Tuy nhiên, tỷ lệ và mức độ vi phạm thì hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xử lý vi phạm, tạo dựng môi trường sống lành mạnh và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vấn đề nảy sinh. Đặc biệt, phải thẳng thắn chỉ ra và triệt tiêu tận gốc những nguyên nhân dẫn đến vi phạm.
Quân ngũ được xem là môi trường có kỷ luật "thép". Các quân nhân luôn được đánh giá là những tấm gương tốt trong chấp hành pháp luật, kỷ luật. Thế nhưng, các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật vẫn xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Ngoài vấn đề như chúng tôi đã đề cập ở trên thì còn những nguyên nhân nào khác nữa?
Chủ quan và thiếu bản lĩnh
Theo Đại tá Trương Đức Anh, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 5, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quân khu 5 đã quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, kỷ luật. Nhờ vậy, một số vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, tham ô tài sản đã giảm sâu. Hiện nay, số vụ vi phạm thường xảy ra ở một số tội danh, như: Cố ý gây thương tích, đánh bạc, đào ngũ... Đối tượng có các hành vi tội phạm, vi phạm là hạ sĩ quan, binh sĩ vẫn chiếm khoảng 31%.
 |
Cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ Tham mưu Quân khu 5 thăm, động viên chiến sĩ mới tại thao trường huấn luyện. Ảnh: THUẬN AN |
Theo đánh giá của Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 5, nguyên nhân là do một số cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật. Tính gương mẫu, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ chỉ huy, một số quân nhân chưa cao, thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc duy trì, thực hiện nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, quản lý bộ đội tại một số đơn vị chưa thực sự nghiêm túc, có sự buông lỏng thực hiện các chế độ chính quy, nhất là chế độ ngày, tuần. Qua nhiều vụ việc cho thấy, hầu hết đều liên quan đến việc cán bộ các cấp duy trì lỏng lẻo các chế độ quy định, quân nhân nằm ngoài sự quản lý, chỉ huy của đơn vị; công tác quản lý bộ đội trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, thời gian nghỉ tại gia đình còn hạn chế, dẫn đến vi phạm kỷ luật. Việc quán triệt, duy trì thực hiện các nguyên tắc bảo đảm an toàn trong huấn luyện, học tập, công tác, lao động và an toàn giao thông có đơn vị chưa nghiêm. Trường hợp vì bệnh thành tích, sợ liên đới trách nhiệm mà che giấu hoặc báo cáo không kịp thời khi có vụ việc xảy ra vẫn còn; xử lý các vụ việc còn lúng túng, chưa kiên quyết, chưa nghiêm túc, thiếu tính răn đe, dẫn đến hiệu quả công tác giáo dục, phòng ngừa chưa cao. Việc tổ chức rút kinh nghiệm những vụ việc mất an toàn của các cơ quan, đơn vị có lúc chưa nghiêm túc.
Ngoài ra, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số đơn vị hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa thường xuyên, kịp thời và triệt để. Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền còn đơn điệu, thiếu thực tiễn, chưa thu hút người học. Một số văn bản phổ biến, hướng dẫn, quy định về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật, công tác quản lý bộ đội, đóng quân canh phòng đã được ban hành nhưng việc quán triệt, thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời. Vẫn còn cán bộ, chiến sĩ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội còn hạn chế, việc tự tu dưỡng, rèn luyện chưa thường xuyên, thiếu toàn diện, dao động trước những diễn biến phức tạp của tình hình, bị cám dỗ bởi vật chất, tham gia vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề... Cũng có quân nhân thiếu bản lĩnh, thái độ bi quan, chán nản khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống riêng tư và các mối quan hệ xã hội, không giải quyết được mâu thuẫn tình cảm gia đình, nguyện vọng của bản thân nên dẫn đến hành động tiêu cực.
