70 năm đã trôi qua nhưng bài học từ Chiến thắng Hòa Bình vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số tham luận, ý kiến của các đại biểu tại hội thảo...

Trung tướng, PGS, TS HOÀNG VĂN MINH, Giám đốc Học viện Lục quân:

Đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng

Xuất phát từ chủ trương đánh địch trên cả hai mặt trận, ta đã tổ chức lực lượng đánh địch trên mặt trận chính là Hòa Bình, mặt trận sau lưng địch là vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Về lực lượng, trên mặt trận chính sử dụng các Đại đoàn 308, 312, 304 và Đại đoàn Công pháo 351 kết hợp với lực lượng tại chỗ. Ở mặt trận sau lưng địch, sử dụng Đại đoàn 316, 320, các trung đoàn 246, 238 và 46 cùng LLVT địa phương tích cực tiêu diệt địch, phá tề, trừ gian, tổ chức quần chúng chống địch càn quét.

leftcenterrightdel
Trung tướng, PGS, TS HOÀNG VĂN MINH. 

Trên mặt trận chính Hòa Bình, ý định của chiến dịch là tập trung lực lượng đột phá khu vực phòng thủ sông Đà, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở đường giao thông vận chuyển, đồng thời tạo thế phát triển thuận lợi cho chiến dịch. Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đánh địch trên hướng chủ yếu, phá vỡ phòng tuyến sông Đà và đánh viện trên đường bộ từ Sơn Tây đi Đá Chông, từ Đá Chông đến Chẹ. Đại đoàn 304 đánh địch trên hướng thứ yếu của chiến dịch, có nhiệm vụ kiềm chế mọi mặt hoạt động của địch ở thị xã Hòa Bình và đánh địch trên Đường số 6...

Như vậy, ta đã tạo được thế trận đánh địch rộng khắp ở cả mặt trận chính và vùng địch hậu. Trên mặt trận chính, ta tổ chức, sử dụng lực lượng phù hợp, tập trung trên hướng chủ yếu, có lực lượng tiến công địch trong công sự đủ mạnh để đánh những trận then chốt, có lực lượng đánh địch càn quét, ứng cứu bằng đường bộ, đường sông và lực lượng dự bị phù hợp. Việc ta thực hành tiến công trên mặt trận ở Hòa Bình, đồng thời đẩy mạnh tác chiến ở mặt trận sau lưng địch khiến thế bố trí chiến lược của địch bị rối loạn, do phải đối phó trên nhiều hướng, không thể ứng cứu cho nhau. Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo trong tổ chức, sử dụng lực lượng, thể hiện tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy được cách đánh của ta trong thế trận chiến tranh nhân dân, là bước phát triển về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong tác chiến chiến dịch.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN HÙNG OANH, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị:

Phát huy vai trò tổ chức đảng trong chuẩn bị và chiến đấu 

Chiến dịch Hòa Bình giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi đó được tạo nên từ nhiều yếu tố, trong đó công tác Đảng, công tác chính trị đóng vai trò quan trọng. Từ thực tiễn hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Chiến dịch Hòa Bình có thể rút ra một số kinh nghiệm: 

Trước hết, phải thường xuyên nêu cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp gắn với phát huy trí tuệ tập thể trong tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến đấu. Trong Chiến dịch Hòa Bình, cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị đã quán triệt sâu sắc nhận định của Trung ương và quyết tâm của Tổng Quân ủy, từ đó xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Tiêu biểu trong trận tiến công cứ điểm Tu Vũ, đảng ủy các tiểu đoàn và chi bộ các đại đội bộ binh đã làm tốt công tác sinh hoạt chi ủy, chi bộ để lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ; các đại đội trên hướng chủ yếu đã tập trung quán triệt mục đích, ý nghĩa trận đánh, vị trí của Tu Vũ, đánh giá thuận lợi, khó khăn, thông qua phương án bố trí và sử dụng lực lượng của người chỉ huy. Đây là điểm then chốt trong chiến đấu tiến công địch phòng ngự.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN HÙNG OANH. 

Bên cạnh đó, việc phát huy tốt trí tuệ tập thể đã giúp các đơn vị có được cách đánh phù hợp, hiệu quả, khơi dậy được tinh thần đoàn kết lập công trong toàn đơn vị. Các đại đội đã làm tốt việc tổ chức hội nghị dân chủ quân sự, chú trọng việc nêu ý kiến của cán bộ chủ trì, lắng nghe ý kiến của chiến sĩ, khơi gợi thảo luận, kết luận rõ ràng. Nhờ đó, việc thống nhất và triển khai chủ trương, biện pháp lãnh đạo nhiệm vụ chiến đấu tiến công của cấp ủy, tổ chức đảng được triển khai thông suốt từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp ủy, tổ chức đảng đến từng đảng viên và quần chúng.

