“Đi báo cáo, về báo công” không phải là biện pháp mới trong quản lý, duy trì kỷ luật bộ đội, nhưng để tổ chức thực hiện có hiệu quả không phải đơn vị nào cũng làm được, nhất là đối với các phân đội hoạt động nhỏ lẻ, tính chất phân tán.
Khảo sát ở một số đơn vị thuộc Quân khu 3, Binh đoàn Quyết Thắng, Binh chủng Công binh, chúng tôi nhận thấy, nếu lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nào duy trì, thực hiện nghiêm túc biện pháp trên không những đạt kết quả cao trong quản lý, duy trì kỷ luật bộ đội, mà còn góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm kỷ luật do ý thức chủ quan của cán bộ, chiến sĩ gây ra.
Thượng tá Nguyễn Văn Binh, Đoàn trưởng Đoàn phòng không Sông Gianh (Quân khu 3), sau khi dẫn ra một số ví dụ cụ thể trong duy trì thực hiện chủ trương trên, anh cho biết:
- Việc duy trì thực hiện "đi báo cáo, về báo công" không quá phức tạp, tốn kém. Vấn đề là chỉ huy các cấp phải tiến hành thường xuyên, mà trước hết cán bộ phải gương mẫu. Nói vậy, nhưng không hề đơn giản. Để thực hiện một cách nghiêm túc và trở thành nền nếp, chỉ huy đoàn thường xuyên kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ các cấp không nắm chắc tình hình đơn vị, tính chất công việc, nhất là các lực lượng thực hiện nhiệm vụ độc lập, ít người.
Tìm hiểu tại đơn vị để đánh giá đúng cán bộ các cấp có nắm chắc được số lượng, hiệu quả công việc, trước khi kiểm tra cán bộ, chỉ huy đoàn đều kiểm tra thực chất kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các tổ, đội công tác thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Nhận xét, đánh giá của chỉ huy các đơn vị phối thuộc; dư luận quần chúng nhân dân, phát phiếu thăm dò hoặc tổ chức kiểm tra thực tế....
Thông thường, chỉ huy đoàn tập trung kiểm tra vào những thời điểm được xem là “nhạy cảm” như thời gian giữa hai giai đoạn huấn luyện, các ngày nghỉ, ngày lễ, tết, các tổ đội công tác lẻ theo nhiệm vụ. Kết quả kiểm tra các phân đội, kể cả đối với cơ quan đều được chỉ huy đoàn công bố, đánh giá công khai thông qua hội nghị giao ban hằng tuần. Trên cơ sở kết quả và tình hình thực tế, chỉ huy đoàn xác định rõ thời gian và những biện pháp khắc phục cho từng phân đội. Với những biện pháp kiên quyết, triệt để, năm 2006, Đoàn phòng không Sông Gianh đã hoàn thành khá tốt các nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về người, vũ khí, khí tài, phương tiện…
Cũng với thái độ kiên quyết, triệt để, nhưng hình thức theo dõi, kiểm tra của chỉ huy các cấp ở đơn vị xe tăng H02 (Binh đoàn Quyết Thắng) lại có nhiều điểm khác. Tổ chức gặp gỡ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân trước khi nhận nhiệm vụ; biểu dương, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ ngay sau khi kết thúc là việc làm được chỉ huy các cấp ở đơn vị H02 tiến hành thường xuyên.
Theo đại úy Nguyễn Đức Hưng, Phó chủ nhiệm chính trị, việc gặp gỡ, động viên và biểu dương kịp thời không những đảm bảo cho các lực lượng nắm chắc nhiệm vụ, mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, động viên từng người, từng tập thể. Mặt khác, việc gặp gỡ, động viên, tổ chức đánh giá kết quả sau khi hoàn thành nhiệm vụ còn là dịp để chỉ huy cấp trên rèn luyện cán bộ cấp dưới về tác phong công tác cụ thể, tỉ mỉ, sát thực tế. Chính nhờ biện pháp trên, số vụ vi phạm kỷ luật của đơn vị năm 2006 giảm một cách đáng kể. 100% cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật, không có các vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Kết quả huấn luyện được Bộ tư lệnh Binh đoàn đánh giá cao, đạt đơn vị huấn luyện giỏi chuyên ngành; khả năng và sức cơ động SSCĐ được tăng cường.
Không chỉ dừng lại ở việc gặp gỡ, động viên, biểu dương khen thưởng kịp thời những cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn công binh H49 (Binh chủng Công binh) còn tổ chức viết thu hoạch sau những chuyến công tác trọng tâm như: tham gia bắc cầu phao Khuyến Lương; tham gia diễn tập theo chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu hoặc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão... Biện pháp này không những giúp cán bộ, chiến sĩ tham gia các tổ, đội, đợt công tác nâng cao được ý thức, mà còn rèn luyện khả năng quan sát, khơi dậy tính sáng tạo, phát huy trí tuệ của từng người trong từng nhiệm vụ.
Từ kết quả thực tế ở một số đơn vị mà chúng tôi có dịp khảo sát cho thấy: "Đi báo cáo, về báo công" là một biện pháp quản lý không mới, song nếu chỉ huy từng cấp tổ chức thực hiện một cách triệt để, phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị vẫn đem lại hiệu quả cao. Kinh nghiệm từ các đơn vị cho thấy: Hiệu quả công tác quản lý, duy trì kỷ luật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên việc rèn luyện thường xuyên, liên tục, sẽ tạo thói quen tốt trong sinh hoạt, học tập và công tác đối với từng cán bộ, chiến sĩ.
Thực tế, không ít chỉ huy đơn vị chỉ chú trọng việc giao nhiệm vụ, đặt ra những yêu cầu cao, trong khi chưa chú trọng bảo đảm đủ những yêu cầu cần thiết, tạo điều kiện để bộ đội hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, biểu dương khen thưởng thiếu kịp thời hiệu quả đem lại không cao. Bám sát bộ đội, nắm chắc thực tế, chỉ đạo kịp thời, quan tâm toàn diện cả về vật chất và tinh thần, chắc chắn hiệu quả công tác quản lý kỷ luật bộ đội sẽ đạt được kết quả tốt. Quan liêu, xa rời thực tế, chỉ huy nặng nề mệnh lệnh hành chính là nguyên nhân dẫn đến thiếu bền vững trong rèn luyện và chấp hành kỷ luật quân đội hiện nay ở một số đơn vị.
Bài và ảnh: LÊ NGỌC LONG