QĐND - Sau 5 năm đấu tranh gay go và quyết liệt (1954-1959), tình hình miền Nam ngày càng trở nên căng thẳng bởi hành động phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, cự tuyệt hiệp thương của Mỹ-Diệm. Những năm tháng ấy, đồng bào miền Nam phải chịu biết bao đau thương, mất mát. Hàng nghìn làng xóm bị địch đốt phá, hàng chục vạn cán bộ, đảng viên bị địch bắt bớ, giam cầm, tra tấn và giết hại. Giai đoạn 1958-1959, nhiều xã không còn chi bộ đảng, nhiều chi bộ chỉ còn 2-3 đảng viên. Nhưng càng trong sự kìm kẹp của địch, lòng yêu nước và ý chí chiến đấu của đồng bào ta càng trở nên quyết liệt, phong trào cách mạng vẫn tiếp tục phát triển. Năm 1957, toàn miền có 2 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị; năm 1958 có 3,7 triệu và năm 1959 là gần 5 triệu lượt người. Cuộc đấu tranh vũ trang tự vệ diệt ác, trừ gian cũng được đẩy mạnh, nhiều đơn vị vũ trang đã lần lượt ra đời. Càng trải qua đấu tranh, cán bộ và đồng bào miền Nam càng được tôi luyện, phong trào vẫn được giữ vững, nên đã khiến Mỹ-Diệm dần lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc. Nhận thấy đây là điều kiện chín muồi để chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, tháng 1-1959, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 15, định rõ con đường đấu tranh của cách mạng miền Nam.

Nghị quyết Trung ương 15 vừa chỉ ra các mâu thuẫn mà cách mạng Việt Nam phải giải quyết, đó là mâu thuẫn giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ phong kiến và bọn tư sản mại bản quan liêu thống trị ở miền Nam và một bên là dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước Việt Nam, bao gồm nhân dân miền Bắc và nhân dân miền Nam; mâu thuẫn thứ hai là giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc. Từ việc xác định hai mâu thuẫn trên, Nghị quyết Trung ương 15 đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược cho cách mạng Việt Nam, đó là: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam”.

Nghị quyết Trung ương 15 cũng xác định hình thức đấu tranh của cách mạng miền Nam là: “… Hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu. Song do quân thù quyết dìm cách mạng trong máu lửa, do nhu cầu cách mạng ở miền Nam, cho nên trong một chừng mực nhất định và ở những địa bàn nhất định đã xuất hiện những lực lượng vũ trang tự vệ… Đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ”. Sự nhận định đúng đắn của Nghị quyết Trung ương 15 đã mở đường cho các chiến lược, sách lược đấu tranh của cách mạng miền Nam ngày càng sát thực, hiệu quả hơn.

Hòng dập tắt phong trào cách mạng, cuối năm 1959, đầu năm 1960, địch tiếp tục bố ráp lực lượng cách mạng ngày càng ráo riết. Chúng tiếp tục thực hiện kế hoạch bình định miền Nam, dồn dân vào các ấp chiến lược, hòng tách nhân dân ra khỏi lực lượng cách mạng để tiêu diệt lực lượng cách mạng. Trong báo cáo của Xứ ủy Nam Bộ gửi ra Trung ương Đảng ngày 21-1-1960 ghi rõ: “… Hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tuyên truyền không còn đủ để bảo vệ căn cứ cách mạng…” và kiến nghị phương châm đấu tranh ở Nam Bộ là: “… Đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang kết hợp song song nhau, đều giữ vai trò chủ yếu và quyết định phong trào”.

Từ thực tiễn cách mạng, tháng 1-1961, Bộ Chính trị ra chỉ thị về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt, trong chỉ thị nêu rõ: “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự… Nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang phải làm hết sức khẩn trương. Đi đôi với việc xây dựng lực lượng vũ trang, cần phải giải quyết vấn đề trang bị, cung cấp cho bộ đội”. Từ đường hướng lãnh đạo này, việc chi viện cả về nhân lực và vật lực cho chiến trường miền Nam ngày càng được đẩy mạnh thông qua con đường vận tải chiến lược trên Trường Sơn, được hình thành từ năm 1959. Đến cuối năm 1963, đã có hơn 4 vạn cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn vào Nam tham gia chiến đấu.

Với những định hướng có tính chiến lược từ Nghị quyết Trung ương 15, cách mạng miền Nam đã có những bước đi đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Kết quả là quân và dân miền Nam đã từng bước đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai.

TRẦN KIM HÀ