Chẳng biết tự bao giờ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn được ví như những cây phong ba tươi tốt. Dẫu "cuồng phong, bão táp" có va đập hết năm này sang năm khác, nhưng loài cây ấy vẫn muôn đời vững chãi, sinh sôi, như chính sự phát triển của Tổ quốc nơi đầu sóng!

Như phong ba trước gió!

Trường Sa về đêm, sóng vỗ bờ xào xạc. Đang chìm trong giấc ngủ thì bỗng điện thoại từ buồng trực ban Bệnh xá đảo Trường Sa đổ chuông. Như phản xạ tự nhiên, Đại úy Lã Văn Tuấn, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa bật dậy nhận tin. Phía đầu dây bên kia, giọng người đàn ông thất thanh: “Các anh ơi! Cứu giúp em nó, cả bàn tay giập nát do máy xay đá nghiền, vết thương đang trở nặng”. Bệnh nhân là anh Tôn Văn Khương, 50 tuổi, ở phường Hoài Hương (Hoài Nhơn, Bình Định), đến bệnh xá trong tình trạng giãn đồng tử, thoi thóp. Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân thiếu máu, lại thuộc nhóm máu hiếm, các y sĩ, bác sĩ phải đề cao trách nhiệm, phát huy hết năng lực mới cứu được mạng sống.

Đại úy Lã Văn Tuấn chia sẻ: “Cấp cứu người bệnh trên đảo đôi khi là cuộc giành giật sự sống tính bằng giây, bằng phút với thần chết, vì thiếu trang thiết bị hiện đại, bệnh nhân phải di chuyển dài”. Những lúc ấy, các anh phải thật sự có bản lĩnh thép, khẩn trương, chính xác vì chỉ cần một chút sai sót là có thể làm mất đi cơ hội sống của bệnh nhân.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Trường Sa canh gác cột mốc chủ quyền. 

Chịu đựng được áp lực, căng thẳng, bản lĩnh thép, đó là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với nhiều cán bộ, chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ trên biển, đảo. Hôm ấy, Thiếu tá QNCN Lê Văn Khánh, nhân viên hàng hải Tàu 561 lái ca nô cao tốc kéo xuồng chở đoàn chúng tôi từ tàu vào đảo An Bang. Gặp thời tiết xấu, tàu phải huy động cán bộ ra đảo nhận nhiệm vụ, có kinh nghiệm sóng gió để giúp đoàn lên đảo. Ca nô chạm nước. Gió quật mạnh, sóng như ngôi nhà cao tầng chực ập xuống. Ca nô chao đảo. Anh Khánh phải sử dụng các tư thế “lắc, hụp, né” để tránh sóng và giữ thăng bằng. Phải gần 30 phút, anh Khánh mới chọn được thời điểm đưa ca nô tiến gần đảo để bộ đội trên xuồng ném dây thừng về phía các chiến sĩ trên bờ kéo vào đảo. Anh Khánh quả quyết: “Sóng gió hiểm nguy, điều quan trọng là giữ bình tĩnh, phán đoán đúng, xử lý chính xác”.

Suốt hành trình dài ra với Trường Sa, dù sóng gió rất mạnh, nhưng gương mặt Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) vẫn rất bình thản. Khi chúng tôi hỏi: “Nguy hiểm là thế mà anh không lo lắng gì à?”, anh Nguyện liền chỉ tay về hàng phong ba đang rào rào trước gió biển, nói như tự sự: “Đồng chí nhìn mà xem, nắng nóng, gió biển là thế, nhưng cây phong ba lá vẫn xanh tốt, hoa nở luôn hướng về phía có gió thổi mạnh, cũng tựa như người lính hiên ngang trước bão dông...”.

Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, bộ đội Trường Sa đang viết tiếp trang sử hào hùng của thế hệ cha anh. Điều kiện công tác khó khăn nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng gác lại việc gia đình để nhận nhiệm vụ. Có đồng chí mới đi biển về, khi có tình huống lại xung phong lên đường ra thực địa. Xác định tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân trên biển là mệnh lệnh từ trái tim, bất kể điều kiện thời tiết mưa bão hay ở vùng biển xa, các anh luôn có mặt kịp thời.

Trong 5 năm qua, các đơn vị đã tổ chức cứu nạn thành công gần 100 phương tiện cùng hơn 400 ngư dân và thuyền viên bị nạn trên biển. Điển hình, tháng 10-2017, trong khi đánh cá, gặp cơn bão số 12, tàu cá QNa 91739 trên đường vào đảo Song Tử Tây tránh bão, đã bị lật chìm. Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo không quản ngại hy sinh, dầm mình trong sóng dữ, cứu được 34 ngư dân. Giai đoạn 2019-2022, cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn đã hỗ trợ ngư dân 25.000m3 nước ngọt, 272 tấn lương thực. Bệnh xá đảo Trường Sa đã khám cho hơn 9.600 lượt cán bộ, chiến sĩ, ngư dân; thu dung, cấp cứu hơn 1.500 trường hợp; bảo đảm an toàn cho người bệnh...

Yêu thương như sóng dạt dào

Sáng hôm ấy, trên sóng nước Trường Sa thiêng liêng, Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa diễn ra trang nghiêm, xúc động. Những nhành hoa cúc hòa cùng nhịp sóng, tựa như hiện thân của các anh còn đâu đây. Để có bầu trời, biển, đảo hôm nay, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc thân mình ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trước mặt kẻ thù, đối diện với cái chết, nhưng các anh vẫn sát cánh, yêu thương, đoàn kết, nguyện cùng sống, cùng chết. Các anh đã về với mẹ đại dương, nhưng tinh thần đoàn kết, keo sơn đến phút cuối trở thành biểu tượng bất tử.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). 

Công tác trong điều kiện phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, điều kiện sinh hoạt khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ; là mạch nguồn để đảo thực sự là nhà, biển cả là quê hương, cán bộ, chiến sĩ là anh em ruột thịt.

Những ngày hòa vào nhịp sống, làm việc của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi càng thêm thấm thía lời Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa: “Với chúng tôi, cán binh như anh em ruột thịt, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Xúc động biết mấy, khi được nghe các anh kể nhiều câu chuyện cảm động. Đó là một buổi tối tháng 5-2022, Đại úy QNCN Hoàng Bá Đông, quê ở Yên Thành, Nghệ An, nhận tin em trai vừa mất trong một vụ tai nạn lao động, trước đó chưa lâu, mẹ đẻ của anh vừa bị tai biến, không qua khỏi.

Một lúc mất đi hai người thân, nỗi đau như vô tận. Đơn vị cùng anh Đông lên chùa làm lễ vái vọng người thân. Từ hôm ấy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường xuyên đến động viên, chia sẻ, đồng thời gọi điện về thăm hỏi gia đình, giúp anh Đông vượt qua thử thách. Hay, biết chuyện vợ của đồng chí Nguyễn Văn Hậu ở đảo Trường Sa Đông bị ung thư, các đồng đội đã quyên góp số tiền hơn 20 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh...

(Còn nữa)

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN