Bài 1: Tạo chuyển biến vững chắc về chất lượng huấn luyện

Toàn quân thống nhất ý chí và hành động

Năm 2022 đi qua với những sự kiện đáng nhớ về hàng loạt hội nghị học tập nghị quyết (HTNQ) của Đảng được tổ chức trực tuyến từ QUTƯ, BQP về các cơ quan, đơn vị cơ sở. Điều ấn tượng là các đồng chí lãnh đạo QUTƯ, BQP, TCCT QĐND Việt Nam-những cán bộ vốn trực tiếp dự họp, phát huy trí tuệ thảo luận, quyết nghị các nội dung nghị quyết Trung ương tại các phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng... nhưng vẫn tiếp tục tham dự HTNQ ở các cấp. Chính sự nêu gương ấy đã tạo sức lan tỏa về tinh thần HTNQ của Đảng đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó mà chất lượng HTNQ trong toàn quân năm 2022 có tiến bộ rõ nét so với nhiều năm trước. Đây cũng là cơ sở giúp toàn quân sớm thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng, QUTƯ vào cuộc sống.

Mặt khác, chính việc tổ chức hội nghị HTNQ của Đảng bằng hình thức trực tuyến đến tận cơ sở còn cho thấy những nỗ lực đổi mới và thành quả đổi mới công tác tổ chức HTNQ trong Đảng bộ Quân đội. Nếu như trước đây, việc HTNQ của Đảng thường được tổ chức theo phân cấp, kéo dài vài tháng, thậm chí gần cả năm thì cán bộ, đảng viên ở cơ sở và quần chúng mới được học tập, gây mất thời gian cho việc triển khai, tổ chức thực hiện. Nhưng giờ đây, khi nghị quyết của Đảng, QUTƯ... vừa được ban hành, thì đồng thời trong toàn Đảng bộ được quán triệt ngay các nội dung cơ bản, cốt lõi, những vấn đề cần lưu tâm, lưu ý. Đây là một bước quan trọng để cơ sở tiếp tục tổ chức học tập, triển khai nghị quyết một cách khẩn trương, hiệu quả trong thời gian sớm nhất. Cách làm này cũng giúp tránh được những "sai lệch", “rơi vãi” nội dung nghị quyết trong quá trình học tập qua nhiều cấp; lại tiết kiệm được nguồn kinh phí khi tổ chức cùng lúc nhiều hội nghị ở các cấp, các ngành.

Nói về phần việc trên, tại Hội nghị tổng kết hoạt động CTĐ, CTCT năm 2022, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam khẳng định: Toàn quân quán triệt, học tập, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, QUTƯ, BQP. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai sâu rộng, hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Trận địa tư tưởng ngày càng vững chắc

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, TCCT QĐND Việt Nam từng nêu quan điểm cho rằng, việc tiến hành công tác giáo dục, làm tư tưởng cho bộ đội trong thời bình đôi khi có những khó khăn đặc thù. Nếu ngày trước, khi cả dân tộc hừng hực khí thế xung phong ra trận, cùng chung ý chí đánh đuổi quân xâm lược, thì công tác tư tưởng (CTTT) xét về nghĩa nào đó cũng có nhiều mặt thuận lợi nhất định và hiện nay, những thuận lợi đó gần như không còn nữa. Bây giờ làm gì, giáo dục thế nào, động viên ra sao, quản lý bằng cách nào... để cán bộ, chiến sĩ nhận nhiệm vụ khó, khổ; hay thậm chí hy sinh một ít lợi ích cá nhân trong điều kiện kinh tế thị trường là một phần việc rất khó.

Trong năm 2022, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các vấn đề xã hội tiêu cực tiếp tục tác động đến nhận thức tư tưởng, niềm tin và việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ; chi phối không nhỏ đến lý tưởng và nhiệt huyết cống hiến của bộ đội... Đó là những vấn đề mới, đặt ra yêu cầu cao và khó đối với những người tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm cao, bám sát thực tiễn, các cơ quan, đơn vị đã chủ động, nhạy bén, phối hợp tham mưu, đề xuất với QUTƯ, BQP, TCCT QĐND Việt Nam ban hành những chủ trương, giải pháp hữu hiệu, nâng cao chất lượng CTTT trong Quân đội. Trong hàng loạt đầu việc, nhiệm vụ được hoàn thành trên nhiều lĩnh vực, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận thì dấu ấn rõ nét nhất chính là sự vững vàng, vững chắc của trận địa tư tưởng trong toàn quân.

