Bài 2: Làm cho “trăm người như một” 

QĐND - Thiếu tướng Lê Đình Hùng, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin (SQTT) khẳng định: Chủ trương đúng nhưng nếu không tạo được sự đồng thuận và quyết tâm hành động “trăm người như một” thì cũng không thể thành hiện thực. Thực hiện chủ trương dạy và học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh cũng vậy. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần sự chung sức, đồng lòng của mọi đối tượng trong toàn trường.

Người đứng đầu phải đi đầu

Sau khi quán triệt tinh thần của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2008, vài ngày sau, Thường vụ Đảng ủy Trường SQTT đã đưa vấn đề này ra thảo luận. Hầu hết các ý kiến bày tỏ quyết tâm đưa việc dạy và học tiếng Anh vào thực hiện ở một số khoa chuyên ngành. Tuy vậy, cũng không ít ý kiến trái chiều, lo ngại về khả năng “hiện thực hóa” chủ trương này, nhất là tâm trạng lo lắng của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thiếu tướng Lê Đình Hùng nhớ lại:

- Chúng tôi cẩn trọng phân tích toàn diện các yếu tố, cả chủ quan và khách quan và nhận thấy nhà trường có 3 điểm thuận lợi cơ bản: Thời gian của học viên nhiều, có thầy giáo ngoại ngữ tại chỗ và có thể liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, trường đại học dân sự trên địa bàn để triển khai thực hiện.

Quá trình tiếp tục thảo luận, bàn bạc để đi đến quyết định cuối cùng, đích thân các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy chia nhau trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với từng đối tượng trong trường. Hai đối tượng quan trọng mà Đảng ủy, Ban giám hiệu đặc biệt quan tâm lắng nghe tâm tư nguyện vọng là đội ngũ giảng viên và học viên. Cuối cùng, tinh thần chung mà Ban giám hiệu nhận được là: “Chủ trương có thể thành công nếu có những bước đi và lộ trình phù hợp, mọi lực lượng cùng quyết tâm thực hiện!”.

Đầu năm 2009, Đảng ủy nhà trường ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu, giải pháp lãnh đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các bộ phận. Đảng ủy lãnh đạo, cơ quan chức năng tham mưu, chủ trì từng phần việc, các khoa, đơn vị xây dựng kế hoạch, lộ trình từng bước thực hiện... Ở giai đoạn đầu, nhà trường coi trọng việc tổ chức tạo ra phong trào tự học tiếng Anh rộng khắp; đồng thời quy định bắt buộc cán bộ, giảng viên dưới 40 tuổi phải phấn đấu đạt trình độ 400 điểm TOEIC trở lên. Tuy vậy, quá trình triển khai, những cán bộ lớn tuổi không đứng ngoài cuộc. Tất cả các đồng chí trong Ban giám hiệu; lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị; cán bộ cấp thượng tá, đại tá tiên phong học trước, làm trước… Sau gần một năm thi đua học tập, vào dịp cuối năm 2009, trong các hoạt động như: Hội nghị, sinh hoạt, duy trì một số hoạt động tập thể, kiểm tra đơn vị, đối thoại, giao tiếp... thủ trưởng các cấp đều bắt đầu dùng tiếng Anh.

"Tấm gương học tập của cấp trên trở thành động lực thôi thúc, là “mệnh lệnh” không lời để chúng tôi tích cực học tập ngoại ngữ" - Thượng úy Lê Quang Hòa, Giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ.

Thực hành thông qua bài giảng bằng tiếng Anh ở Trường SQTT.

Chủ trương một, biện pháp mười

Xác định quyết tâm phải “hiện thực hóa” được chủ trương dạy và học bằng tiếng Anh, giải pháp đầu tiên mà Đảng ủy nhà trường xác định là phải đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền giáo dục, thống nhất nhận thức cho mọi đối tượng. Thực chất, đó là việc làm để cán bộ, giảng viên, học viên hiểu bản chất của nhiệm vụ không gì khác là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp GD-ĐT theo hướng phát huy tính tích cực của người học. Trong quá trình này, giảng viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, định hướng cho người học những vấn đề bản chất, cốt lõi nhất, giúp người học tự học, tự nghiên cứu. Theo nghĩa đó, việc giảng dạy tiếng Anh cũng chỉ là bước cung cấp “chìa khóa” để người học có hành trang cần thiết “hòa mình” vào phong trào tự học của nhà trường.

Với số lượng giảng viên tiếng Anh còn thiếu, một mặt nhà trường động viên, khuyến khích đội ngũ này phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm; mặt khác, Ban giám hiệu quyết định “thuê” thêm giáo viên có uy tín của Trung tâm Ngoại ngữ Việt - Mỹ vào trường tham gia giảng dạy. Thậm chí, đơn vị còn đầu tư xây dựng trụ sở - làm nơi ăn, nghỉ gần doanh trại nhà trường, giúp các giảng viên của trung tâm thuận tiện đi lại, lên lớp, thực hành kiểm tra, giúp đỡ thường xuyên các đối tượng học tập. Đại tá Phạm Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Chính trị nhà trường giải thích:

- Học phí chi cho các lớp bồi dưỡng được thực hiện theo phương châm trên - dưới kết hợp cùng lo; đồng thời, khai thác các nguồn thu, trích thêm một phần từ quỹ tuổi trẻ sáng tạo, quỹ tăng gia sản xuất... Bằng cách làm như vậy, chúng tôi đã huy động được sức mạnh tổng hợp, giải quyết dứt điểm khó khăn trước mắt; khơi dậy được trách nhiệm, ý thức của mỗi người với nhiệm vụ này.

Để tạo ra môi trường học tập thật sự dân chủ, nhà trường duy trì hiệu quả Cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi, kiểm tra và chống bệnh thành tích trong giáo dục”. Thầy và trò cùng quyết tâm xây dựng môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh, đưa kết quả học tiếng Anh đi vào thực chất, nhằm phản ánh đúng nỗ lực và trình độ của người học. Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng xây dựng, kiện toàn cơ chế, chế tài và thực hiện các chế độ ưu đãi với giảng viên ngoại ngữ, giảng viên thực giảng chuyên ngành bằng tiếng Anh và cán bộ có trình độ tiếng Anh xuất sắc. Ví như, cấp 40 máy vi tính (đợt đầu) và 20 suất đất ở cho các đối tượng trên; ưu tiên bổ nhiệm các cương vị lãnh đạo, chỉ huy đơn vị; đề bạt, thăng quân hàm trước niên hạn theo thẩm quyền... Nhờ các biện pháp như vậy, cán bộ, giảng viên nhà trường đã tích cực học tập tiếng Anh vì chính quyền lợi chính trị của bản thân. Việc học cũng nhờ đó mà trở thành tự giác, thành phong trào thực chất chứ không bị gò ép hay hình thức.

- “Chủ trương một, biện pháp mười”. Quan trọng là biện pháp nào cũng thật sát trúng thì sẽ thu được hiệu quả cao. Đến nay, ở Trường SQTT, 100% môn học đều có giảng viên thực hành giảng dạy bằng tiếng Anh; toàn trường thực hiện giao tiếp trong công tác và sinh hoạt chủ yếu bằng tiếng Anh - đồng chí Hiệu trưởng khẳng định.

Bài và ảnh: TẤN TUÂN-CÔNG THI

Đổi mới công tác đào tạo ở Trường Sĩ quan Thông tin (bài 2)