Thiếu tướng TRẦN ANH DU, Phó tư lệnh Quân khu 2:

Bảo vệ an toàn cơ quan đầu não chiến dịch

Chiến thắng Hòa Bình thu đông 1951-1952 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị và quân sự trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chiến thắng này, quân và dân Tây Bắc (Quân khu 2 ngày nay) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não chiến dịch, giữ gìn bí mật cho chủ lực của bộ triển khai lực lượng tiến công tạo thế; đồng thời cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Hòa Bình.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng TRẦN ANH DU.

Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ Trung ương Đảng giao trong thu đông 1951-1952, LLVT và nhân dân trên địa bàn Quân khu 2 đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tiêu diệt sinh lực địch, đập tan kế hoạch tiến công của chúng. Liên khu ủy Việt Bắc và các tỉnh ủy tích cực đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở vùng sau lưng địch, đồng thời chỉ đạo LLVT tăng cường phối hợp chiến đấu và huy động cao nhất lực lượng, cơ sở vật chất, lương thực phục vụ chiến dịch.

Trước khi mở màn chiến dịch, LLVT Quân khu 2 và tỉnh Phú Thọ đã xây dựng phương án phối hợp chặt chẽ với Đại đoàn 308 sẵn sàng tiêu diệt địch càn quét vùng tự do ở Hạc Trì, Lâm Thao, Đường số 2 và Hưng Hóa; đồng thời bảo vệ tuyệt đối bí mật và an toàn sở chỉ huy chiến dịch; chuẩn bị tốt điểm trú quân tập kết và vị trí triển khai đội hình tiến công của Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 theo kế hoạch tác chiến. LLVT và nhân dân Phú Thọ tích cực phối hợp cùng các đơn vị mở nhiều đường nhỏ và sửa chữa hàng chục ki-lô-mét đường ô tô, làm nhiều bến vượt sông và hàng trăm cầu phao; đồng thời huy động hơn 1.000 chiếc thuyền của nhân dân để vận tải phục vụ chiến dịch trên đoạn sông Hồng, từ Thanh Ba, Chí Chủ đến sông Bứa.

Đồng chí NGUYỄN VĂN TOÀN, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình:

Huy động tối đa sức người, sức của cho chiến dịch

Thực hiện chủ trương của trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đề ra nhiệm vụ trọng tâm phục vụ chiến dịch là: Tận dụng mọi khả năng, mọi lực lượng tuyên truyền, phân tích âm mưu tái chiếm Hòa Bình của địch, những khó khăn địch vấp phải, triển vọng chiến thắng của ta, động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến đấu. Về công tác quân sự, lấy xây dựng du kích là chính, nâng cao chất lượng bộ đội địa phương...

Thời điểm này, hàng trăm cán bộ được huy động tăng cường cho khu vực thị xã Hòa Bình và Đường số 6 giúp các xã xây dựng cơ sở phá tề, làm công tác địch vận, vận động nhân dân quanh các vị trí địch chiếm sơ tán lên rừng, hình thành các tuyến trắng bao vây, triệt mọi nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm của chúng. Các đơn vị bộ đội tỉnh phối hợp cùng bộ đội chủ lực liên tiếp phục kích, chống càn quét, quấy rối, tập kích các vị trí đóng quân của địch. Các đại đội 121 (Lương Sơn), 16 (Kỳ Sơn), 116 (Mai Đà), 112 (Lạc Sơn), Tiểu đoàn 616 phân tán về các xã củng cố, xây dựng lực lượng dân quân du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng bị uy hiếp và vùng địch chiếm đóng lên cao độ.

leftcenterrightdel
Đồng chí NGUYỄN VĂN TOÀN, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình. 

Với tinh thần “Tất cả cho chiến đấu, tất cả cho chiến thắng”. Toàn đảng bộ, quân và dân trong tỉnh ra quân với tinh thần phấn khởi, với khí thế khẩn trương, sôi động chưa từng có. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thể hiện tinh thần không tiếc sức người, sức của cho chiến thắng. Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận, phân phối đến các đơn vị ngoài mặt trận hàng trăm tấn lương thực, vũ khí, đạn dược bảo đảm cho bộ đội ăn no, đánh thắng. Trong thời gian tham gia phục vụ chiến dịch, toàn tỉnh đã huy động 200.000 ngày công phục vụ công tác vận chuyển, nhân dân ủng hộ bộ đội 323 con bò, 200 con lợn, hàng nghìn cây tre, bương để dựng lán trại, làm hàng trăm bè mảng giúp bộ đội vượt sông, suối... 

Đại tá VŨ VIỆT HÙNG, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1):

Trận công kiên lớn nhất mở màn chiến dịch

Trong Chiến dịch Hòa Bình, Đại đoàn 308 là một trong 3 đại đoàn bộ binh chủ lực cùng Đại đoàn Công pháo 351 được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ tiến công địch trên mặt trận chính diện Hòa Bình. Trong chiến dịch này, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đảm nhiệm đánh địch trên hướng chủ yếu, tiêu diệt sinh lực địch, phá vỡ tuyến phòng ngự sông Đà. Cụ thể, Đại đoàn 308 tiến công cứ điểm Tu Vũ, mở màn chiến dịch; đánh quân chi viện trên sông Đà từ Tu Vũ đến thị xã Hòa Bình. Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) làm dự bị chiến dịch, phối hợp cùng LLVT Phú Thọ sẵn sàng đánh địch càn quét ra vùng tự do (Hạc Trì, Lâm Thao, Hưng Hóa, Đường số 2).

leftcenterrightdel
Đại tá VŨ VIỆT HÙNG, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308. 

