Mới hơn 10 giờ nhưng đã có hàng chục người lao động nghèo, bệnh nhân xếp hàng ngay ngắn trước tấm băng rôn “Điểm bán cơm từ thiện giá rẻ 2.000 đồng-dành cho bệnh nhân, người nghèo-lúc 10 giờ 30 phút chủ nhật hằng tuần”. Đúng thời gian quy định, thành viên câu lạc bộ xuất hiện, những suất cơm được chuẩn bị sẵn từ trên xe đưa xuống xếp ngay ngắn trên bàn. Từng người, từng người lần lượt đến mua cơm. Trong chốc lát, 120 suất cơm được bán hết trong niềm vui và những nụ cười hạnh phúc của cả người mua lẫn người bán.

Ngồi trên chiếc xe điện 3 bánh dành cho người tàn tật, ông Lê Viết Long (86 tuổi) ở phường Kim Long, TP Huế xúc động chia sẻ: “Tôi bị tàn tật, sống một mình nên rất khó khăn. Hơn 4 năm nay, cứ vào sáng chủ nhật hằng tuần, tôi đều đến đây mua cơm từ thiện của các cô, chú bộ đội. Tuy chỉ 2.000 đồng nhưng suất cơm rất ngon, lại có cả hoa quả tráng miệng nữa... Tôi rất cảm ơn bộ đội đã chia sẻ với chúng tôi”. Còn chị Bùi Thị Bích Khuyên, cán bộ UBND phường Hương Sơn, TP Huế bộc bạch: “Mỗi khi đi qua điểm bán cơm của các anh, chị bộ đội, tôi thấy rất đông người dân nghèo đến mua. Chứng kiến niềm vui của những người nghèo khi mua được suất cơm 2.000 đồng mà lòng cũng thấy vui".

leftcenterrightdel
“Câu lạc bộ thiện nguyện cơm 2.000 đồng” bán cơm cho người lao động nghèo, bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn (tháng 3-2023). 

Câu lạc bộ được hình thành từ năm 2019, từ ý tưởng của Thượng úy QNCN Trương Văn Tài, nhân viên Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế. Ban đầu chỉ với 15 thành viên, đến nay, câu lạc bộ đã có gần 40 cán bộ, nhân viên Bộ CHQS tỉnh và bạn bè, người thân tham gia; mỗi ngày bán hơn 100 suất cơm cho những người hoàn cảnh khó khăn với giá chỉ 2.000 đồng.

Để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, anh Trương Văn Tài đã trao đổi, bàn bạc với các thành viên xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng người, lập nhóm Zalo để thuận tiện cho việc điều hành. Hằng tháng sau khi nhận lương, mỗi thành viên tự nguyện đóng góp 200.000 đồng xây dựng quỹ. Sau những ngày làm việc, các thành viên tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần không phải trực cơ quan để luân phiên nhau đi chợ, chế biến thực phẩm, nấu ăn, bán cơm cho bà con...

Trò chuyện với chúng tôi, Thượng úy QNCN Trương Văn Tài chia sẻ: “Những ngày đầu bán cơm với giá 2.000 đồng/suất, nhiều người không tin nên chúng tôi phải vừa tuyên truyền vừa bán. Đến nay, hoạt động đã đi vào nền nếp nên cứ đến giờ là bà con xếp hàng ngay ngắn mua cơm”.

Bài và ảnh: HUY CƯỜNG