Nhưng ngoài chức năng chiến đấu, Quân đội ta còn là đội quân công tác, đội quân sản xuất và là trường học lớn giúp thanh niên trưởng thành về mọi mặt. Vì thế, ngoài kỹ năng chiến đấu, quân nhân còn được giáo dục về chính trị, huấn luyện Điều lệnh Đội ngũ, tham gia tăng gia sản xuất, dân vận... để có nhận thức, mục tiêu, lý tưởng đúng đắn, trở thành con người có lối sống khoa học, kỷ luật đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và nhiều nhiệm vụ khác.

Thiếu chính trị như cây không có gốc

Với chức năng đội quân chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nên các nội dung rèn luyện thể lực nâng cao sức khỏe, những bài tập chiến thuật, bắn súng trên thao trường luôn đóng vai trò rất quan trọng và chiếm nhiều thời gian trong chương trình huấn luyện bộ đội. Song, đặc thù của hoạt động quân sự gian nan, vất vả, đòi hỏi người chiến sĩ không chỉ có thể lực dẻo dai, nghiệp vụ tinh thông mà phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để vượt qua khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh, mất mát. Vì thế, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là một nguyên tắc cơ bản, vấn đề xuyên suốt, tạo tiền đề để Quân đội tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo đảm cho Quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Nếu không học tập và có kiến thức về chính trị, người chiến sĩ khó có thể bình tĩnh, sáng suốt nhìn rõ những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; không biết chọn lọc, chắt chiu những giá trị tích cực, thông tin đúng đắn mà bắt chước một cách máy móc, thụ động, xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản và các giá trị phương Tây; không hiểu vì sao Đảng lãnh đạo Quân đội trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội; ra trận, cầm súng chiến đấu vì ai, vì mục đích gì... Từ đó, dần mất phương hướng, quay lưng với lịch sử, truyền thống dân tộc, chạy theo những cám dỗ vật chất, mất tinh thần chiến đấu, không có mục tiêu, lý tưởng phấn đấu.

leftcenterrightdel
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50, Bộ CHQS TP Hải Phòng. 

Thượng tá Trần Kim Trọng, Chính ủy Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) cho biết: “Bản lĩnh chính trị là biểu hiện tổng hợp cả phẩm chất và năng lực, thể hiện ở việc xử lý những diễn biến phức tạp trong thực tiễn đặt ra đúng với quan điểm, đường lối của Đảng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bản lĩnh chính trị không thể có trong ngày một, ngày hai mà phải trui rèn thường xuyên, liên tục. Bởi vậy, ngoài nội dung, chương trình giáo dục chính trị hằng năm được xác định rất cụ thể cho chiến sĩ mới, chiến sĩ năm thứ nhất và chiến sĩ năm thứ hai còn có các bài giáo dục chính trị cơ bản kết hợp với giáo dục chính trị theo chuyên đề, sinh hoạt học tập hằng ngày, thông qua các nhiệm vụ, thử thách khác nhau để kịp thời phổ biến đến chiến sĩ những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc...”. Còn Đại tá Nguyễn Văn Hoa, Chính ủy Sư đoàn 8, Quân khu 9 cho biết thêm: “Học tập chính trị giúp mỗi quân nhân hiểu, nắm được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì thế, không tự nhiên mà bài học đầu tiên của chiến sĩ mới là bài “Bản chất giai cấp, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội. Trên cơ sở đó giúp cho mỗi quân nhân có nhận thức và hành động đúng, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian phục vụ tại ngũ mà còn trở thành những con người có ích cho xã hội”.

Binh nhất Phạm Quang Long, chiến sĩ Trung đội 9, Đại đội 11, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 43) chia sẻ: “Các nội dung giáo dục chính trị được đơn vị tiến hành rất đa dạng và sinh động. Bên cạnh những bài học tập chính trị ở trên lớp, chỉ huy đơn vị còn thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị theo chuyên đề, sân khấu hóa, diễn đàn, tọa đàm, hội thi... qua đó “mềm hóa” nội dung giáo dục, giúp chúng tôi tiếp nhận đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội dễ dàng hơn chứ không khô cứng. Từ đó, chúng tôi xác định rõ mục tiêu và tự giác rèn luyện, phấn đấu”.

