Đại biểu Quân đội dự phiên họp có các đồng chí: Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Phòng không nhân dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân. Việc xây dựng và ban hành văn bản luật sẽ tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.

Các đại biểu cũng cho rằng, các nội dung trong dự thảo luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

leftcenterrightdel

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Cần đơn giản hóa quy trình cấp phép với tàu bay không người lái

Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật Phòng không nhân dân và các cơ quan hữu quan khẩn trương tập trung nghiên cứu; tổ chức nhiều cuộc họp để tiếp thu, chỉnh lý; việc giải trình các ý kiến bảo đảm đầy đủ các căn cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, trong Chương 4 về quản lý tàu bay không người lái hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Đó là quy trình cấp phép cho phương tiện hàng không không người lái còn khá phức tạp, đặc biệt là đối với các phương tiện hàng không không người lái sử dụng cho mục đích dân sự, thương mại hoặc giải trí.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, điều này có thể làm chậm trễ hoạt động kinh doanh hoặc nghiên cứu liên quan đến tàu bay không người lái. Mặt khác, việc quản lý phương tiện tàu bay không người lái hiện còn thiếu cơ sở dữ liệu tập trung, đồng bộ, gây khó khăn cho việc giám sát, cấp phép và theo dõi các hoạt động này. 

Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, nên chăng bổ sung quy định đơn giản hóa hơn quy trình cấp phép, đặc biệt là đối với các tàu bay không người lái có mục đích sử dụng rõ ràng và ít rủi ro, như: Quay phim, chụp ảnh… Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung cho phép các cơ quan quản lý và người dùng đăng ký tra cứu và quản lý tàu bay không người lái một cách nhanh chóng, hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. 

Bổ sung nghiên cứu nguyên tắc thiết lập vùng cấm bay

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị bổ sung nghiên cứu nguyên tắc thiết lập vùng cấm bay xung quanh các sân bay, hành lang bay chính và các khu vực diễn tập của hàng không quân sự để bảo đảm không xảy ra xung đột giữa tàu bay không người lái và các loại máy bay có người lái.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần bổ sung, cập nhật danh sách vùng cấm bay bao gồm các cơ sở hạ tầng quan trọng mới, các địa điểm đông người tham gia hoạt động công cộng như sân vận động, khu vui chơi, giải trí, công viên lớn...

“Ngoài ra, dự thảo luật nên chăng có quy định rõ ràng về vùng, khu vực cấm bay tạm thời. Điều này có nghĩa là cần có quy định cụ thể về việc thiết lập vùng cấm bay tạm thời cho các sự kiện lớn, hội nghị hoặc các hoạt động quốc gia đặc biệt, những khu vực này cần được thông báo rộng rãi và cập nhật kịp thời trên các hệ thống quản lý không phận để mọi người được biết”, đại biểu đề xuất. 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp.

Ngoài ra, theo đại biểu Thạch Phước Bình, cần phải sử dụng các hệ thống công nghệ hiện đại để giám sát và ngăn chặn tàu bay không người lái - điều này sẽ giúp cho tàu bay không người lái tự động tránh bay vào các vùng cấm bay mà không cần sự can thiệp của người điều khiển.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất dự thảo luật cần có một quy định là phải xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương trong việc giám sát, quản lý và xử lý các vi phạm liên quan đến tàu bay không người lái, điều này sẽ giúp bảo đảm việc quản lý vùng cấm bay diễn ra hiệu quả và nhất quán.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị cần có một quy định về cơ chế báo cáo và xử lý sự cố nhanh. Theo đó, cần xây dựng một cơ chế báo cáo nhanh chóng và kịp thời để xử lý các sự cố liên quan đến tàu bay không người lái xâm nhập vùng cấm. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập đường dây nóng hoặc ứng dụng di động cho phép công dân báo cáo vi phạm. Đồng thời, khi công nghệ tàu bay phát triển, các quy định cũng cần được cập nhật để bảo đảm phù hợp và hiệu quả trong việc quản lý, bảo đảm an toàn không phận cũng như vùng cấm bay….

ANH PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.