Đến Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 543, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi cảnh quan môi trường nơi đây sáng, xanh, sạch, đẹp, với hệ thống giao thông nội bộ đường bê tông, có vạch sơn chỉ dẫn thẳng tắp. Các dãy hiên nhà ở của bộ đội có thùng đựng nước trà xanh bằng inox được để ngay ngắn, có cốc nhựa đẹp phục vụ bộ đội khi cần uống nước. Chắt cốc nước trà xanh mời khách, Trung tá Nguyễn Thành Đông, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 hồ hởi cho biết: “Thực hiện chủ trương thi đua hướng về cơ sở, hướng về bộ đội, tất cả vì nhiệm vụ chung, cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn dành sự quan tâm đặc biệt, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Giờ huấn luyện chuyên ngành công binh ở Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 543, Quân khu 2

Tại thao trường huấn luyện chuyên dụng ngành công binh của Tiểu đoàn 4, mặc dù đã gần 10 giờ, trời nắng nóng như đổ lửa nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn miệt mài huấn luyện, thực hành các động tác kỹ thuật chuẩn xác, dứt khoát. Thượng úy Nguyễn Hải Long, Đại đội trưởng Đại đội 13, Tiểu đoàn 4 tay ôm mô hình bộc phá tiến vào mô hình xe tăng, khẩu lệnh dõng dạc: “Các đồng chí lưu ý, đơn vị công binh không chỉ làm nhiệm vụ dò gỡ bom, mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh, xây dựng các công trình quân sự, hầm hào, bắc cầu phà, mà thực tiễn cho thấy, trong chiến đấu, chiến sĩ công binh là người đi trước mở đường, đánh phá các lô cốt, hàng rào thép gai, công sự để “làm mềm” trận địa, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị bộ binh tiến công, làm chủ chiến trường. Do vậy, khi thực hành đánh bộc phá các lô cốt không chỉ yêu cầu người chiến sĩ có lòng dũng cảm mà còn phải có thao tác kỹ thuật chuẩn xác; gói buộc, tính toán lượng thuốc nổ phù hợp mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ”...

Ở Lữ đoàn Công binh 543, Phong trào TĐQT thực sự là “đòn bẩy”, giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp trong đơn vị quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ phong trào đã lan tỏa rộng khắp những mô hình mới, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; trong đó nổi bật là thi đua trong huấn luyện và giáo dục chính trị tư tưởng. Thực tiễn cho thấy, khi chiến sĩ mới chuyển về đơn vị thời gian đầu có tư tưởng ngại, sợ nhiệm vụ của công binh, vì thường xuyên phải làm việc trong môi trường vất vả, nguy hiểm như xây dựng công trình, rà phá bom, mìn, vật nổ ở biên giới vùng núi và tham gia tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống lụt bão, cháy nổ... 

Đơn vị tập trung giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội là thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu” thời bình, tuy khó khăn, vất vả, gian khổ, nguy hiểm nhưng đó là vinh dự, tự hào của mỗi chiến sĩ. Cùng với đó, đơn vị quan tâm giáo dục truyền thống, tuyên truyền về những tấm gương tiêu biểu để bộ đội xây dựng quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nội dung thi đua. Dù thi đua đột kích hay thường xuyên đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, người chỉ huy các cấp. Các đợt thi đua có nội dung, chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể sát thực tiễn của từng chủ đề, giai đoạn.

Đối với những nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, nguy hiểm, vất vả, chỉ huy Lữ đoàn trực tiếp dự phát động, theo dõi, chỉ đạo hằng ngày. Với đặc thù của ngành công binh nên yêu cầu cán bộ phải “cầm tay chỉ việc”, luôn bám sát thao trường, công trường, trực tiếp hướng dẫn, chỉ huy bộ đội khi khoan, nổ, đào, đắp, rà phá vật cản, bom, mìn tồn sót.

Bằng cách làm đó, 5 năm qua, đơn vị đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Phong trào TĐQT, với tinh thần “Ở đâu có bộ đội công binh, ở đó có hoạt động thi đua”, thi đua không sót người, sót việc. Các phong trào thi đua do Lữ đoàn phát động mang lại hiệu quả thiết thực, như:“Xây dựng công trình 4 nhất”; “Hầm chưa thông, công binh chưa nghỉ”; “Tổ rà phá nhanh, gọn, sạch vật cản, chính xác, an toàn”; “Ca năng suất, kíp sáng tạo” ... 

Cùng với đó, đơn vị thường xuyên động viên bộ đội tích cực nghiên cứu, tìm tòi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng công tác và tham gia thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật các cấp đoạt giải cao, trong đó nhiều sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ, tiêu biểu như: “Cốt pha thép trong thi công đường hầm”; “Máy phân loại đá”... Với phương châm “Yếu khâu nào thì bồi dưỡng khâu đó, cấp trên phải bồi dưỡng cấp dưới, lấy cán bộ để làm gương trong quá trình huấn luyện và rèn luyện”.

Đại tá Nguyễn Xuân Việt, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 543 khẳng định: "Phong trào TĐQT là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong tổ chức các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; kịp thời cổ vũ, động viên bộ đội khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Trong đó, đội ngũ cán bộ các cấp giữ vai trò quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. Năm 2019, Lữ đoàn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua; năm 2020 và 2023, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua tiêu biểu".

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.