QĐND - Điểm nổi bật trong công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ-cuộc tiến công chiến lược với quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài, địa bàn tác chiến ở xa hậu phương... là đã huy động được sức mạnh toàn dân. Đặc biệt, ngành kỹ thuật đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, đồng thời nêu cao tính chủ động, sáng tạo trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch để giành thắng lợi cuối cùng.
Chuẩn bị cho chiến dịch, cùng với 628 xe ô-tô vận tải, Trung ương Đảng và Chính phủ đã huy động lực lượng gồm hơn 260.000 dân công, hơn 20.000 xe đạp thồ, 17.000 ngựa thồ, hơn 4000 thuyền các loại... tham gia vận chuyển kịp thời hơn 1.458 tấn vũ khí, đạn cho chiến dịch. VKTBKT được Tổng cục Cung cấp hậu phương vận chuyển lên Ba Khe rồi giao cho Tổng cục Cung cấp tiền phương để vận chuyển lên Điện Biên Phủ. Để kịp thời phục vụ chiến đấu, các kho vũ khí đạn được bố trí hợp lý, bí mật, an toàn. Tổng kho được đặt ở hang đá Bản Lầu (Sơn La). Các kho trung tuyến, kho dã chiến đặt ở các vị trí gần đường, lợi dụng địa hình đồi núi, hang sâu. Các loại đạn dược được phân theo lô, loại và để ở từng hầm riêng biệt, vừa tiện cấp phát, vừa tiện kiểm tra, bảo quản. Thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chiến dịch cần một lượng vũ khí trang bị rất lớn. Cục Quân khí phải huy động tất cả lượng dự trữ ở các kho. Đặc biệt, do tình hình khẩn trương, nhiều loại vũ khí nhận từ nguồn viện trợ không nhập về kho mà được gửi thẳng ra mặt trận.
 |
Bộ đội nhồi bộc phá chuẩn bị đánh cụm cứ điểm Him Lam. Ảnh tư liệu. |
Việc tổ chức sửa chữa, bảo đảm xe ô tô vận chuyển phục vụ chiến dịch được tổ chức chu đáo. Ngành xe máy đã tổ chức một hệ thống sửa chữa từ hậu phương ra tiền tuyến. Hai xưởng ở hậu phương là Tiền Phong và Chiến Thắng có nhiệm vụ tập trung BĐKT cho các xe tham gia chiến dịch. Trên đường ra mặt trận, ta tổ chức xưởng sửa chữa AZ11 nhằm BĐKT cho các xe vận chuyển vũ khí trang bị từ hậu phương ra các kho trung tuyến. Ngành kỹ thuật còn tổ chức các đội sửa chữa lưu động gồm nhiều thợ giỏi sẵn sàng sửa chữa, BĐKT cho các xe bị hỏng hóc dọc đường.
Trong quá trình tiến công tiêu diệt địch, ngoài VKTBKT được chi viện từ hậu phương, ngay tại mặt trận, các cán bộ quân khí đã bám sát chiến trường sửa chữa, bảo đảm kịp thời vũ khí trang bị cho các đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ ngành quân giới còn tích cực nghiên cứu, sáng chế ra nhiều vũ khí; chi tiết, phụ tùng thay thế, kịp thời sửa chữa súng pháo tại mặt trận. Đặc biệt, bộ đội công binh đã tự nghiên cứu chế tạo ngay tại trận địa khối bộc phá nặng 1000kg dùng để đánh đồi A1. Để giải quyết tình trạng thiếu đạn, nhất là đạn pháo 105mm, bên cạnh việc tổ chức tốt việc vận chuyển đạn từ hậu phương và sử dụng tiết kiệm đạn, các đơn vị kịp thời xử lý và đưa vào sử dụng các loại vũ khí, đạn chiến lợi phẩm. Khắc phục tình trạng thiếu xe, Tổng cục Cung cấp tiền phương có chủ trương “triệt để phát huy hiệu suất của xe, mượn xe của pháo”. Theo đó, phong trào giữ gìn xe tốt, chủ động sửa chữa nhanh xe hư hỏng được phát động. Các đơn vị được phép sử dụng một số xe của pháo (pháo đã vào trận địa kiên cố) để phục vụ nhiệm vụ vận tải… Quá trình chiến đấu, lực lượng bảo đảm thông tin đã tích cực bám sát đơn vị, kịp thời nối dây, sửa chữa, thay thế máy hỏng bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt…
Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công địch phòng thủ. Những kinh nghiệm BĐKT trong chiến dịch, nhất là sự tích cực, chủ động trong công tác chuẩn bị đã được áp dụng thành công ở nhiều chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này. Ngày nay, bài học kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị.
Trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao (nếu xảy ra), địch sẽ sử dụng nhiều loại vũ khí công nghệ cao có thể trinh sát, phát hiện từ xa trong cả điều kiện đêm tối, đồng thời có khả năng tiến công chính xác với cường độ cao. Mặt khác, quân đội ta cũng được trang bị các loại VKTBKT ngày càng hiện đại như không quân, tên lửa, pháo binh, tăng-thiết giáp… Trong bối cảnh ấy, tiến công địch phòng thủ là quá trình tiến công tổng lực có sự tham gia của nhiều quân, binh chủng, nhiều loại VKTBKT hiện đại. Do vậy công tác BĐKT cũng đa dạng và khó khăn hơn.
Công tác BĐKT phục vụ chiến đấu tiến công trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao đòi hỏi phải có sự chuẩn bị thật sự chu đáo, kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn chuẩn bị chiến dịch. Phải tổ chức bảo đảm đầy đủ VKTBKT, chú trọng nâng cao hệ số kỹ thuật trước khi bước vào mỗi trận đánh. Làm tốt việc tạo nguồn vật tư kỹ thuật dự phòng theo trang bị và theo đơn vị để chủ động trong bảo đảm. Phải tổ chức được lực lượng sửa chữa mang tính tổng hợp cao để có đủ khả năng sửa chữa hiệu quả các loại VKTBKT tích hợp nhiều công nghệ hiện đại. Khả năng cơ động của các cơ sở kỹ thuật, kho tàng, trạm xưởng, đội sửa chữa… cũng cần được nâng cao để tránh sự tiến công bằng hỏa lực chính xác của đối phương. Mặt khác, từ bài học thành công trong BĐKT phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy cần phải làm tốt việc huy động sức mạnh toàn dân, động viên lực lượng tại chỗ tham gia công tác BĐKT. Theo đó, cần phải tiếp tục tổ chức xây dựng các trạm sửa chữa, lực lượng sửa chữa, kho tàng kỹ thuật… trên các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngay từ thời bình một cách khoa học; tổ chức tốt lực lượng động viên công nghiệp trong công tác BĐKT…
Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến-Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật