QĐND - Đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa nghệ thuật (VHNT) trong quân đội là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Tuy đã có sự phát triển khá toàn diện, nhưng vẫn cần phải tạo ra những “cú hích” mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Lực lượng phát triển ngày càng mạnh
Bấy lâu nay, khi nói đến nhân lực VHNT quân đội, một số người thường chỉ nói về đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp ở các đơn vị nghệ thuật quân đội. Tuy vậy, nhân lực VHNT quân đội bao gồm rất nhiều đối tượng như: Cán bộ quản lý, sáng tác, biên đạo, diễn viên, nhân viên công tác ở các nhà hát, đoàn văn công quân đội; các bảo tàng, câu lạc bộ (CLB), phòng Hồ Chí Minh, thư viện, phòng đọc; các đội tuyên truyền VHNT; các đội chiếu phim ở các đơn vị trong quân đội. Hiện nay, toàn quân có gần 3.400 cán bộ, nhân viên đang hoạt động trong lĩnh vực VHNT. Trong đó, lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp ở 13 đơn vị nghệ thuật quân đội (3 nhà hát, 10 đoàn văn công) có hơn 700 người (chiếm hơn 21%); gần 1.600 cán bộ, nhân viên, lao động hợp đồng hoạt động tại hơn 2000 nhà văn hóa, CLB, phòng Hồ Chí Minh (chiếm gần 67%); số còn lại là cán bộ, nhân viên thuộc khối bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện và điện ảnh, đội chiếu phim trong quân đội.
Những năm qua, nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của VHNT, cấp ủy và chỉ huy các cấp trong quân đội đã tích cực chủ động bồi dưỡng, phát triển lực lượng và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động VHNT quân đội. Nhiều năm gắn bó với hoạt động giáo dục đào tạo nhân lực VHNT quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội cho biết: Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nguồn nhân lực VHNT quân đội đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng ngày càng nâng cao. Dù đời sống còn nhiều khó khăn, tính chất nghề nghiệp phức tạp, song đội ngũ cán bộ, diễn viên, nhân viên VHNT quân đội cơ bản vẫn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và lý tưởng cách mạng cao đẹp, có nhiều cống hiến và đóng góp vào việc giữ gìn bản sắc và chấn hưng nền văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong quân đội. Bên cạnh tạo ra đời sống tinh thần bổ ích, phong phú, lực lượng làm VHNT quân đội cũng là thành phần nòng cốt trong việc tổ chức, hướng dẫn quần chúng sáng tạo ra các giá trị VHNT mới, góp phần bồi dưỡng, nâng cao ý thức thẩm mỹ, đạo đức, lối sống lành mạnh cho bộ đội.
 |
Học viên Lớp trung cấp thanh nhạc (Trường Đại học VHNT Quân đội) luyện âm trong phòng tập thanh nhạc.
|
 |
Đội quân nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội biểu diễn tại Lễ hội Đền Hùng năm 2012.
|
Tháo gỡ “rào cản”, bất cập từ cơ chế
Một nguồn nhân lực VHNT dồi dào, chất lượng trước hết phải bắt nguồn từ công tác giáo dục, đào tạo. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm qua, Trường Đại học VHNT Quân đội đã có nhiều nỗ lực đổi mới về mọi mặt để góp phần tạo ra nguồn nhân lực VHNT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới. Hiện nay, nhà trường đã đào tạo gần 50 chuyên ngành VHNT từ trình độ trung cấp đến đại học. Nội dung, chương trình đào tạo thường xuyên được bổ sung, cập nhật với sự phát triển của VHNT đương đại, đáp ứng nguồn nhân lực VHNT cho quân đội cả trước mắt và lâu dài, đồng thời đáp ứng một phần cho nhu cầu của xã hội. Năm 2012, nhà trường đã xây dựng Nhà hát nghệ thuật thực hành nhằm thường xuyên duy trì, tổ chức các hoạt động thực hành biểu diễn cho các đối tượng học viên. Các phòng thu, sàn múa, phòng tập thanh nhạc, phương tiện kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại… cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo đảm phục vụ tốt nhiệm vụ dạy và học.
