Một giải pháp quan trọng của Lữ đoàn Pháo binh 16 (Quân khu 4) nhằm ngăn ngừa, hạn chế ảnh hưởng của thông tin xấu độc là tăng cường “sức đề kháng” cho bộ đội. Theo đó, ngoài tin tức thời sự hằng ngày trên báo, đài, chỉ huy các đơn vị chủ động lựa chọn thông tin phù hợp để cung cấp, định hướng tư tưởng bộ đội...
Sau giờ xem thời sự, chỉ huy các đại đội thuộc Lữ đoàn Pháo binh 16 lại dành khoảng 15 phút cung cấp thêm một số thông tin, vấn đề được dư luận xã hội quan tâm cho bộ đội. Ngoài ra, trước những thông tin nhạy cảm, khó phân biệt thật-giả, đúng-sai, chỉ huy các cấp trong đơn vị còn định hướng và cho bộ đội thảo luận để hiểu rõ bản chất sự việc, từ đó hình thành nhận thức đúng đắn, bài trừ thông tin xấu độc.
 |
Cán bộ Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 16 đọc báo, trao đổi, định hướng thông tin cho bộ đội trong giờ nghỉ. |
Từ trước đến nay, Đại úy Nguyễn Đình Tuấn, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Pháo binh 16) có thói quen ghi chép vào sổ tay những vấn đề, thông tin thời sự có tác động, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân, của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang để thông tin, tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng bộ đội. Ngoài ra, anh cũng thường xuyên cập nhật thông tin trên một số nền tảng mạng xã hội (trang Facebook) của các cơ quan, tờ báo tin cậy như: Thông tin Chính phủ, Báo Quân đội nhân dân, Báo Điện tử VOV... để có thêm những thông tin bổ ích cung cấp cho bộ đội. Đại úy Nguyễn Đình Tuấn cho biết: “Ngoài cung cấp thông tin, chúng tôi còn giáo dục, định hướng bộ đội dần hình thành nếp sống đẹp, có bản lĩnh. Theo đó, phải là người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, có văn hóa bằng cách không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin cực đoan; không cung cấp hay chia sẻ các tin tức về đời tư của người khác...”. Binh nhất Thái Sĩ Quân, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1 chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi không được sử dụng điện thoại, internet, nhưng nhờ đơn vị duy trì nghiêm chế độ đọc báo, xem thời sự, đồng thời chỉ huy các cấp luôn chú trọng định hướng, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin thời sự cả trong nước và quốc tế nên bộ đội không bị lạc hậu về thông tin, có nhận thức đúng đắn".
Theo Thượng tá Đặng Thanh Hồng, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Pháo binh 16, mặc dù hạ sĩ quan, chiến sĩ không được sử dụng điện thoại di động, internet trong thời gian tại ngũ, nhưng bộ đội vẫn có thể biết được một số thông tin “nóng” trên mạng xã hội qua trò chuyện với bạn bè, người thân. Hơn nữa, hạ sĩ quan, chiến sĩ tuổi đời còn trẻ nên thường quan tâm đến những nội dung này. Chính vì thế, thay vì để bộ đội tò mò tìm kiếm rồi "đoán già đoán non", chỉ huy đơn vị chủ động lựa chọn thông tin phù hợp để cung cấp cho anh em cùng thảo luận trong giờ nghỉ, ngày nghỉ một cách vui vẻ, theo hướng xây dựng để giảm tính hiếu kỳ.
“Để định hướng tốt cho bộ đội, người chỉ huy cần có vốn sống thực tế và hiểu biết nhất định về pháp luật. Song, quan trọng nhất vẫn phải là duy trì nghiêm nền nếp thông tin, tuyên truyền. Ngoài việc tổ chức đọc báo, xem thời sự, thông báo chính trị, thời sự theo quy định, đơn vị luôn chú trọng xây dựng nội dung các bản tin phát trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ để cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, giúp bộ đội hiểu rõ, nắm chắc, tỉnh táo nhận diện những thông tin xấu độc; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm để lồng ghép nội dung tuyên truyền, định hướng cho bộ đội”, Thượng tá Đặng Thanh Hồng cho biết thêm.
Tìm hiểu thêm ở Lữ đoàn Pháo binh 16 chúng tôi được biết, để tăng cường "sức đề kháng" cho bộ đội trước những thông tin xấu độc, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của bộ đội, ngoài chủ động cung cấp, định hướng thông tin, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị còn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác. Trong đó, trọng tâm là công tác giáo dục chính trị để bộ đội có nhận thức, tình cảm, thái độ, động cơ đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ.
Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG