Tham dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Các đại biểu cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử; đại biểu lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Hòa Bình.
 |
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Hòa Bình. |
Đoàn chủ tịch hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, đồng Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Tư lệnh Quân khu 3. Tham gia đoàn chủ tịch còn có Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.
 |
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: “Chiến thắng Hòa Bình là một sự kiện quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh. Với chiến thắng to lớn này, quân và dân ta tiếp tục giữ quyền chủ động và phát triển thế tiến công chiến lược, trong khi thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng, bị mất quyền chủ động chiến lược”.
 |
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo. |
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 90 tham luận. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể. Đặc biệt, tại hội thảo, Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia Chiến dịch Hòa Bình hồi tưởng lại trận chiến đấu khốc liệt cách đây 70 năm: “Trước khi mở Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hòa Bình. Trong thư, Người nhấn mạnh: “Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta”. Chiều tối 29-12-1951, Tiểu đoàn 16 cùng các đơn vị bạn tấn công điểm cao 600 ở Ba Vì. Theo tín hiệu, các chiến sĩ đồng loạt tiến công vào các chiến hào của địch cùng với tiểu liên và trung liên xung phong. Đến 5 giờ sáng 30-12, ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt 155 tên, bắt sống 135 tên, đa số là lính Âu, Phi, thu toàn bộ vũ khí, trang bị của địch, trong đó có nhiều thực phẩm chuẩn bị cho Tết Dương lịch 1952”.
 |
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. |
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã đi sâu phân tích làm rõ bước phát triển của quân đội ta về lực lượng, trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày trên cả hai mặt trận chính diện và mặt trận rộng lớn sau lưng địch; đồng thời khẳng định bước tiến mới về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
 |
Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo. |
Gửi đến hội thảo tham luận với tiêu đề “Chiến dịch Hòa Bình - Bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam”, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định: Từ nhận thức đúng đắn vai trò của các đại đoàn chủ lực trong cuộc kháng chiến, nên chỉ sau hai năm thành lập Đại đoàn 308-Đại đoàn chủ lực đầu tiên (8-1949), đến trước khi diễn ra Chiến dịch Hòa Bình, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng được 5 đại đoàn bộ binh chủ lực (308, 304, 312, 320, 316) và Đại đoàn Công pháo 351. Tổng quân số chủ lực của ta tính đến cuối năm 1951 là hơn 253.000 người. Bên cạnh các đại đoàn chủ lực còn có các trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội địa phương của các liên khu, các tỉnh.
 |
Quang cảnh hội thảo ở các điểm cầu. |
Cùng với đó, các đại biểu cũng phân tích làm rõ bước phát triển vượt bậc về chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật chiến dịch, nhất là nắm vững và kiên trì vận dụng phương châm “đánh điểm diệt viện”, tập trung đánh giao thông trên sông, trên bộ, khoét sâu khó khăn của địch về vận tải tiếp tế, dồn địch vào thế bị bao vây, cô lập; tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp, bảo đảm chiến đấu liên tục, dài ngày trên phạm vi chiến trường rộng lớn. Đó là những nét tiêu biểu, là thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật chiến dịch, đồng thời là nguyên nhân quan trọng trực tiếp quyết định thắng lợi chiến dịch.
 |
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh chung. |
Luận giải về vận dụng chiến thuật, một số tham luận cho rằng, các đơn vị chủ lực đã vận dụng đúng nguyên tắc tập trung ưu thế về binh lực, thực hiện bao vây chia cắt, tiêu diệt địch, nhất là phát huy lối đánh gần để hạn chế ưu thế hỏa lực pháo binh, máy bay của địch và khoét sâu chỗ yếu về mặt tinh thần của chúng.
Trên hướng chính diện mặt trận Hòa Bình, ngoài đánh công kiên và đánh chính diện như các chiến dịch trước, lần này bộ đội phát triển nhiều cách đánh mới, như: Đánh địch vận chuyển trên sông, dùng lực lượng ít nhưng tinh nhuệ tập kích tiêu diệt các điểm cao và trận địa pháo của địch...
 |
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trình bày tham luận tại hội thảo. |
Trên cơ sở trình bày toàn diện những nội dung lịch sử có liên quan, đặc biệt là kết quả to lớn và ý nghĩa của chiến dịch, nhiều tham luận đi đến khẳng định: Trải qua hơn 6 năm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đầu năm 1952, Chiến dịch Hòa Bình đã gây cho địch tổn thất lớn nhất cả về binh lực, phương tiện chiến tranh, vị trí đóng quân ở cả mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch. Quân và dân Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi cực kỳ quan trọng về tiêu diệt địch, giải phóng đất, giải phóng dân, đặc biệt là tạo nên thế trận mới chưa từng có của ta trong vùng địch tạm chiếm ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tài (92 tuổi), nhân chứng lịch sử trong Chiến dịch Hòa Bình trình bày tham luận tại hội thảo. |
Thắng lợi đó có tác động sâu sắc, đánh dấu bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Chiến thắng Hòa Bình đã củng cố niềm tin: Với chiến tranh toàn dân, dù lực lượng vũ trang ta còn có hạn, ta vẫn có thể giành quyền chủ động trên chiến trường chính để đi tới chiến thắng”.
Về phía quân Pháp, bị thất bại ở Hòa Bình, một lần nữa chúng phải quay về phòng ngự chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Kế hoạch De Lattre nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược cơ bản bị phá sản.
 |
Các tiết mục văn nghệ biểu diễn tại hội thảo. |
Cùng với khẳng định ý nghĩa chiến lược quan trọng của Chiến dịch Hòa Bình, các tham luận đã đi sâu phân tích nguyên nhân thắng lợi và rút ra những kinh nghiệm và bài học lịch sử sâu sắc. Đó là các bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch; về phát huy sức mạnh của cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch cũng như sức mạnh các chiến trường phối hợp trong cả nước để làm nên chiến thắng; về công tác bảo đảm, huy động hậu cần nhân dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, phát huy sức mạnh chính trị tinh thần…
Những bài học từ Chiến thắng Hòa Bình không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, góp phần vận dụng hiệu quả vào hoạt động xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
SƠN BÌNH - DUY ĐÔNG (tổng thuật)