Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần
Đại tá Lê Minh Quang, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 cho biết, xác định CVĐ “Xây dựng môi trường văn hóa” gắn với Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quân ủy Trung ương, trọng tâm là Chỉ thị số 143/CT của Tổng cục Chính trị và Chỉ thị 350-CT/ĐU của Đảng ủy Quân khu 9 về “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư tưởng - văn hoá trong LLVT quân khu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới”.
 |
Môi trường văn hóa lành mạnh giúp cán bộ, chiến sĩ ở Quân khu 9 luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
|
 |
Các trò chơi dân gian thường được các đơn vị ở Quân khu 9 tổ chức cho bộ đội vui chơi. |
Điều dễ nhận thấy khi đến các đơn vị ở Quân khu 9 hiên này là, công tác xây dựng, củng cố doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp đã được quan tâm, đầu tư; lễ tiết tác phong, xưng hô chào hỏi của quân nhân được thực hiện đúng điều lệnh. Hệ thống bảng biển, panô, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động được chỉnh trang, bố trí đúng quy định; bồn hoa, cây cảnh được trồng, chăm bón, cắt tỉa tạo không gian thoáng mát, sạch đẹp.
Qua kiểm tra đánh giá hằng năm, đến nay có 86% đơn vị cấp tiểu đoàn, trung, lữ đoàn đạt tiêu chuẩn đơn vị có doanh trại chính qui, xanh, sạch, đẹp. Thượng tá Trần Đình Công, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 25 chia sẻ: “Phát huy nội lực và sử dụng công sức lao động của bộ đội hợp lý, đơn vị đã làm mới hàng trăm bảng tin, hệ thống pa nô, khẩu hiệu cổ động được sắp xếp, bố trí logic và phù hợp với tình hình nhiệm vụ, chủ đề thi đua và các CVĐ. Lữ đoàn còn xây dựng các công trình như: “Vườn hoa thanh niên”, “Vườn hoa phụ nữ”, “Công viên thanh niên”, “Tuyến đường hoa thanh niên”... đem đến sự tươi mới, sức sống mới, nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt, công tác của bộ đội”.
Trên cơ sở Đề án “Quy hoạch tổ chức và hoạt động phòng truyền thống trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2017 - 2025” và Đề án “Quy hoạch và tổ chức hoạt động Nhà văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2018 - 2030”, thời gian qua, các thiết chế văn hóa (TCVH) được các đơn vị đầu tư xây dựng, trang bị và tổ chức hoạt động có nền nếp. Quân khu hiện có 16 nhà truyền thống, 36 phòng truyền thống cấp sư đoàn, trung, lữ đoàn và tương đương bảo đảm trang trọng; các phòng Hồ Chí Minh được đầu tư mới cùng nhiều trang bị vật tư CTĐ, CTCT phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt và văn hóa, văn nghệ.
“Bên cạnh thường xuyên duy trì các hoạt động nhà truyền thống, thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh, đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động như: Trưng bày giới thiệu sách; cuộc thi quyển sách tôi yêu, sách và người chiến sĩ; tổ chức chương trình “Mùa xuân biên giới”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Học kỳ trong quân đội”… góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thắt chặt tình đoàn kết quân dân”, Trung tá Trần Thành Trung, Phó chính ủy Trung đoàn 20, Sư đoàn 30 chia sẻ.
Hằng năm, các đơn vị còn trích từ nguồn quỹ phúc lợi để mua mới và tiếp nhận, cấp phát bổ sung các loại đầu sách, tạp chí văn hóa, văn học nghệ thuật theo đúng quy định về định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần; tổ chức luân chuyển sách, tạp chí giữa các thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh chặt chẽ, khoa học.
Nét đẹp văn hóa được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi
“Nếu không nhờ sự hỗ trợ đó, tôi không biết lấy tiền ở đâu để chi trả trong những ngày điều trị vết thương”. Đó là tâm sự của ông Từ Hoài, huyện Trà Cú (Trà Vinh) mà chúng tôi tình cờ được gặp khi ông đến khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh. Được biết, cách đây vài tháng, trong lúc đi làm phụ hồ, ông Hoài bị vấp ngã với vết thương nặng ở vùng đầu. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện đã điều trị và miễn phí hoàn toàn mọi sinh hoạt cho ông Hoài trong 12 ngày.
Theo Trung tá Đoàn Văn Tân, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh, ông Từ Hoài là một trong hàng trăm bệnh nhân đã được bệnh viện giúp đỡ từ mô hình “Thùng từ thiện vì bệnh nhân nghèo”. Mô hình được thành lập năm 2014 với sự ủng hộ tình nguyện của cán bộ, nhân viên và người bệnh đến khám, điều trị tại bệnh viện. Số tiền thu được dùng để hỗ trợ tiền viện phí cho những bệnh nhân khó khăn; tổ chức các hoạt động khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, hộ nghèo.
 |
Ngày hội "Mùa xuân biên giới"- mô hình không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về của Sư đoàn 330. |
“Thùng từ thiện vì bệnh nhân nghèo” là một trong rất nhiều mô hình có ý nghĩa thiết thực, tạo nên nét đẹp văn hóa ở các đơn vị Quân khu 9. Để xây dựng niềm tin yêu của nhân dân, những năm qua, LLVT Quân khu 9 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào...
Đại tá Lê Văn Việt, Phó chính ủy Sư đoàn 330 chia sẻ: “Thực hiện quan điểm “hướng về hậu phương, san sẻ yêu thương”, những năm qua, đơn vị đã nhanh chóng cơ động giúp nhân dân bất chấp gian khổ, khó khăn như tham gia giúp bà con khắc phục hậu quả cơn bão số 9 tại tỉnh Bến Tre năm 2006; khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, tỉnh An Giang năm 2011; tham gia chữa cháy rừng ở Kiên Giang và An Giang năm 2000 và 2014. Đặc biệt, trong năm 2021, sư đoàn đã cử trên 1.500 cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân TP Hồ Chí Minh và tỉnh Sóc Trăng phòng, chống dịch Covid-19”.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, theo Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Chính ủy Quân khu 9, CVĐ vẫn còn những mặt hạn chế như: Hoạt động nhà truyền thống, phòng truyền thống, phòng Hồ Chí Minh chưa có nhiều sáng tạo, chưa thực sự là điểm sinh hoạt văn hóa thu hút đông đảo bộ đội tham gia. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; quy hoạch hệ thống thiết chế chưa sâu sát, thiếu tính chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Trang bị vật tư các TCVH qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp; kinh phí hoạt động của các TCVH còn ít so với nhu cầu hưởng thụ trong tình hình mới; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất để xây dựng các kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng môi trường văn hoá, cơ quan văn hoá, gia đình văn hoá; còn một số gia đình cán bộ chưa gương mẫu trong chấp hành các qui định của địa phương, vi phạm tệ nạn xã hội...
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm và vai trò của người chỉ huy trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện CVĐ; đổi mới các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng về văn hóa, phát huy vai trò các tổ chức quần chúng ở cơ sở; tăng cường đầu tư kinh phí, vật tư, phương tiện, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế trong hoạt động văn hóa ở đơn vị. Kết hợp chặt chẽ CVĐ với triển khai các hoạt động trọng điểm văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí; thực hiện thắng lợi chương trình hành động của Đảng ủy Quân khu về thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII”, Thiếu tướng Hồ Văn Thái khẳng định.
Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC