Cách sám hối như vậy có lẽ hòng bao biện cho tội lỗi cá nhân; thế nhưng, ở một góc độ nào đó thì cái tôi sinh ra cái tội hẳn cũng có cơ sở của nó.

Thực tế cho thấy, trước khi vướng vòng lao lý, nhiều cán bộ thường có biểu hiện “lạ” liên quan đến cái tôi quá lớn, diễn ra trong một thời gian dài. Dễ nhận thấy là những cán bộ này tự cho mình là nhất, xem thường ý kiến cấp dưới, bỏ ngoài tai góp ý của tập thể, vi phạm nguyên tắc, đưa ra quyết định một cách chủ quan, duy ý chí, đi đến sai lầm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng ở thời điểm trước khi bị phát hiện phạm tội, một số cán bộ vì cái tôi quá lớn nên thích được xu nịnh, tung hô; thích trang hoàng nơi làm việc sa hoa, lộng lẫy, sử dụng hàng hiệu, xe sang... Đặc biệt, không ít cán bộ cậy mình có chút ít thành tích, tự kiêu tự đại nên hay lên mặt dạy đời; tự cho mình cái quyền xem thường, phỉ báng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cấp dưới và quần chúng. Họ trở nên ngông cuồng, không giữ kỷ luật, tự coi mình là “bề trên” của tổ chức và đồng chí, đồng nghiệp.

Chúng ta hiểu rằng, trong mỗi con người đều tồn tại cái tôi riêng biệt. Cái tôi là cá tính, bản chất vốn có của mỗi con người để phân biệt giữa người này với người khác; giúp mỗi người tự định vị bản thân trong xã hội. Cái tôi sẽ mang ý nghĩa tốt nếu chúng ta biết cách điều chỉnh phù hợp, hài hòa với cái chung.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: tuoitre.vn 

Có nghĩa, cái tôi vốn dĩ không mang hàm ý xấu, thế nhưng cái tôi thường có xu hướng dễ sinh ra cực đoan, tiêu cực cá nhân. Nhiều người có cái tôi quá lớn, trong khi thiếu sự tiết chế, tầm soát nên sinh ra nhiều loại bệnh tật nguy hại, nhớp bẩn, rồi tự trượt dài, đổ nhào xuống vực sâu của sự tha hóa, biến chất.

Để tiết chế, tầm soát cái tôi trong mỗi người, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải nhận thức đúng về những hệ lụy, hậu quả phải đối diện nếu để cái tôi trở nên "khổng lồ". Theo đó, mỗi người phải tự ý thức, đề cao trách nhiệm tự đánh giá bản thân một cách đúng đắn. Kiên quyết không để những nhu cầu tự thân tiêu cực, những bản ngã và uy quyền của lợi ích cá nhân chi phối, hoặc làm vấy bẩn đến nhân phẩm, tư cách bản thân. Tự mỗi người phải luôn chú trọng rèn sự điềm đạm, đức khiêm tốn, lòng yêu thương và thái độ chân thành; biểu hiện ra cuộc sống và công tác là tác phong gần gũi, giản dị, sâu sát, tôn trọng, lắng nghe cấp dưới và quần chúng.

Cũng cần nói thêm, việc tiết chế cái tôi hoàn toàn không đồng nghĩa với cách sống thụ động, chịu đựng, thu mình, không dám thể hiện chính kiến, quan điểm và tính cách cá nhân. Bởi thế, cán bộ phải biết thể hiện bản thân, khẳng định giá trị của mình một cách phù hợp thông qua sự ghi nhận và tôn trọng của tổ chức. Cán bộ phải mạnh mẽ, sáng suốt, quyết đoán đưa ra các quyết định; tiên phong mở ra những hướng đi mới, cách làm mới, bứt phá mới vì lợi ích chung của tập thể và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cán bộ tuyệt nhiên không được "tranh công, đổ lỗi" và nhất là dám chịu trách nhiệm trước mỗi quyết định của mình!

NGUYỄN TẤN TUÂN