Đêm 10-12-1951, Trung đoàn 88 tiến công cứ điểm Tu Vũ do một tiểu đoàn Âu-Phi tăng cường chiếm giữ, đánh cắt đường vận chuyển của địch trên sông Đà. Khi đang chiếm lĩnh trận địa ở hướng tiến công chủ yếu, Tiểu đoàn 29 bị địch phát hiện. Vì thế, pháo và súng cối của địch ở Tu Vũ và các cứ điểm Đá Chông, Chẹ, Cổ Pháp... bắn chặn ác liệt. Mặc dù bị pháo địch liên tục bắn chặn suốt 5 giờ, nhưng đến 1 giờ 45 phút ngày 11-12-1951, Trung đoàn trưởng Thái Dũng vẫn hạ lệnh nổ súng tiến công. Trận đánh diễn ra quyết liệt. Các chiến sĩ ta dũng mãnh đột phá, giành giật với địch từng thước đất, từng lô cốt... Đến 4 giờ, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm, phá vỡ phòng tuyến sông Đà, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị khác bước vào tiến công trên Đường số 6, bao vây thị xã Hòa Bình.

Chiến thắng Tu Vũ là trận công kiên xuất sắc nhất của Quân đội ta kể từ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay sau trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đến khảo sát cứ điểm Tu Vũ và gửi thư khen: “Chiến thắng Tu Vũ là trận công kiên lớn nhất mở màn chiến dịch. Nó biểu hiện một tinh thần hy sinh quả cảm của một quân đội cách mạng chỉ có biết tiến, không biết lùi. Các đồng chí Trung đoàn 88 đã nêu gương anh dũng tuyệt vời của Quân đội nhân dân Việt Nam”. 

Đại tá NGUYỄN HỮU TÀI, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu):

Tiêu diệt cụm cứ điểm địch ở điểm cao 600 Ba Vì

Tham gia Chiến dịch Hòa Bình, tôi giữ cương vị Chính trị viên phó Tiểu đoàn 16 (Trung đoàn 141, Đại đoàn 312). Thời điểm này, sau Chiến dịch Lý Thường Kiệt, hai đồng chí Trần Nguyên Độ, Chính trị viên tiểu đoàn và Chu Phương Đới, Phó tiểu đoàn trưởng đi chỉnh huấn ở bộ; Tiểu đoàn trưởng Trần Đình Khiết hy sinh, nên tôi chỉ huy tiểu đoàn hành quân đi chiến dịch.  

Trong đợt 1 chiến dịch diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Sang đợt 2, Bộ chỉ huy chiến dịch, trực tiếp là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lệnh cho Đại đoàn 312 phải tiêu diệt cụm cứ điểm của địch trên đỉnh núi 600 Ba Vì. Trung đoàn 141 vinh dự được giao nhiệm vụ quan trọng này. Với cương vị được giao, tôi chỉ huy tiểu đoàn đến vị trí tập kết an toàn trên sườn núi Ba Vì, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Gần đến ngày "G" thì các anh Trần Nguyên Độ và Chu Phương Đới về chỉ huy đơn vị.

leftcenterrightdel
Đại tá NGUYỄN HỮU TÀI, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn. 

Ngày 29-12-1951, trời lạnh và tối nhanh, các đơn vị tập trung kiểm tra toàn bộ vũ khí trang bị, nghe đọc quyết tâm thư rồi xuất phát. Khoảng 23 giờ, Tiểu đoàn 11 bí mật áp sát, bao vây cứ điểm dã chiến của địch. Được lệnh nổ súng của trung đoàn trưởng, các chiến sĩ đồng loạt tiến công địch. Bị bất ngờ, địch không kịp chống đỡ. Sau gần 30 phút, Tiểu đoàn 11 đã làm chủ trận địa, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đại đội com-măng-đô của địch.

Trong khi đó, Tiểu đoàn 16 do anh Chu Phương Đới chỉ huy tiến thẳng lên cứ điểm chính 600. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, 5 giờ sáng 30-12-1951, ta làm chủ trận địa, tiêu diệt 155 tên, bắt sống 135 tên, đa số là lính Âu, Phi, thu toàn bộ vũ khí, trang bị của chúng. Ngay sáng hôm đó, sau khi nghe báo cáo chiến thắng của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen Trung đoàn 141.

Thắng lợi ở Ba Vì đã góp phần quan trọng đưa Chiến dịch Hòa Bình phát triển sang giai đoạn mới. Bộ Tổng Tư lệnh quyết định tặng danh hiệu Trung đoàn Ba Vì và Huân chương Quân công hạng Ba cho Trung đoàn 141.

Nhóm PV Phòng biên tập QP-AN (ghi)