Việc ban hành Luật PTDS tạo hành lang pháp lý vững chắc và là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực PTDS quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Để hiểu rõ một số nội dung cơ bản của luật cũng như công tác triển khai thực hiện, phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam).

leftcenterrightdel
Trung tướng Doãn Thái Đức. 

Phóng viên (PV): Nội dung cơ bản của Luật PTDS và nguyên tắc hoạt động PTDS được thể hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Luật PTDS gồm 7 chương, 55 điều. Nội dung cơ bản của luật quy định 5 vấn đề cơ bản sau: (1) Quy định nguyên tắc PTDS. Một trong những nguyên tắc quan trọng là “PTDS phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính”. (2) Quy định về hoạt động phòng ngừa sự cố, thảm họa. (3) Quy định về hoạt động ứng phó khi có nguy cơ và khi xảy ra sự cố, thảm họa. Trong đó quy định về phân cấp, phân quyền đối với chính quyền địa phương các cấp được phép áp dụng biện pháp PTDS phù hợp với từng cấp, như: Ban bố, bãi bỏ cấp độ PTDS; điều động, huy động lực lượng, phương tiện; áp dụng các biện pháp PTDS; hệ thống chỉ đạo, chỉ huy và lực lượng PTDS. (4) Quy định hoạt động khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố: Trong đó quy định biện pháp khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; cứu trợ, hỗ trợ thiệt hại; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ. (5) Quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PTDS.

PV: Đồng chí có thể làm rõ việc chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính trong công tác PTDS?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Đó là chủ trương của Đảng về PTDS tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về PTDS đến năm 2030 và những năm tiếp theo, được Quốc hội thể chế hóa trong luật. Theo đó, phải chuẩn bị đầy đủ trước khi xảy ra sự cố, thảm họa như: Chiến lược quốc gia về PTDS; kế hoạch PTDS; công trình PTDS; trang thiết bị PTDS; hệ thống tổ chức, lực lượng PTDS; theo dõi, giám sát, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, huấn luyện PTDS. Ngoài ra, khi xảy ra sự cố, thảm họa, phải đánh giá sát nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; xác định cấp độ PTDS và áp dụng các biện pháp phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế để ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa.

PV: Thưa đồng chí, công tác chỉ đạo PTDS, chỉ huy trong các cấp độ PTDS được quy định như thế nào trong luật?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Việc chỉ đạo PTDS được quy định tại Điều 32 (Chương 3): Chính phủ chỉ đạo PTDS trên phạm vi cả nước; Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực giúp Chính phủ chỉ đạo về PTDS. Các bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện PTDS trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật. UBND các cấp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện PTDS tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 33 (Chương 3) quy định về chỉ huy trong các cấp độ PTDS: Chủ tịch UBND cấp xã chỉ huy lực lượng, phương tiện trên địa bàn để ứng phó kịp thời ngay khi sự cố, thảm họa xảy ra trên địa bàn quản lý. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền cấp xã thì chủ tịch UBND cấp huyện chỉ huy các lực lượng, phương tiện trên địa bàn thực hiện các biện pháp PTDS cấp độ 1 để ứng phó với sự cố, thảm họa. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền cấp huyện thì chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ huy lực lượng, phương tiện trên địa bàn để thực hiện các biện pháp PTDS cấp độ 2. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền cấp tỉnh thì Thủ tướng Chính phủ chỉ huy lực lượng, phương tiện của bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện các biện pháp PTDS cấp độ 3.

Đối với khu vực Quân đội quản lý và trên các vùng biển Việt Nam không thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với bộ trưởng, trưởng ngành Trung ương, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh có liên quan chỉ huy các đơn vị thuộc quyền thực hiện PTDS.

leftcenterrightdel

Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó với siêu bão và tìm kiếm cứu nạn tại TP Hải Phòng, tháng 7-2023. Ảnh: QUANG THIỆN 

PV: Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong PTDS, thưa đồng chí?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Luật PTDS quy định 9 hành vi bị cấm như sau: (1) Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy PTDS của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép. (2) Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình PTDS. (3) Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân. (4) Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa. (5) Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động PTDS. (6) Xây dựng công trình làm giảm hoặc làm mất công năng của công trình PTDS; xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình PTDS, công trình PTDS hiện có. (7) Sử dụng trang thiết bị PTDS chuyên dụng không đúng mục đích; khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình PTDS chuyên dụng. (8) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về PTDS; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về PTDS; lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho PTDS không đúng mục đích. (9) Lợi dụng hoạt động PTDS hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

PV: Quỹ PTDS có vai trò rất quan trọng. Đồng chí cho biết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ PTDS như thế nào?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Mọi hoạt động đều cần nguồn lực để thực hiện, do đó Luật PTDS quy định về nguồn lực cho PTDS. Quỹ PTDS là một trong những giải pháp tạo nguồn lực cho PTDS. Quỹ PTDS là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ các hoạt động, như: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.

Nguồn tài chính của quỹ được hình thành từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nguyên tắc hoạt động của quỹ không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; hỗ trợ cho các hoạt động PTDS mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Việc điều tiết giữa quỹ PTDS và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được thực hiện trong trường hợp cấp bách. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ PTDS; việc điều tiết giữa quỹ PTDS và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

PV: Luật PTDS sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Để luật được triển khai thống thất, hiệu quả cần những giải pháp nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Doãn Thái Đức: Để bảo đảm các nội dung của luật được triển khai thực hiện hiệu quả, Cục Cứu hộ-Cứu nạn sẽ tham mưu với trên phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền sâu rộng luật; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ; kiện toàn Ban chỉ đạo PTDS quốc gia; ban chỉ huy PTDS ở cấp bộ, ngành Trung ương và các địa phương, bảo đảm tuân thủ và thực hiện các nội dung của Luật PTDS...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

SƠN BÌNH (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.