Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh 86 chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

Theo ban tổ chức, Hội thảo khoa học “Tiềm năng ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực quân sự-quốc phòng” đã nhận được gần 40 bài tham luận khoa học được chuẩn bị công phu, lập luận chặt chẽ của các cơ quan đơn vị trong và ngoài quân đội gửi về tham dự, tập trung nghiên cứu, thảo luận về hai vấn đề chính: Công nghệ Blockchain là gì và khả năng ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực quân sự quốc phòng như thế nào?

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trên cơ sở những vấn đề đó, các đại biểu tham luận, đề xuất một số khả năng, định hướng ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực cụ thể như: Quản lý hồ sơ thông tin quân nhân; quản lý vòng đời vũ khí, trang bị; ứng dụng trong hệ thống điều khiển các thiết bị bay không người lái; ứng dụng trong quản lý hồ sơ sức khỏe quân nhân; ứng dụng trong an ninh, an toàn, chỉ huy, tham mưu tác chiến; ứng dụng trong công tác quản lý các quy trình xây dựng, khai thác và sử dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu… và một số định hướng cụ thể khác.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Tống Viết Trung phát biểu khai mạc hội thảo.  

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Tống Viết Trung nhấn mạnh: Công nghệ Blockchain đang trở thành xu hướng nghiên cứu cho các ứng dụng tiềm năng của rất nhiều ngành bởi ưu điểm có khả năng quản trị dữ liệu một cách toàn vẹn, minh bạch và có độ tin cậy cao. Khả năng quản trị dữ liệu này được xem là yếu tố quan trọng trong nghiên cứu thí điểm và triển khai mô hình chính phủ điện tử tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vai trò có ý nghĩa quan trọng của công nghệ này trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng vì vậy ứng dụng công nghệ Blockchain đã trở thành mục tiêu chung của quân đội các nước trên thế giới.

leftcenterrightdel
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. 

Đồng chí Tống Viết Trung đề nghị các báo cáo viên tập trung giải quyết các vấn đề khoa học, đưa ra các nhận định chính xác về Blockchain và hướng nghiên cứu để có thể đưa công nghệ Blockchain tích hợp công cụ chỉ huy, chỉ đạo, điều hành và quản lý trong quân đội. Từ đó, tạo tiền đề để các cơ quan, đơn vị tiếp tục có những nghiên cứu cụ thể, chi tiết hơn về hướng ứng dụng Blockchain trong các hoạt động quân sự quốc phòng, làm tốt công tác tham mưu cho thủ trưởng Bộ Quốc phòng về việc nghiên cứu đưa công nghệ Blockchain vào ứng dụng, tiến tới làm chủ công nghệ,  tư vấn về các mô hình, nền tảng Blockchain phù hợp trong các hoạt động đặc thù của quân đội.

 Tin, ảnh: NGỌC HÂN