Qua thực tiễn, nhiều bài học giá trị về CTTT được đúc rút. Nói về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng khẳng định: Trong năm 2022, chúng tôi xác định CTTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phải đi trước một bước nhằm định hướng nhận thức và hành động cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đó là nền tảng cho mỗi thắng lợi!

Với tinh thần chủ động, các cơ quan, đơn vị luôn coi trọng việc nắm, quản lý tình hình diễn biến tư tưởng, dư luận trong đơn vị; kết hợp chặt chẽ giáo dục chính trị với biện pháp quản lý hành chính, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, hoạt động văn hóa-văn nghệ, thông tin-tuyên truyền và các phong trào hành động cách mạng trong Quân đội. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các tổ chức, lực lượng, thiết chế văn hóa và mọi phương tiện làm CTTT; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân các địa phương và gia đình quân nhân để giáo dục, quản lý tư tưởng bộ đội... Chính nhờ các biện pháp đồng bộ như vậy nên cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn có lập trường, quan điểm vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Giờ giải lao trên bãi tập của chiến sĩ Lữ đoàn 297, Quân khu 2. Ảnh: PHÚ SƠN

 

Chuyển biến đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực

Một thành quả rõ nét trong năm 2022 mà toàn quân đạt được chính là có nhiều đóng góp nổi bật trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Khi đến dự các phiên họp của QUTƯ và phát biểu định hướng tại Hội nghị quân chính toàn quân năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ nhiều lần ghi nhận: Quân đội không chỉ thể hiện ở việc giữ vững lý tưởng, mục tiêu chiến đấu và trận địa tư tưởng trong mọi tình huống mà còn thể hiện rõ nét ở việc tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động tiến công, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Trong năm 2022, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội... Thế nhưng, những chiêu trò ấy đều được lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội sớm nhận diện, chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng vệ, xây dựng “hệ thống miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, TCCT QĐND Việt Nam chỉ đạo thành lập lực lượng chuyên trách, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các nhà khoa học, đội ngũ nhà giáo ở các viện, trung tâm nghiên cứu, học viện, nhà trường Quân đội tham gia vào “cuộc chiến” tư tưởng... đã tạo ra “đội quân xung kích” trên trận tuyến này.

Một điểm mới nữa được đông đảo lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị ghi nhận là TCCT QĐND Việt Nam đã chỉ đạo đổi mới phương thức, phương pháp đấu tranh tư tưởng. Phương thức vận hành đấu tranh được triển khai chủ động, linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn. Quân đội không chỉ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn tập trung nhận diện, ngăn chặn các tác động xã hội tiêu cực đến tâm lý quân nhân và tập thể quân nhân; kết hợp giữa chống “giặc ngoại xâm” và “giặc nội xâm”; chú trọng cả “xây” và “chống”; đấu tranh cả trực diện và gián tiếp, đấu tranh trong cuộc sống hằng ngày và đấu tranh trên không gian mạng... Đặc biệt, các cơ quan báo chí trong Quân đội đã bám sát định hướng của QUTƯ, BQP, TCCT QĐND Việt Nam, kịp thời định hướng dư luận, phân công và phân cấp tuyên truyền về các sự kiện một cách phù hợp, hiệu quả; tổ chức thành công các cuộc thi viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng.

