học viện PK-KQ, các thiết bị thí nghiệm khí động học và động lực học bay mới đáp ứng được một số bài thí nghiệm nghiên cứu khí động học của khí cụ bay, nhưng chưa có thiết bị nào cho phép xác định lực kéo cánh quạt có góc lắp không đổi khi thay đổi chế độ làm việc. Nếu mua của nước ngoài thì giá thành rất cao và không chủ động được.

Cán bộ, học viên Tiểu đoàn 7 (Học viện Phòng không-Không quân) kiểm tra  sản phẩm các đề tài nghiên cứu khoa học. 

Từ thực tế trên, Trung tá Hoàng Minh Đức và cộng sự nhanh chóng triển khai thực hiện sáng kiến “Xây dựng thiết bị thí nghiệm xác định lực kéo cánh quạt có góc lắp không đổi”. Thiết bị xây dựng mới bài thí nghiệm xác định sự phụ thuộc của lực kéo vào tốc độ vòng quay của cánh quạt và bài thí nghiệm xác định sự phụ thuộc của lực kéo cánh quạt vào vận tốc dòng khí khi giữ tốc độ vòng quay cánh quạt không đổi; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn học tập lý thuyết với thực hành cho học viên ngành kỹ sư hàng không. Sáng kiến này đoạt giải khuyến khích Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24.

Chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Thượng sĩ Lê Thanh Phát, Học viên Đại đội 71, Tiểu đoàn 7, Học viện PK-KQ cùng đồng đội vừa nghiên cứu thành công đề tài “Mô phỏng hoạt động của hệ thống điều khiển phóng rốc két trên máy bay Su-30MK2”. Hệ thống kết nối với máy tính giúp giảng viên quan sát thao tác của học viên khi thực hành trên mô hình thiết bị thực; từ đó, giúp việc học tập thực hành thêm trực quan, sinh động; học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, nhờ tính ứng dụng thực tiễn cao, hệ thống giúp học viên sau khi học lý thuyết có thể ứng dụng bằng cách thao tác trên mô hình thiết bị thực, nhanh chóng tiếp cận tính năng kỹ, chiến thuật của dòng máy bay hiện đại. Đề tài đoạt giải ba-Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24.

Nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên đam mê sáng tạo và cống hiến, Ban giám đốc Học viện PK-KQ luôn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất, thời gian để đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên phát huy hết trí tuệ, tâm huyết trong nghiên cứu khoa học. 5 năm qua, Học viện có 15 đề tài, sáng kiến đoạt Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, với nhiều đề tài, sáng kiến đoạt giải cao, như: Đề tài “Xây dựng và thực hiện giải pháp trinh sát và gây nhiễu vô tuyến trên công nghệ số khả trình FPGA”; đề tài “Nghiên cứu mô phỏng cấu tạo, nguyên lý hoạt động khối đo lường, kiểm tra trên PPK37mm-2 trang bị khí tài GLLADS-M2”; đề tài “Nghiên cứu, thiết kế đài phát mã morse và thiết bị thu giải mã phục vụ định hướng trên máy bay và nhận biết sân bay...

Đại tá Vũ Mạnh Hoàng, Phó chính ủy Học viện PK-KQ khẳng định: “Các sáng kiến, đề tài đều có hàm lượng khoa học cao, mang giá trị thiết thực, vừa tiết kiệm thời gian, vật chất, công sức của bộ đội, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD-ĐT của Học viện. Thời gian tới, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm hơn nữa đến hoạt động nghiên cứu khoa học, có nhiều chính sách khen thưởng, khuyến khích, động viên, tạo động lực thúc đẩy niềm đam mê sáng tạo của cán bộ, giảng viên, học viên, góp phần xây dựng Học viện PK-KQ cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”.

Bài và ảnh: TRẦN ĐỨC LƯU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.