Thẳng thắn nhìn nhận từ thực tế đơn vị mình, Trung tá Lương Văn Đạo, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 95, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) cho rằng: “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, kỷ luật của quân nhân trong đơn vị là do một số cán bộ chủ trì cấp đại đội, tiểu đoàn chưa kiên quyết trong khắc phục khâu yếu, mặt yếu, còn biểu hiện buông lỏng trong quản lý, chỉ huy; chưa thật sự gương mẫu trong chấp hành các chỉ thị, quy định và thực hiện chức trách được giao. Năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm của một số cán bộ (đặc biệt là cán bộ trung đội, đại đội) trong duy trì, quản lý, chỉ huy bộ đội còn hạn chế, có đồng chí còn ngại khó, ngại khổ, thiếu học hỏi. Một số quân nhân có lối sống tự do, thiếu ý thức tự giác học tập, rèn luyện, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, điều lệnh, điều lệ và quy định của đơn vị, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và đơn vị”.
Tại Quân khu 2, số liệu tổng hợp của Phòng Điều tra hình sự và Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Quân khu cho thấy, số vụ việc vi phạm tính từ ngày 20-11-2021 đến 3-11-2022 có giảm so với cùng thời điểm năm 2021. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu như đã nêu ở trên, ngoài ra còn do đội ngũ cán bộ cấp phân đội và chỉ huy một số đơn vị chưa thực sự gần gũi với bộ đội để chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; chưa nắm chắc các mối quan hệ của quân nhân thuộc quyền; thiếu sâu sát bộ đội dẫn đến các mâu thuẫn trong nội bộ không được phát hiện kịp thời, hoặc nếu phát hiện nhưng giải quyết không triệt để. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân, thậm chí có lối sống buông thả, vô ý thức kỷ luật, có tư tưởng ăn chơi, thích hưởng thụ, không có ý chí phấn đấu.
Những nguyên nhân, tác động khách quan khó tránh
Ngoài những nguyên nhân chủ quan nêu trên, những tác động khách quan từ bên ngoài xã hội và môi trường quân sự đặc thù cũng khiến nảy sinh nhiều vấn đề về tâm sinh lý dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật. Trong đó có thể kể đến những tác động từ mặt trái kinh tế thị trường; đời sống của nhiều cán bộ, chiến sĩ và gia đình còn khó khăn; thông tin tiêu cực lan truyền trên mạng xã hội; văn hóa phẩm đồi trụy, lệch chuẩn đạo đức, văn hóa; bạo lực, sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận xã hội... đã tạo nên những thói quen tùy tiện, thiếu ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của một bộ phận quân nhân, nhất là hạ sĩ quan, binh sĩ. Việc lựa chọn công dân nhập ngũ được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn quy định nhưng vẫn còn trường hợp có quan điểm, tư tưởng, lối sống lệch lạc, ý thức chấp hành không nghiêm đã phát sinh những vi phạm khi vào đơn vị. Thậm chí, có trường hợp quân nhân vì bản lĩnh, tinh thần yếu mà không chịu được áp lực rèn luyện, hòa nhập với môi trường, chế độ nền nếp sinh hoạt, học tập trong Quân đội mà nảy sinh những hành vi, hành động không thể kiểm soát, dự đoán.
Đại tá Nguyễn Đông Hưng, Chính ủy Lữ đoàn 543 (Quân khu 2) nhìn nhận: “Quân nhân công tác trong Quân đội chịu nhiều tác động từ môi trường xã hội bên ngoài, nhất là đội ngũ hạ sĩ quan, binh sĩ, sĩ quan trẻ tuổi đời còn ít, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống, còn bồng bột và thiếu chín chắn trong suy nghĩ. Nếu không giữ được bản thân thì rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật, để lại hậu quả rất lớn cho gia đình, xã hội và đơn vị”.
