Kế “thanh dã” là nghệ thuật quân sự được ông cha ta vận dụng sáng tạo, tài tình trong suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc...
Kế “thanh dã” là nghệ thuật quân sự được ông cha ta vận dụng sáng tạo, tài tình trong suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhờ nghệ thuật này, chúng ta đã đánh thắng rất nhiều thế lực cướp nước hung bạo, đồng thời thể hiện nét đặc trưng trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, một dân tộc nhỏ thường xuyên phải chống lại những kẻ thù rất mạnh.
Năm 1258, ba vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến vào xâm lược nước ta. Trước thế giặc mạnh, vua tôi nhà Trần tạm rút lui về vùng Phiên Mạc (Duy Tiên-Hà Nam) để bảo toàn lực lượng, phát động nhân dân thực hiện kế “thanh dã” để đánh giặc. Theo lệnh của triều đình, nhân dân kinh thành nhanh chóng sơ tán, thực hiện “vườn không nhà trống”. Vì thế, khi quân giặc tiến vào Thăng Long, trước mắt chúng chỉ là phố phường vắng lặng, không một bóng người, không một hạt thóc, kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của giặc bị phá sản. Lương thảo hết, bọn giặc kéo ra ngoài thành cướp bóc, bị nhân dân đánh cho tan tác. Khi địch thực sự rơi vào tình thế nguy ngập, tinh thần rệu rã, quân dân nhà Trần mở cuộc phản cộng lớn ở Đông Bộ Đầu, đánh bật quân Mông Cổ ra khỏi Thăng Long. Hoảng hốt, địch vội ngược theo sông Hồng về phương Bắc, bị nhân dân ta chặn đánh nhiều nơi, tên nào sống sót cố sức chạy về bên kia biên giới, không còn nghĩ gì đến cướp bóc nữa.
Nhờ biết vận dụng sáng tạo kế “thanh dã” cùng nhiều hình thức tác chiến khác, chỉ trong vòng nửa tháng, quân dân nhà Trần đã đánh bại sự xâm lược của kẻ thù thuộc loại mạnh nhất lúc bấy giờ, nền độc lập chủ quyền được giữ vững.
NGUYỄN HÀO HIỆP