Không trực tiếp làm công tác giảng dạy, cũng chưa qua trường đào tạo về nghề điện tử, nhưng Thiếu tá QNCN Phạm Văn Thìn đã có hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo của nhà trường, nổi bật là sáng kiến “Cọc gia lông đa năng”.
Chứng kiến chuyên ngành huấn luyện lái xe ô tô, xe lội nước của đơn vị không có những chiếc cọc để dựng các hình hạn chế kích thước huấn luyện ban đêm, anh Thìn trăn trở và nghĩ cách làm ra những chiếc cọc vừa phục vụ cho việc huấn luyện, kiểm tra lái xe ô tô, vừa phục vụ cho huấn luyện vượt sông cả ban ngày và ban đêm.
Điều đặc biệt ở những chiếc cọc này là khi bị va chạm nhẹ, cọc sẽ phát ra ánh sáng, khi hết va chạm thì cọc sẽ tự đứng thẳng và ngừng phát ra âm thanh, ánh sáng. Sáng kiến đoạt giải A “Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” cấp nhà trường và đoạt giải khuyến khích “Hội thi sáng tạo kỹ thuật Binh chủng Công binh” lần thứ nhất.
 |
Thiếu tá QNCN Phạm Văn Thìn có hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. |
Sáng kiến “Cắt bổ động cơ điện” của Thiếu tá QNCN Phạm Văn Thìn cũng được Hội đồng Khoa học Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) nghiệm thu đề tài cấp ngành, đoạt giải xuất sắc. Mô hình “Cắt bổ động cơ điện” thể hiện được đầy đủ cấu tạo từng cụm chi tiết của động cơ, giúp người dạy dễ truyền đạt, tiết kiệm được thời gian; người học dễ hiểu, nắm bắt được nội dung nhanh nhất, tạo hứng thú trong quá trình học tập.
Ngoài ra, Thiếu tá QNCN Phạm Văn Thìn còn có một số sáng kiến được ứng dụng rộng rãi không chỉ ở Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh mà còn được nhân rộng trong các đơn vị trực thuộc binh chủng, trong đó sáng kiến “Học cụ huấn luyện nhận biết và xử lý bom, mìn, vật nổ tự tạo khủng bố”, đoạt giải Nhất tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân năm 2016.
Qua chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Văn Vĩnh, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh, chúng tôi được biết, năm 2017, nhà trường được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới trong khi chưa có thao trường bắn đạn thật. Mặt khác, quá trình huấn luyện đặt ra phải có hệ thống bia ẩn hiện hoạt động theo đúng yêu cầu bài bắn.
Nhà trường đã đề ra phương án sử dụng điện lưới, nguồn điện ắc quy hoặc khí nén, nhưng các phương án sử dụng trên đều có giá thành cao hơn, cấu tạo phức tạp và không an toàn khi trời mưa, thao trường ngập nước... Trước tình hình đó, sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, Thiếu tá QNCN Phạm Văn Thìn đã cho ra đời sáng kiến “Hệ thống bia ẩn hiện điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến và khí nén” hoạt động theo đúng yêu cầu bài bắn, triển khai và thu dọn sau khi sử dụng nhanh chóng, tiện lợi, giảm chi phí và sức người, đáp ứng mọi điều kiện thời tiết, bảo đảm khoảng cách an toàn 150m cho người điều khiển.
Sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu, điều kiện bài bắn; triển khai, thu hồi nhanh, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình bắn đạn thật. Sáng kiến được nhân rộng tại các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới trong toàn Binh chủng Công binh.
Bài và ảnh: VĂN NGỌC CHIẾN