QĐND - Những năm gần đây, công nghệ tàng hình được quân đội các nước trên thế giới quan tâm đặc biệt và đầu tư ngân sách lớn để nghiên cứu phát triển. Cùng với ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tàng hình cho máy bay, vũ khí phòng không, hàng không, vũ khí lục quân và tàu mặt nước, việc tàng hình cho tàu sân bay trên biển cũng đang được quân đội và chính phủ nhiều nước rất chú trọng.

Trong các kế hoạch đóng tàu sân bay thế hệ mới, các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO)... chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ tàng hình; trong đó phải giải quyết hàng loạt các vấn đề về tính toán thiết kế, những khó khăn về kinh tế, kỹ thuật, nhất là việc thiết kế, bố trí và khả năng công nghệ chế tạo. Do vậy, đến nay trên thế giới chưa có tàu sân bay tàng hình hoàn chỉnh để đưa vào trang bị, song công nghệ tàng hình đã được ứng dụng từng phần, vào từng bộ phận, nhờ đó tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tàu sân bay hiện đại được nâng lên đáng kể.

Nga ứng dụng hàng loạt kỹ thuật và công nghệ hiện đại để chế tạo tàu sân bay Kuznetsov, trong đó có kỹ thuật tàng hình. Ảnh sưu tầm.

Phần lớn các tàu sân bay hiện đại đang triển khai ứng dụng các kỹ thuật tàng hình cơ bản, gồm: Kỹ thuật giảm bề mặt phản xạ hiệu dụng, giảm bức xạ nhiệt hồng ngoại do động cơ hoạt động, giảm phát xạ điện từ và sử dụng các vật liệu ngụy trang gây biến hình hoặc hòa đồng màu sắc môi trường thiên nhiên. Phương pháp làm giảm bề mặt phản xạ hiệu dụng của tàu sân bay là sử dụng vật liệu có khả năng hấp thụ hoặc tản xạ sóng ra-đa, cấu trúc vỏ, bề mặt có nhiều góc cạnh để tản xạ theo nhiều hướng khác nhau, hoặc nhẵn bóng để giảm tối đa phản xạ sóng ra-đa. Giảm bức xạ nhiệt hồng ngoại do động cơ tàu khi hoạt động thải ra nhằm hạn chế việc trinh sát bằng các thiết bị, khí tài ảnh nhiệt của đối phương. Kỹ thuật này thực hiện bằng nhiều cách như: Che chắn các phần bị đốt nóng của động cơ, tối ưu hóa việc đốt cháy nhiên liệu để không sản sinh bức xạ nhiệt hồng ngoại, hạn chế các yếu tố làm tăng bức xạ nhiệt, nhất là qua khí thải... Để giảm phát xạ điện từ thì sử dụng các biện pháp che chắn các khí tài điện-điện tử của tàu, giảm phát xạ xung để thu hẹp khả năng phát hiện tín hiệu, thay bộ phát xạ điện từ bằng kỹ thuật quang học, kỹ thuật la-de... Tuy nhiên, đối với tàu sân bay, việc giảm phát xạ điện từ rất khó khăn vì trên tàu trang bị số lượng lớn ra-đa điều khiển, dẫn đường cho máy bay cất hạ cánh; ra-đa tình báo và phòng không...

Các nhà khoa học và thiết kế tàu quân sự chú trọng sử dụng vật liệu hấp thụ sóng điện từ và vật liệu chống ra-đa, giảm thiểu diện tích phản xạ của ra-đa, khiến ra-đa khi phát hiện tàu sân bay giống như con tàu thông thường trọng tài vài nghìn tấn. Từ năm 1990, Công ty Công nghệ vật liệu mới Mi-li-cơn (Mỹ) đã phát triển thành công loại vật liệu polyme, được gọi là Polypyrrole, có kết cấu đa dạng, đặc tính cơ lý-hóa học độc đáo, khối lượng rất nhẹ. Vật liệu được tổng hợp từ các hạt cực nhỏ, có khả năng hấp thụ sóng ra-đa, sóng vi-ba dải tần rộng. Vật liệu Polypyrrole dùng để dệt thành các loại thảm chống tĩnh điện, hấp thụ sóng điện từ. Mỹ đã sử dụng vật liệu Polypyrrole trên một số máy bay, tàu biển, tàu sân bay để triệt tiêu năng lượng đến của ra-đa. Công ty Gam-ma của châu Âu cũng phát triển một loại vật liệu hấp thụ sóng ra-đa kiểu mới, sử dụng sợi xen-lu-lô thép đa tinh thể. Đây là một loại vật liệu hấp thụ ra-đa từ tính, hiệu quả cao trong băng tần rất rộng, khối lượng giảm từ 40 đến 60% so với vật liệu hấp thụ từ tính.

Sự ra đời của vật liệu na-nô mở ra hướng mới về phát triển công nghệ tàng hình “thông minh” trong tương lai. Các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nga... coi kỹ thuật na-nô là kỹ thuật tàng hình thế hệ mới. Hiện các nhà khoa học quân sự đã nghiên cứu chế tạo được loại sơn tẩm vật liệu na-nô hấp thụ gần 99% sóng ra-đa, có khả năng nhận biết, tự xử lý các mệnh lệnh chỉ huy và tin tức.

Sơn tàng hình ứng dụng trên tàu sân bay là giải pháp phổ biến của quân đội các nước. Nhiều nước trên thế giới đã phát triển các loại sơn hấp thụ sóng cao tần và siêu cao tần, vi-ba, sóng mi-li-mét, hoặc sản xuất sơn phản quang, có màu sắc phù hợp với môi trường, nền trời và biển, để tàu hòa vào màu sắc thiên nhiên theo từng thời gian và sự biến đổi môi trường, thời tiết. Mỹ đang sử dụng một loại sơn cao su silicon đặc biệt hấp thụ rất mạnh sóng điện từ để sơn lên bề mặt của tàu và các loại vũ khí trang bị kỹ thuật đi cùng, nhằm chống lại sự phát hiện của ra-đa đối phương. Qua thực nghiệm, sơn màu ngụy trang có hiệu quả tàng hình khá tốt, xác xuất phát hiện mục tiêu giảm xuống còn 33% so với 77,5% khi dùng sơn ngụy trang thông thường. Để khắc phục khó khăn trong việc tàng hình đối với đường băng cất, hạ cánh của tàu sân bay, Mỹ đã thiết kế những tấm chắn ngụy trang kiểu lật ở mép tàu, tạo "bức tường" bao quanh đường băng để đạt mục đích tàng hình.

Đinh Xuân Huyền