Nhân cách lớn hình thành từ những điều giản dị

Ngay từ ngày đầu thành lập, Quân đội ta đã vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, phát triển lực lượng, vừa tăng gia sản xuất (TGSX) tự túc lương thực, thực phẩm để nuôi quân, mua sắm vũ khí, trang bị. Ngày nay, dù kinh tế đất nước có sự phát triển vượt bậc nhưng ngân sách bảo đảm quốc phòng có hạn, trong khi đó thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bộ đội... khiến việc chủ động nguồn lương thực, thực phẩm sạch, chất lượng; bảo đảm và nâng cao đời sống, bữa ăn hằng ngày của bộ đội gặp không ít thách thức. Vì thế, TGSX không chỉ trực tiếp cải thiện đời sống bộ đội, tạo nguồn thu cho đơn vị mà còn giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ về tính tích cực, chủ động, cần cù, chịu khó; có nguồn thu đưa vào ăn thêm ngày lễ, tết; tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí nâng cao đời sống văn hóa tinh thần bộ đội... Quan trọng hơn là qua đó, nhiều quân nhân có thêm kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi để lập thân, lập nghiệp khi xuất ngũ. Ví như Trần Lê Khánh Vũ ở ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, nguyên chiến sĩ tại Tiểu đoàn 1, Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu, xuất ngũ năm 2010. Sau khi xuất ngũ, Vũ tận dụng 15 công đất rẫy của gia đình để trồng 700 cây na hoàng hậu (mãng cầu Thái Lan) và cây diết, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Theo chia sẻ của Vũ, trước khi nhập ngũ, anh chưa từng biết việc đồng áng nhưng sau hai năm trong quân ngũ, nhờ tham gia lao động, TGSX đã giúp ích rất nhiều cho công việc hiện tại. Đơn giản như việc chiết cành để có hàng trăm cây diết trồng mà không phải tốn tiền mua cây giống, cây lại cho trái sớm hơn nửa thời gian so với cây được gieo từ hạt.

Trong môi trường Quân đội, ngoài chính trị và quân sự, người chiến sĩ còn được chỉ dạy những điều nhỏ nhất như: Học sắp đặt nội vụ ngăn nắp; học xưng hô, chào hỏi, đi đứng cho đúng lễ tiết, tác phong; học giao tiếp, ứng xử để giải quyết các mối quan hệ công tác... Điều đó cho thấy sự quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, kỹ năng sống để mỗi quân nhân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đồng thời rèn luyện được tác phong nhanh nhẹn, làm việc khẩn trương, có kế hoạch, từng bước hình thành lối sống có nguyên tắc, theo khuôn khổ. Thực tiễn cũng cho thấy, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên được đánh giá cao vì phong cách chững chạc, nếp sống kỷ luật, tính tự lập và giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự.

Có nhiều năm kinh nghiệm quản lý, huấn luyện bộ đội, Thiếu tá Phạm Văn Chính, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đảo Trần (Lữ đoàn 242, Quân khu 3) dẫn chứng cụ thể: “Việc yêu cầu bộ đội gấp, vuốt chăn, màn vuông vắn vào mỗi buổi sáng và đầu giờ buổi chiều sau khi ngủ dậy không đơn thuần chỉ vì giữ vệ sinh phòng nghỉ ngăn nắp, gọn gàng mà còn rèn luyện đức tính cụ thể, tỉ mỉ, chỉn chu trong công việc. Hơn nữa, hãy thử tưởng tượng, trong một tập thể có hàng trăm, hàng nghìn người mà quân tư trang, đồ dùng cá nhân, sách vở, quần áo... mỗi nơi một thứ, mỗi người một kiểu, không có sự ngăn nắp và tính thống nhất thì trông sẽ như thế nào? Khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, cần khẩn trương thu dọn, di chuyển thì có kịp không? Hay như luyện tập Điều lệnh Đội ngũ, ngoài mục đích phục vụ quá trình học tập, công tác tại đơn vị còn rèn luyện bộ đội tác phong nhanh nhẹn, khẩn trương, nghiêm túc, ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng tinh thần đoàn kết”.

Quân đội là một trường học lớn! Ở đó, mỗi bài học đều mang một giá trị nhân văn, ý nghĩa cao cả và đều hướng tới mục tiêu rèn giũa, hình thành cho quân nhân bản lĩnh, phẩm chất, tác phong cần có của người quân nhân cách mạng, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội, vừa giúp họ tự tin bước vào cuộc sống tự lập, sẵn sàng đối mặt, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống sau này. Vì thế, hơn ai hết, mỗi quân nhân, nhất là chiến sĩ mới cần nêu cao tính tự giác, rèn luyện đầy đủ, nghiêm túc như một nhu cầu tự thân.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội từng trải qua quân ngũ đúc rút: “Sự khắc nghiệt trong môi trường quân ngũ tạo nên kỷ luật “thép” để thử thách con người. Kỷ luật sẽ tạo ra những con người chuẩn mực, có ý thức tự giác cao. Con người sống trong kỷ luật là con người tự do nhất. Vì thế, kỷ luật “thép” của Quân đội là nơi giúp nhiều bạn trẻ có cơ hội để giữ mình, điều kiện để rèn luyện bản thân trở thành những con người cứng cáp giữa phong ba bão táp, giữa những thói hư tật xấu, cám dỗ của cuộc sống”.

(còn nữa)

ĐỨC TUẤN - HỮU TÀI - NGUYỄN TRƯỜNG