Tháng 1 năm 1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 (khóa I) của Đảng ra nghị quyết, đề ra nhiệm vụ cấp bách “Gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuyển sang tổng phản công trong năm 1950”. Nghị quyết chỉ rõ: về quân sự, cần phải vừa chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, vừa gấp rút bồi dưỡng quân đội, khuyếch trương và tăng cường xây dựng bộ đội địa phương, phát triển dân quân, du kích, xây dựng cơ sở chính trị, quân sự trong lòng địch, củng cố các căn cứ địa hậu phương. Nghị quyết cũng chỉ ra, cần củng cố mặt trận dân tộc thống mất, củng cố chính quyền nhân dân, tổng động viên và thi đua ái quốc, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị và tổ chức.
Tại chiến trường Nam Bộ, thực hiện sự lãnh đạo của Xứ bộ và Bộ Tư lệnh Nam bộ, tại khắp các tỉnh miền Đông, ta tổ chức các đợt hoạt động quân sự và chính trị trên cả ba vùng kháng chiến.
Tại thành phố Sài Gòn và các thị xã, thị trấn, ta chủ trương mở rộng phong trào đấu tranh chính trị trong toàn thể công nhân, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân đô thị, hướng mục tiêu đấu tranh vào chống chính phủ bù nhìn, chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ.
Tiếp theo cuộc đấu tranh vào ngày 23-11-1949 của học sinh, sinh viên và công nhân hãng BGI, Xi-la, Xic-lô, Sô-gi, Mic, Bat-xtô, Mê-li-a… ngày 9-1-1950, 2000 học sinh, giáo sư và đại biểu phụ huynh biểu tình, đòi mở rộng cửa trường, thả học sinh bị bắt. Cảnh sát xả súng bắn vào đoàn biểu tình, làm bị thương 30 người. Học sinh Trần Văn Ơn bị thương nặng và chết ở nhà thương Chợ Rẫy.
Hành động khủng bố của giặc Pháp càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa đấu tranh sôi sục của đồng bào toàn thành phố. Ngày 15-1-1950, hơn nửa triệu người thuộc đủ mọi tầng lớp nhân dân Sài Gòn đã xuống đường tham gia đám tang Trần Văn Ơn và đám tang biến thành một cuộc tuần hành khổng lồ chưa từng có. Mọi hoạt động sản xuất, giao thông, chợ búa, trường học đều bị ngừng trệ. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gây tiếng vang rộng lớn trong nước và thế giới.
Trong tình hình lửa bỏng, dầu sôi đó, tiến thêm một bước can thiệp vào Đông Dương, ngày 16-3-1950, hạm đội Mỹ tiến vào cảng Đà Nẵng, 71 máy bay Mỹ biểu diễn dọc bờ biển, từ Đà Nãng đến cửa Cần Giờ. Ngày 17-3, hai tàu chiến Mỹ: Xtích - ken và An-đơc-xơn chở lính hải quân Mỹ cập cảng Sài Gòn. Kế hoạch của chúng là tổ chức cuộc thao diễn lớn về hải- không quân Mỹ trên cảng Sài gòn và hải phận miền Nam hòng diễu võ, giương oai, trấn áp tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nâng đỡ tinh thần cho quân Pháp và tay sai.
Hành động của bọn can thiệp Mỹ càng làm tăng thêm lòng phẫn uất của nhân dân ta. Ngay trong đêm 18-3, Trung đoàn 300 phối hợp với lực lượng dân quân thành, do đồng chí Nguyễn Bứa và Lê Tấn Ích chỉ huy, mở một cuộc tiến công quân sự phủ đầu, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Vào 22 giờ đêm, trận địa cối của ta đặt tại Thủ Thiêm, do đồng chí Trần Sơn Tiêu chỉ huy, đồng loạt rót đạn vào hai chiến hạm Mỹ đậu trên sông Sài Gòn. Cùng lúc, các lực lượng biệt động bên trong đồng loạt tiến công nhiều đồn, bốt, công sở của địch.
Sáng 19-3, quần chúng tấp nập kéo đến trường Tôn Thọ Tường tổ chức mít tinh chống Mỹ can thiệp, nghe luật sư Nguyễn Hữu Thọ diễn thuyết. Bọn cảnh sát, hiến binh Pháp kéo đến bao vây, đàn áp. Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình. Hơn 30 vạn người tràn ra các đường phố chính, giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng và hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và bù nhìn tay sai”, “Phản đối Mỹ viện trợ cho Pháp kéo dài chiến tranh ở Đông Dương”, “ Đế quốc Mỹ cút đi!”. Đoàn biểu tình kéo đến đâu, cờ ba que, cờ Pháp, cờ Mỹ bị hạ xuống đến đó. Bọn lính hải quân Mỹ đi dạo phố có hành động ngang ngược, khiêu khích liền bị rượt đánh. Nhiều xe nhà binh bị đốt. Tên quan tư Pháp Pi-ri-ơ bị quần chúng đánh chết ngay trước dinh Xã Tây. Đêm 19-3, hai tàu chiến Mỹ buộc phải vội vã nhổ neo tháo chạy, kết thúc cuộc diễu võ, giương oai.
THU TRANG