Dự báo đúng, định hướng kịp thời

Năm 2021, Trung đoàn 88 (Sư đoàn 302) tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, trung đoàn không tổ chức cho người nhà, thân nhân lên đơn vị thăm CSM vào ngày nghỉ. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng của các CSM trong thời gian đầu quân ngũ. Dự báo đúng xu hướng tư tưởng của bộ đội, cấp ủy, chỉ huy các cấp mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ chính trị trong trung đoàn tăng cường bám nắm đơn vị, gần gũi, động viên, sẻ chia với chiến sĩ; quan tâm, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần để bộ đội yên tâm tư tưởng. Mỗi đầu mối cấp đại đội bố trí 3 máy điện thoại di động, khi chiến sĩ có nhu cầu đều được gọi về thăm hỏi gia đình, bạn bè, người thân. Chiến sĩ Nguyễn Đặng Anh Hào, thuộc Đại đội 21 huấn luyện CSM (Trung đoàn 88), tâm sự: "Lần đầu tiên xa gia đình nên tôi rất nhớ cha mẹ, lúc nào cũng có cảm giác buồn, học tập, rèn luyện thiếu tập trung. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm, động viên của chỉ huy đơn vị, tôi đã dần nguôi ngoai. Ngày nghỉ, tôi lại được tạo điều kiện gọi điện thoại về nhà nên đến nay, tôi đã yên tâm tư tưởng, xác định quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Để CSM thích nghi với môi trường quân ngũ, chỉ huy đơn vị chủ động nắm chắc lý lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; hướng dẫn CSM tham gia các hoạt động tập thể để tự tin, hăng hái trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, củng cố niềm tin, lòng tự hào ngay từ ngày đầu chiến sĩ bước chân vào môi trường quân đội. Theo Thượng tá Lê Văn Hướng, Chính ủy Trung đoàn 88: Cụ thể hóa mô hình “5 chủ động” trong công tác tư tưởng (nắm tư tưởng; đánh giá, dự báo tình hình tư tưởng; định hướng tư tưởng; giải quyết tư tưởng; đấu tranh tư tưởng), trung đoàn kịp thời tập huấn phương pháp nắm bắt, dự báo chính xác tình hình tư tưởng chiến sĩ; xây dựng nhiều tình huống về công tác tư tưởng để cán bộ đơn vị vận dụng trong từng điều kiện và đối tượng cụ thể, bảo đảm phù hợp, chính xác.

Ở Lữ đoàn Công binh 25, với đặc thù nhiệm vụ xây dựng công trình quân sự, đường tuần tra biên giới và bảo đảm vượt sông, các đơn vị của lữ đoàn đóng quân ở địa bàn biên giới, hải đảo thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Do vậy, việc quản lý tư tưởng bộ đội đòi hỏi phải thực hiện linh hoạt, dự báo đúng tư tưởng cán bộ, chiến sĩ để không bị động. Đại tá Lê Văn Hinh, Chính ủy lữ đoàn nhấn mạnh: Quản lý tư tưởng bộ đội là việc làm đòi hỏi sự khéo léo, linh hoạt và đặc biệt là phải chủ động. Trong điều kiện internet phát triển rộng khắp với không ít thông tin tiêu cực, bộ đội lại hoạt động trong môi trường nặng nhọc, vất vả, ở những địa bàn khó khăn nên diễn biến tư tưởng xuất hiện trong từng giai đoạn, nhiệm vụ khác nhau. Điều đó đòi hỏi cán bộ theo phân cấp phải dự báo đúng tình hình tư tưởng của đơn vị và của từng cá nhân, vận dụng sáng tạo mô hình “5 chủ động”, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. 

Khâu then chốt trong thực hiện "5 chủ động"

Mô hình “5 chủ động” trong công tác tư tưởng được Quân khu 7 triển khai thực hiện với những yêu cầu, nội dung, biện pháp cụ thể. Để mô hình đạt hiệu quả cao cần phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Theo Thiếu tướng Đỗ Văn Bảnh, Phó chính ủy quân khu, yếu tố con người mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, chỉ huy đơn vị giữ vai trò quan trọng để mô hình “5 chủ động” đạt hiệu quả. Cán bộ phải luôn gần gũi bộ đội; thương yêu, thấu hiểu, nắm chắc hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội của quân nhân; phải sâu sát, cùng làm, cùng sẻ chia, thực sự như người thân của bộ đội; khéo léo quan sát các hành vi, cử chỉ, thái độ, lời nói, lễ tiết, tác phong thông qua hoạt động thực tiễn của quân nhân... Muốn vậy, cán bộ phải chủ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh thì công tác tư tưởng mới đạt được những yêu cầu đề ra.

Với kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp quản lý bộ đội ở đơn vị cơ sở, Đại tá Lý Văn Nghiêu, Chính ủy Sư đoàn 317 chia sẻ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Trong công tác tư tưởng, việc nắm và đánh giá tình hình tư tưởng của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách và biện pháp hành chính. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, phải trách nhiệm, tình thương, nêu gương đối với cấp dưới, đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không được chủ quan, lơ là trong các thời điểm bộ đội nghỉ tranh thủ, nghỉ phép, sau khi kết thúc một đợt học tập, công tác; phát huy vai trò của tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng, tổ 3 người, tổ công tác dân vận, chiến sĩ bảo vệ, tổ tư vấn tâm lý, pháp lý và những “tai, mắt” trong đơn vị để luôn nắm chắc và chủ động trong công tác tư tưởng.

Mô hình “5 chủ động” trong công tác tư tưởng cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, chỉ huy đơn vị cơ sở cần kết hợp hài hòa giữa đặt ra yêu cầu cao và tôn trọng nhân cách cấp dưới; giao nhiệm vụ phải căn cứ vào khả năng, sức khỏe, sở trường, kết hợp với hướng dẫn, động viên, chỉ bảo tận tình, tạo điều kiện tốt nhất để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó đồng nghĩa với việc cán bộ phải mẫu mực, nêu gương, có uy tín trong tập thể; thường xuyên tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để có đủ khả năng phân tích, đánh giá, so sánh, xâu chuỗi những biểu hiện tư tưởng của bộ đội; kiểm chứng qua hoạt động thực tiễn và rút ra kết luận về tư tưởng, nguồn gốc, nguyên nhân, làm cơ sở định hướng, giáo dục, xử lý đúng bản chất vấn đề. Đại tá Huỳnh Thanh Liêm, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai cho rằng: “5 chủ động” có mối quan hệ mật thiết, logic với nhau; trong đó, cán bộ là khâu then chốt để thực hiện 5 nội dung của mô hình. Cán bộ phải vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị thông qua thực hiện nhiệm vụ, phong trào thi đua, các cuộc vận động, tọa đàm, diễn đàn và hệ thống thiết chế văn hóa, mô hình bổ trợ giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở... Cấp ủy, chỉ huy cần kịp thời biểu dương, tích cực ngăn chặn, chủ động thông tin cho bộ đội về những tác hại, ảnh hưởng của tư tưởng tiêu cực, sai trái... làm lành mạnh hóa môi trường học tập, rèn luyện trong đơn vị, giúp bộ đội phát triển toàn diện nhân cách, bản lĩnh chính trị, tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: HOÀNG CÚC HOAN