Cùng với việc phát huy tốt vai trò nòng cốt, đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong năm qua, các mặt công tác, các lĩnh vực CTĐ, CTCT đều có chuyển biến rõ nét. Kết quả tổ chức Phong trào Thi đua Quyết thắng được nâng lên; công tác khen thưởng tiến hành chặt chẽ; hoạt động văn hóa-văn học-nghệ thuật, xuất bản, in và phát hành có chất lượng, hiệu quả tốt. Các cơ quan chức năng chủ động tham mưu hoàn thiện, triển khai thực hiện quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu của QUTƯ; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy đảng rà soát, bổ sung, thực hiện chương trình hành động, quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Cùng với đó, Đảng bộ Quân đội đã chỉ đạo hoàn thành có chất lượng việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, kết luận của Trung ương, các nghị quyết chuyên đề của QUTƯ; chỉ đạo tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận nhiệm kỳ 2022-2025 đạt kết quả tốt. Tổ chức đảng các cấp trong Quân đội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm minh “không có vùng cấm”, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Triển khai hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong Quân đội đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân. 

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Kết quả khảo sát cho thấy, đông đảo cán bộ chủ trì, chủ chốt đều nhất trí cho rằng: Vốn dĩ chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT trong thời gian qua đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện. Thế nhưng, chính thực tiễn đời sống xã hội lại đặt ra nhiều bài toán hóc búa, buộc các nhà lãnh đạo, quản lý bộ đội phải tập trung giải quyết, tháo gỡ.

Vấn đề liên quan trực tiếp đến tư tưởng bộ đội là việc thu nhập và điều kiện gia đình quân nhân hiện nay gặp quá nhiều khó khăn; nhất là đời sống cán bộ, sĩ quan trẻ công tác nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tất nhiên, đối với cán bộ, sĩ quan Quân đội thì lý tưởng cống hiến và nhiệm vụ Tổ quốc giao được đặt lên trên hết; luôn sẵn sàng, vững vàng đón nhận nhiệm vụ với quyết tâm chính trị cao nhất.

Thế nhưng không thể phủ nhận một thực tế về những băn khoăn, trăn trở trong đời sống tư tưởng và cuộc sống thường nhật của bộ đội hiện nay. Vẫn còn đó một bộ phận không nhỏ cán bộ, sĩ quan và các đối tượng thực hiện nhiệm vụ trong Quân đội có hoàn cảnh gia đình khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nhiều đồng chí vẫn công tác, thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh một chốn đôi ba quê; khoảng cách giữa đơn vị công tác và hậu phương quá cách trở, xa xôi, thậm chí hàng nghìn ki-lô-mét; nhiều đồng chí vì nhiệm vụ phải xa nhà hàng tháng, hàng năm, không có điều kiện hợp lý hóa gia đình... Những câu chuyện trên là điểm không thuận lợi đối với việc tiến hành CTTT nói riêng, hoạt động CTĐ, CTCT nói chung trong điều kiện hiện nay. Do đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cơ quan chức năng cần sớm quan tâm nghiên cứu, từng bước hoàn thiện chủ trương, đường lối, chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội theo hướng quan tâm ngày càng toàn diện, đầy đủ hơn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Một vấn đề nảy sinh hiện nay là tình trạng “chảy máu chất xám”, biểu hiện “chân trong, chân ngoài”, thậm chí là tình trạng xin ra quân ở một số cán bộ, sĩ quan trẻ. Do đó, làm gì để giữ chân nhân tài trong Quân đội, động viên bộ đội yên tâm công tác, gắn bó với cơ quan, đơn vị là bài toán cần sớm được cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa ra lời giải.

Mặt khác, trong khi toàn quân nhất quán quan điểm điều chỉnh lực lượng, tinh giản biên chế thì những vấn đề liên quan đến các mặt công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và chính sách cần sớm được quan tâm, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Phải có các giải pháp đồng bộ, vừa bảo đảm tính ổn định, vững chắc để Quân đội hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, vừa đột phá xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh trong thời gian sớm nhất. Trước thực tế đó, lãnh đạo TCCT QĐND Việt Nam đã định hướng hoạt động CTĐ, CTCT năm 2023, nhấn mạnh việc các cơ quan chức năng cần chủ động nghiên cứu, tham mưu chiến lược, cùng với đó là tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội, nhất là chính sách phục vụ quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh.

(còn nữa)

NGUYỄN SÔNG TRÀ