Tuy nhiên, dù công tác đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng nguồn nhân lực VHNT quân đội hiện nay cũng đang bộc lộ khá nhiều bất cập. Theo số liệu khảo sát gần đây của Trường Đại học VHNT Quân đội, một bộ phận cán bộ, diễn viên, nhân viên VHNT quân đội vẫn còn hạn chế về trình độ lý luận và trình độ chuyên môn. Ở khối các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, số người có trình độ cao đẳng chuyên ngành trở lên mới đạt 17%; khối nhà văn hóa, CLB, phòng Hồ Chí Minh mới có 7,6% tốt nghiệp cao đẳng, đại học; khối bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện có tới gần 36% cán bộ, nhân viên chuyên môn chưa qua đào tạo chuyên ngành.
Tìm hiểu được biết, “rào cản” lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn nhân lực VHNT quân đội chính là cơ chế, chính sách thu hút và “giữ chân” các nghệ sĩ, diễn viên, giảng viên có tài năng. Đại tá Phan Văn Long, Phó chính ủy Trường Đại học VHNT Quân đội cho biết: Phần lớn đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên quân đội thuộc diện có chức danh, quân hàm thấp. Trong số đó, nhiều người có trên dưới chục năm “khổ luyện” trong các nhà trường, song cũng chỉ được bố trí ở vị trí nhân viên và thuộc chức danh quân nhân chuyên nghiệp. Chính sách đãi ngộ cơ bản vẫn mang tính bình quân, chưa kịp thời động viên, khuyến khích các tài năng. Đấy là chưa kể một bộ phận học viên ngành quản lý văn hóa sau khi ra trường không được làm đúng chuyên ngành đã học, bị đơn vị phân công, bố trí những công việc không phù hợp như văn thư, bảo mật, công vụ...
Từ thực tiễn ở đơn vị mình, Đại tá, NSƯT, nhạc sĩ Trần Viết Thân, Trưởng đoàn Văn công Quân khu 2 cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ chế về “đầu vào, đầu ra”. Theo quy định hiện hành, các đơn vị nghệ thuật quân đội không được phép tuyển dụng các ca sĩ, diễn viên tài năng từ bên ngoài vào. Trong khi đó, một bộ phận diễn viên tuổi đời, tuổi nghề đã cao, khó đứng trên sân khấu lại không được luân chuyển công tác phù hợp dẫn tới tình trạng “thừa quân số, thiếu người biểu diễn”.
Ở một khía cạnh khác, Đại tá Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học VHNT Quân đội bày tỏ: Hiện tại, ở nhà trường và một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp quân đội có những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, được công chúng mến mộ. Có nghệ sĩ, diễn viên chỉ chạy “sô” một đêm diễn cũng có thể được bồi dưỡng cả chục triệu đồng. Nhưng tiền lương hằng tháng của họ thực tế chỉ được khoảng chục triệu đồng. Vì vậy, nếu không có chính sách đãi ngộ tương xứng với tài năng, tên tuổi của họ thì rất dễ bị “chảy máu” chất xám. Trên thực tế đã có một số nghệ sĩ, ca sĩ được quân đội mất công nhiều năm đào tạo, đã xin ra ngoài chỉ vì thu nhập thấp.
Trò chuyện với chúng tôi, ca sĩ, giảng viên, thạc sĩ, Đại úy QNCN Phạm Văn Giáp, Trưởng bộ môn Thanh nhạc cổ điển, Khoa Thanh nhạc, chia sẻ: “Ngoài tiền lương khoảng 7 triệu đồng, mỗi tháng tôi chỉ được hỗ trợ thêm 300.000 đồng. Tôi đã theo đuổi nghề đến nay được 22 năm, thu nhập đó thật khó để bảo đảm cho cuộc sống gia đình ổn định. Tôi rất mong các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng sớm nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp giúp những nghệ sĩ, giảng viên chúng tôi giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm gắn bó, phục vụ lâu dài trong quân đội”.
Hoạt động VHNT quân đội có những nét khác biệt so với các hoạt động quân sự, nhưng các chế độ, chính sách đối với lực lượng này cơ bản vẫn thực hiện theo cơ chế chung của quân nhân. Vì vậy, theo ý kiến của Đại tá Phan Văn Long, việc tuyển dụng, sử dụng nhân tài VHNT cho quân đội gặp khó khăn, khó giữ lại phục vụ lâu dài. Điều này đã tồn tại từ lâu, nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Nếu để tình trạng này kéo dài, chắc chắn nguồn nhân lực VHNT nói chung, tài năng VHNT nói riêng sẽ càng gặp khó khăn hơn trong điều kiện nền VHNT Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ theo cơ chế thị trường và mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế.
Bài và ảnh: THIỆN VĂN