QĐND - Ngay sau khi nhận được tin về vụ cháy nổ xảy ra tại Phân xưởng sản xuất pháo hoa thuộc Xí nghiệp 4 (Nhà máy Z121-Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), Lữ đoàn Pháo binh 168 (Quân khu 2) đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, cơ động nhanh, tích cực tham gia khắc phục hậu quả.
Ngày 27-10 (15 ngày sau vụ nổ), chúng tôi có mặt tại hiện trường vẫn thấy hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và hàng chục phương tiện của LLVT Quân khu 2 đang cùng cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z121 khẩn trương khắc phục hậu quả, trong số đó có 40 cán bộ, chiến sĩ, 2 xe vận tải và 1 xe chỉ huy của Lữ đoàn Pháo binh 168. Trao đổi với Đại tá Đặng Mạnh Hùng-Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 168, chúng tôi được biết, ngay sau khi vụ cháy nổ xảy ra, chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu 2, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị đã hội ý chớp nhoáng, thống nhất tổ chức lực lượng, phương tiện khẩn trương cơ động đến hiện trường. Đúng 8 giờ 20 phút ngày xảy ra vụ cháy nổ (12-10), hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng đã có mặt. Sự vào cuộc kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn cùng các lực lượng đã giúp Nhà máy Z121 khắc phục nhanh hậu quả vụ cháy nổ.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 168 (Quân khu 2) giúp Nhà máy Z121 khắc phục hậu quả vụ cháy nổ.
|
Vào hồi 13 giờ ngày 12-10, tại hiện trường vụ cháy nổ, chúng tôi gặp Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn-Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng-khi anh đang chỉ huy lực lượng của Lữ đoàn tham gia khắc phục hậu quả vụ nổ. Anh cho biết, ngay sau khi có lệnh, chỉ sau 5 phút cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành công tác chuẩn bị và cơ động có mặt tại hiện trường sớm nhất. Khi đó pháo vẫn còn nổ, lửa khói bốc lên nghi ngút nhưng cán bộ, chiến sĩ đã không quản hiểm nguy lao vào tham gia khống chế ngọn lửa, tìm kiếm người mất tích, cấp cứu người bị thương. Đặc biệt, thấy vị trí lấy nước dập lửa khá xa, xe cứu hỏa không thể tiếp cận hút nước trực tiếp được ảnh hưởng đến tiến độ dập lửa, Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý Tác huấn Lữ đoàn cùng đồng đội sử dụng 3 máy bơm cao áp hút nước từ hồ lên tiếp nước cho các xe cứu hỏa.
Sau khi cùng các lực lượng khống chế được vụ cháy nổ, chiều 12-10, Lữ đoàn bổ sung thêm 1 đại đội. Để tranh thủ thời gian, đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả, Lữ đoàn dựng nhà bạt, tổ chức ăn ở dã ngoại. Chỉ riêng trong các ngày từ 12 đến 14-10, Lữ đoàn đã huy động 328 lượt cán bộ, chiến sĩ; 22 xe ô tô (26 lượt hoạt động) vận tải, xe chỉ huy, xe cứu thương, xe bảo đảm hậu cần, 3 máy bơm cao áp…, tham gia khắc phục hậu quả. Trong các ngày từ 18 đến 26-10, Lữ đoàn duy trì thường xuyên 40 cán bộ, chiến sĩ tiếp tục giúp nhà máy khắc phục hậu quả, sớm ổn định trở lại sản xuất.
Trao đổi với Đại tá Phạm Tuấn Đạt, Chính ủy Lữ đoàn, chúng tôi được biết thêm, cùng với giúp nhà máy khắc phục hậu quả, Đảng ủy-chỉ huy Lữ đoàn đã chỉ đạo các cơ quan nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; khảo sát tình hình địa bàn, phối hợp với các lực lượng tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chia sẻ với nhà máy. Cùng với đó, Lữ đoàn đã rà soát số quân nhân có người thân đang công tác, hoặc sinh sống trên địa bàn Nhà máy Z121 để có biện pháp giúp đỡ, động viên. Qua rà soát, trong Lữ đoàn có 4 quân nhân có người thân bị thương từ vụ cháy, nổ; 1 quân nhân có nhà bị hư hỏng nặng, 3 quân nhân có nhà bị hư hỏng nhẹ. Được sự động viên của đơn vị, gia đình các quân nhân đều chia sẻ và chủ động phối hợp với nhà máy trong việc khắc phục hậu quả.
Bộ tư lệnh Quân khu 2 đánh giá Lữ đoàn Pháo binh 168 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn vụ cháy nổ tại Phân xưởng sản xuất pháo hoa thuộc Nhà máy Z121 và tặng Bằng khen cho đơn vị. Thế nhưng, khi chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Đặng Mạnh Hùng vẫn trăn trở, băn khoăn. Anh cho biết, trong tham gia ứng phó với sự cố cháy nổ nói trên, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đơn vị sử dụng các dụng cụ cầm tay, thô sơ nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Mơ ước của Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 168 là đơn vị có được một chiếc xe cứu hỏa. Bởi không chỉ ứng phó với các tình huống trên địa bàn, mà nhu cầu của Lữ đoàn cũng rất cần để bảo đảm an toàn cho hệ thống doanh trại, kho tàng.
Bài và ảnh: AN QUỐC - CTV