Sáng 8-5, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, hệ thống Tòa án nhân dân hiện được tổ chức theo mô hình 4 cấp. Trong đó, Tòa án nhân dân cấp cao là cấp trung gian trong quá trình xem xét, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Tòa án nhân dân cấp huyện được tổ chức tương ứng với đơn vị hành chính cấp huyện.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để thực hiện chủ trương của Đảng về không tổ chức cấp trung gian, không tổ chức cấp huyện là cấp thiết, nhằm tạo lập hành lang pháp lý để các tòa án đi vào hoạt động theo mô hình mới, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Dự thảo luật được xây dựng theo hướng không tổ chức cấp trung gian, kết thúc hoạt động của 3 Tòa án nhân dân cấp cao, không tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện, mà thay thế bằng mô hình Tòa án nhân dân khu vực. Sau khi sắp xếp lại, hệ thống Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử gồm 3 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực.

Về thẩm quyền, Tòa án nhân dân khu vực sẽ xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản và việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân.

Đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao nhận được sự tán thành của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Về bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, việc giao cho Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm án hình sự mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị là điều chỉnh tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho Tòa án nhân dân tối cao.

Theo rà soát thực tiễn xét xử, nếu đề xuất này được Quốc hội chấp thuận, thì mỗi năm Tòa án nhân dân tối cao sẽ phải xét xử phúc thẩm khoảng 3.000 vụ án hình sự. Do vậy, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với đề xuất thành lập các Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao, dự kiến chuyển cán bộ, thẩm phán trong ngành (chủ yếu từ Tòa án nhân dân cấp cao) về công tác tại Tòa phúc thẩm.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Tương tự như vậy, tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày cũng đề xuất sắp xếp lại mô hình tổ chức hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân. Theo đó, hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực và Viện Kiểm sát quân sự các cấp.

Đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận được sự tán thành của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp - cơ quan có thẩm quyền thẩm tra dự án luật.

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.