Phân tích dưới góc độ tâm sinh lý, Đại tá, Tiến sĩ Tạ Quang Đàm, Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học quân sự (Học viện Chính trị) cho biết: “Các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật tập trung ở đối tượng quân nhân còn trẻ. Ở độ tuổi này, quân nhân có thể chất phát triển chín muồi; hệ thần kinh được phát triển và hoàn thiện; hưng phấn, ức chế diễn ra có cường độ mạnh, tốc độ nhanh, tính linh hoạt cao. Cùng với đó, tâm lý của quân nhân ở độ tuổi này thường nhạy cảm trước những tác động, cảm xúc-tình cảm khá phong phú và xúc cảm thường trội hơn lý trí. Với đặc điểm tâm sinh lý như vậy nên họ thường bộc lộ một số hạn chế như: Nhận thức nhanh nhưng dễ phiến diện, thiếu sâu sắc, nhạy cảm về chính trị chưa cao, khả năng phân biệt đúng-sai còn hạn chế. Cảm xúc tình cảm dễ bồng bột, những cảm xúc quá mạnh có thể dẫn đến các hành động thiếu suy nghĩ, thậm chí họ không điều khiển được hành động. Do vậy, chỉ huy ở đơn vị cơ sở cần sâu sát, gần gũi, cụ thể, tỉ mỉ trong quản lý bộ đội”.
Từng có thời gian công tác ở Tiểu đoàn Tên lửa 82, Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân), Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích thêm: Trước khi nhập ngũ, thanh niên có thời gian dài sống ở những môi trường khác nhau, thiếu lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc với internet và chứng kiến cảnh bạo lực trong phim ảnh, cuộc sống, thậm chí là ngay trong gia đình... nên dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức và hành vi. Từ đó xem nhẹ hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Khi có cơ hội thì những suy nghĩ đó biến thành hành động, mô tả lại các hành động bạo lực của những người khác hoặc trong phim, truyện. Ngoài ra, sự nuông chiều của cha mẹ cũng có thể tạo ra những con người ích kỷ, chỉ biết quan tâm đến nhu cầu, cảm xúc, sở thích của mình. Do được nuông chiều nên lâu dần, đứa trẻ coi mình là trung tâm của vũ trụ. Khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài mà không được coi trọng, không được đặc quyền đặc lợi, thỏa mãn nhu cầu, cảm xúc thì dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực, có thể sử dụng bạo lực để thỏa mãn những nhu cầu của mình, thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân. “Ở tuổi vị thành niên và thanh niên, con người đã phát triển đầy đủ về thể chất nhưng chưa có nhận thức đầy đủ về xã hội, tâm lý chung là muốn thể hiện mình, muốn khẳng định mình trước xã hội, sợ người khác coi thường nên cái tôi cá nhân rất lớn. Khi càng trưởng thành, càng trải nghiệm thì cái tôi sẽ nhỏ đi còn lòng vị tha, sự bao dung, độ lượng sẽ lớn dần lên qua quá trình giáo dục về nhận thức xã hội. Bởi vậy, độ tuổi đôi mươi là rất dễ mắc sai lầm, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.
“Người chỉ huy cần quan tâm xem xét các cơ chế dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật để có thể tác động, điều khiển nhằm ngăn ngừa và giảm đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm xảy ra, gồm: Cơ chế “sức ỳ” của động hình cũ; cơ chế “bị cấm đoán”; cơ chế “do không biết mà vi phạm”; cơ chế “coi thường cái nhỏ và từ những sai phạm nhỏ dẫn đến vi phạm lớn”; cơ chế “trên không nghiêm, nêu gương xấu cho chiến sĩ bắt chước”; cơ chế “do tập thể không mạnh, ít đòi hỏi lẫn nhau, làm nảy sinh ở quân nhân thái độ buông thả, dễ dãi với chính mình”; cơ chế “người lãnh đạo hạ thấp yêu cầu, gây nên tâm lý tự do tùy tiện” và cơ chế “xả hơi”-Đại tá, Tiến sĩ Tạ Quang Đàm phân tích.
|
(còn nữa)
ĐỨC TUẤN - HỮU TÀI - MẠNH TƯỜNG - VIỆT HÙNG