13-11-2007 Tổng thống Nga, Vladimir Putin, truy tặng huân chương cao quý nhất cho một điệp viên Liên Xô từng xâm nhập Dự án Manhattan của Mỹ, Anh và Canada - nhằm mục tiêu chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên.

Điệp viên anh hùng

Đó là điệp viên George Koval, người lọt được vào những nhà máy bí mật sử dụng plutonium, uranium đã được làm giàu để tạo ra quả bom hạt nhân cho Mỹ.

Ông bí mật gửi những thông tin chi tiết về các cơ sở bí mật này về Moscow, cùng với những thông tin dễ hiểu và chi tiết về các phương pháp sản xuất uranium đã được làm giàu và plutonium.

Koval hoạt động bí mật đến độ ngày nay Mỹ chưa thể biết ông liên lạc với các thủ trưởng bằng cách nào, nhất là làm sao để có thể chuyển thông tin mật về Nga. Chỉ có một điều chắc chắn là Moscow làm chủ công nghệ bom nguyên tử nhanh hơn bất kỳ siêu cường hạt nhân sắp nổi vào thời diểm ấy.

George Koval (ảnh nhỏ) và Tổng thống Putin trong ngày trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho người điệp viên xuất sắc nhất

Tổng thống Putin ca ngợi Koval, bí danh “Delmar”, là “điệp viên duy nhất” vượt qua lưới phản gián Mỹ và giúp thu ngắn thời gian đáng kể để Liên Xô phát triển một quả bom hạt nhân riêng. Việc Koval làm việc công khai tại hai cơ sở hạt nhân bí mật của Mỹ cũng cho thấy ngành tình báo Mỹ thất bại hoàn toàn trong việc bảo vệ những bí mật quốc gia.

Quyết định của ông Putin cũng cho phép các nhà khoa học Mỹ từng biết Koval trong những năm 1940 và 1950 còn sống được nói về ông, sau một thời gian họ bị Mỹ buộc phải thề giữ kín bí mật về người điệp viên xuất sắc của lực lượng tình báo quân sự Liên Xô (GRU) này.

Nước cờ mạo hiểm

Gia đình Kovak từng di cư từ Nga đến Sioux bang Iowa, nơi có cộng đồng Do Thái lớn. George Koval chào đời đúng dịp lễ Noel năm 1913. Vào năm 1932, do mẹ anh là đảng viên cộng sản nên khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Joseph Stalin, lập vùng Birobidjan ở Siberia cho cộng đồng Do Thái, gia đình Koval quay trở lại Nga, lúc đó người điệp viên tương lai chỉ mới 18 tuổi.

Năm 1934, Koval về Moscow, tỏ ra xuất sắc trong những môn học khó của Viện Công nghệ hóa Mendeleev. Tốt nghiệp loại ưu, anh được GRU tuyển đào tạo rất kỹ lưỡng rồi đưa trở lại Mỹ để hoạt động tình báo khoa học trong gần 10 năm (từ 1940 đến 1948).

Điều đặc biệt là GRU quyết định chơi một nước cờ mạo hiểm: cứ để Koval sử dụng tên thật khi anh nhập ngũ vào quân đội Mỹ, nơi đánh giá cao Koval và năm 1943 đưa anh vào Trường City College ở Manhattan (New York) - vốn nổi tiếng dành cho những sinh viên giỏi. Nhưng ở đây, Koval không bao giờ nói về Liên Xô. Anh cùng nhiều bạn học chỉ chăm chú học về điện.

Nhà vật lý Arnold Kramish, từng học và làm việc cùng Koval trong Dự án Manhattan, công nhận tình báo Mỹ đã không thể phát hiện Koval là điệp viên Liên Xô. Ông kể tướng Groves (chỉ huy bảo vệ an ninh các cơ sở hạt nhân) không tin FBI và sử dụng lực lượng phản gián của quân đội để truy tìm điệp viên Nga, nhưng lực lượng này cũng kém về khả năng phân tích và phát hiện.

Khi Koval học Trường City College, ai cũng ngạc nhiên tại sao Koval lại có mặt, do ông lớn hơn các sinh viên khác chí ít 10 tuổi. Koval cũng chơi bóng chày rất giỏi với những bạn học. Anh cũng được mọi người dành cho nhiều thiện cảm do học giỏi.

Kramish nói Koval tự nhận là một đứa trẻ mồ côi nhưng anh rất dễ gần và rất thông minh, không bao giờ làm bài tập về nhà. Stewart Bloom - một nhà vật lý cấp cao của Phòng Thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở bang California - từng học với Koval, nói anh là một chàng trai bình thường, nói tiếng Anh đúng giọng Mỹ.

Tự do nơi... bí mật

Vào thời điểm ấy, Dự án Manhattan đang thiếu nhân lực nên đề nghị quân đội tuyển người giỏi kỹ thuật. Năm 1944, Koval và Kramish được đưa đến Oak Ridge (bang Tennessee) với nhiệm vụ chủ yếu là tạo nguồn hạt nhân, phần khó nhất trong việc sản xuất bom nguyên tử.

Kramish kể Koval được đi khắp nơi trong nhà máy, do được phân công bảo đảm an toàn sức khỏe nên anh được lái xe đến từng tòa nhà để bảo đảm công nhân không bị nhiễm phóng xạ. Tháng 6-1945, Koval được giao thêm nhiệm vụ tương tự ở Dayton (bang Ohio), nơi tái chế polonium 210, một chất phóng xạ mạnh dùng để kích hoạt phản ứng dây chuyền của quả bom nguyên tử.

Đến tháng 7 năm ấy, Mỹ thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên và một tháng sau ném 2 quả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật.

Sau Thế chiến 2, Koval rời Mỹ do một điệp viên Nga đào ngũ đã báo cho tình báo Mỹ biết bí mật Dự án Manhattan đã bị lộ. Khi ấy Mỹ mới hay tin giới văn học Nga chào đón gia đình Koval từ Mỹ trở về.

Vào lúc 7g ngày 29-8-1949, Liên Xô cho nổ quả bom hạt nhân đầu tiên của họ ở Semipalatinsk, gây bất ngờ cho Washington vì bị mất sự độc quyền bom nguyên tử quá nhanh. Đầu những năm 1950, FBI thẩm vấn Kramish và những ai quen biết Koval nhưng đề nghị họ phải kín miệng.

Tại Nga, Koval trở về Viện Mendeleev, nhận bằng tiến sĩ và giảng dạy tại đây suốt nhiều năm, theo tờ báo Nga Rossiiskaia Gazeta đưa tin. Mãi đến năm 2002, vai trò điệp viên của Koval mới được công khai tại Nga, khi cuốn sách GRU và Bom nguyên tử kể về “Nhân viên Delmar” là một trong số ít điệp viên Liên Xô “không dính lưới phản gián địch”.

Koval qua đời lặng lẽ ngày 31-1-2006 tại nhà riêng ở Moscow, thọ 92 tuổi, theo một số báo phương Tây, trong khi Điện Kremlin khẳng định ông thọ 94 tuổi còn một số tờ báo Nga thì nói ông thọ 93 tuổi.

Theo: SGGP-Tuấn Anh (tổng hợp)