Ở nhiều nơi, đời sống người dân còn khó khăn. Để giúp đồng bào các bản nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, từng bước xây dựng đời sống văn hóa, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều mô hình, cách làm phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực.
Mới đây, đến xóm Đại Đồng (xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy), chúng tôi bất ngờ trước nhiều ngôi nhà kiên cố, kiến trúc hiện đại mới được xây dựng trên những quả đồi trồng bưởi, những con đường bê tông rộng, dài dẫn đến từng hộ gia đình. Ông Kiều Bá Phúc, Trưởng xóm Đại Đồng phấn khởi cho biết: “Cuộc sống của bà con được ấm no như ngày hôm nay một phần lớn là nhờ trồng bưởi Diễn...”.
 |
Lực lượng vũ trang huyện Tân Lạc (Hòa Bình) giúp bà con nhân dân thu hoạch lúa. |
Trước đây, thu nhập của người dân Đại Đồng phụ thuộc nhiều vào đồi rừng và việc trồng ngô, sắn khiến cuộc sống vất vả mà vẫn nghèo. Để giúp bà con thoát khỏi đói nghèo, năm 2016, Ban CHQS huyện Yên Thủy phối hợp với cấp ủy, chính quyền, một số ban, ngành địa phương triển khai mô hình “Làng, bản văn hóa quốc phòng” tại Đại Đồng. Thực hiện mô hình, đơn vị phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiến hành khảo sát chất đất và nhận thấy ở đây phù hợp để trồng bưởi Diễn. Thời gian đầu, Ban CHQS huyện vận động một số hộ gia đình, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho người dân mua bưởi giống về trồng thử. Hằng tháng, bộ đội đến hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc để các vườn bưởi phát triển tốt.
Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên quả bưởi trồng ở Đại Đồng to, tròn, đẹp mã, được nhiều thương lái ưa thích. Không chỉ bưởi chín mà hiện nay quả bưởi non cũng được thương lái mua với giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/quả để về ghép cành bán vào dịp tết. Những gia đình có vườn bưởi rộng mỗi năm cho lợi nhuận từ 200 triệu đến 300 triệu đồng. Nhờ trồng bưởi mà nhiều gia đình có của ăn của để, mua được xe máy, xây nhà mới.
Thượng tá Bùi Đình Văn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Yên Thủy cho biết: “Chúng tôi xây dựng một số vườn bưởi mẫu để người dân trong xóm và các địa phương lân cận đến tham quan, học tập. Hai năm gần đây, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá bưởi thấp hơn những năm trước, nhưng so với trồng ngô, sắn thì người dân vẫn thu lãi cao hơn rất nhiều. Vì vậy, cây bưởi vẫn được bà con chăm sóc và trở thành cây trồng chủ đạo tại Đại Đồng”.
Mô hình “Làng, bản văn hóa quốc phòng” được LLVT tỉnh Hòa Bình triển khai hơn 10 năm nay. Điểm nhận biết của những bản làng này là cổng làng được xây dựng khang trang, gắn biển “Làng, bản văn hóa quốc phòng”. Để triển khai mô hình hiệu quả, phát huy tối đa các nguồn lực, LLVT tỉnh Hòa Bình chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, đơn vị quân đội và doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 33 “Làng, bản văn hóa quốc phòng”.
Với mục tiêu: Làng, bản ấm no, không còn nghèo đói; sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; làng, xóm yên vui, mô hình đã góp phần giúp diện mạo các bản nghèo dần có sự đổi thay, tỷ lệ hộ đói, nghèo mỗi năm một giảm, nhiều hủ tục dần được xóa bỏ. Thượng tá Phạm Đình Phương, Trưởng ban Dân vận Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Đây tiếp tục là mô hình được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh xác định nhân rộng trong thời gian tới. Trong đó, LLVT tỉnh tiếp tục giữ vai trò nòng cốt để xây dựng các bản làng theo tiêu chí nông thôn mới, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Cùng với xây dựng các “Làng, bản văn hóa quốc phòng”, LLVT tỉnh Hòa Bình đang triển khai hiệu quả mô hình “Đồng hành cùng các em đến trường”. Được triển khai từ năm 2015, đến nay, LLVT tỉnh phối hợp vận động quyên góp, trao hơn 3.000 xe đạp, 343 suất học bổng, nhận đỡ đầu 120 em, phát 715 thẻ bảo hiểm y tế cùng quần áo, đồ dùng học tập tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền 7,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con phát triển cây mận hậu, đào phai, sơn tra; nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, cá lồng trên sông Đà; hướng dẫn đồng bào làm du lịch sinh thái tại huyện Mai Châu, huyện Đà Bắc; mở 7 lớp đào tạo nghề hàn điện, sửa chữa máy công nghiệp, sản xuất chổi chít cho thanh niên các xã Mường Chiềng, Giáp Đắt, Đồng Chum thuộc huyện Đà Bắc; nhận giúp đỡ 10 xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135.
Hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”, hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo”. Đặc biệt, thực hiện Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, LLVT tỉnh đã phát động, quyên góp kết hợp nguồn kinh phí do trên hỗ trợ xây dựng được 58 nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách, người có công và 21 nhà đồng đội cho quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Đại tá Quách Đăng Phú, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình khẳng định: "Việc sát cánh cùng đồng bào, giúp bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần quan trọng xây dựng cơ sở chính trị tại địa phương; vai trò, uy tín của LLVT tỉnh được nâng lên, mối quan hệ quân-dân ngày càng gắn bó. Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc".
Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG