Trang bị đủ, huấn luyện trọng tâm, sát nhiệm vụ

Chúng tôi đến tham quan buổi huấn luyện của Trung đội DQTT KCN Nam Tân Uyên (TP Tân Uyên) vào thời điểm đầu giờ chiều. Các chiến sĩ dân quân mang mặc trang phục chuyên dụng, sử dụng lá chắn, công cụ hỗ trợ luyện tập các động tác chống xô đẩy, chống ném đá. Trung đội chia thành các tiểu đội thực hành luyện tập theo khẩu lệnh người chỉ huy. Động tác nhanh nhẹn, hiệp đồng nhuần nhuyễn, các chiến sĩ dịch chuyển, che chắn, xếp đội hình tạo thế vững chắc sẵn sàng ngăn chặn đối phương xô đẩy, ném đất đá...

Thượng tá Lâm Minh Sử, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Tân Uyên cho biết: “Trung đội DQTT KCN được huấn luyện những nội dung trọng tâm liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự như kỹ năng xử lý tình huống tụ tập đông người, gây rối, trấn áp đối tượng manh động, trộm cướp, phương pháp phối hợp tuần tra, kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin về an ninh, an toàn... Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với công an huấn luyện phương pháp phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, điều tiết giao thông giờ cao điểm ở KCN”.

 Bộ CHQS tỉnh Bình Dương huấn luyện võ thuật cho lực lượng dân quân thường trực.

Thực tế cho thấy, lực lượng DQTT KCN đòi hỏi cao về chất lượng, ý thức chính trị và tinh thần trách nhiệm, trình độ hiểu biết pháp luật... Vì vậy, ngay từ khâu tuyển chọn, các xã, phường thực hiện đúng trình tự, bám sát tiêu chí, khắt khe như tuyển chọn công dân nhập ngũ. Từ đó, ban CHQS cấp huyện (thành phố) trong tỉnh Bình Dương điều động những đồng chí đủ tiêu chuẩn bổ sung vào đơn vị dân quân ở KCN.

Đồng chí Nguyễn Vũ Thanh Bình, chiến sĩ Trung đội DQTT KCN VSIP I (TP Thuận An), bộc bạch: “Trước khi được phân công thực hiện nhiệm vụ tại KCN VSIP I, tôi đã trải qua quy trình xét tuyển chặt chẽ, được trang bị, huấn luyện những kiến thức cơ bản, kỹ lưỡng các tình huống, phương án, kỹ năng cá nhân và hiệp đồng phân đội. Hiện tại, tôi và đồng đội đều rất tự tin khi thực hiện nhiệm vụ, xử lý tình huống”.

 Trung đội DQTT Khu công nghiệp VSIP 1 (TP Thuận An, Bình Dương) huấn luyện các đội hình A2.

Đối với lực lượng tự vệ (LLTV) trong doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, tiêu chí tuyển chọn cũng áp dụng như lực lượng DQTT KCN. Ban CHQS các huyện (thành phố) phối hợp với doanh nghiệp tuyển chọn, ưu tiên chọn các quân nhân xuất ngũ đang làm việc ở nhiều bộ phận tại doanh nghiệp, trong đó có cả phó giám đốc an ninh, tổ trưởng, cán bộ văn phòng, quản lý, hành chính-nhân sự, đảng viên, cán bộ đoàn... Chỉ huy đơn vị tự vệ thường là thành viên ban giám đốc hoặc cán bộ phụ trách an ninh, giám đốc bộ phận an toàn, giám đốc hành chính-nhân sự, chánh văn phòng công ty. Công tác tập huấn, huấn luyện được cơ quan quân sự tổ chức linh hoạt, thường vào cuối tuần để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chú trọng những nội dung thiết thực, như: Giải tán đám đông, ngăn chặn ẩu đả, trộm cắp tài sản, xử lý sự cố cháy, nổ, canh gác; phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật...

Anh Phan Hồng Nam, Giám đốc Hành chính-Nhân sự Công ty TNHH SPG Vina-doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc (đóng tại TP Bến Cát), cho biết: “LLTV được chúng tôi lựa chọn thành viên dàn đều ở các bộ phận, giúp nắm bắt thông tin, ưu tiên cán bộ các dây chuyền, xưởng sản xuất, phụ trách bộ phận để bố trí làm tiểu đội trưởng tự vệ. Chọn như vậy sẽ thuận lợi trong phân công, điều hành, tổ chức huấn luyện thêm ngoài giờ, phát huy trách nhiệm, vai trò và “tiếng nói” của họ đối với công nhân, người lao động”.

Một vấn đề đặt ra là: Ngoài nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, cần trang bị thêm những gì để LLTV và dân quân hoàn thành tốt nhiệm vụ? Trả lời câu hỏi này, Bộ CHQS tỉnh Bình Dương đã bám sát quy định của Luật Dân quân tự vệ, chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 7 và UBND tỉnh để hướng dẫn các huyện (thành phố) thực hiện thống nhất.

Đại tá Phạm Văn Kiên, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Dương, cho biết: “Việc trang bị vũ khí, vật chất cho trung đội DQTT KCN thực hiện đúng pháp luật và quy định của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi ăn, nghỉ, làm việc, bàn ghế, phương tiện tuần tra, công cụ hỗ trợ... do Ban Quản lý các KCN tỉnh bảo đảm. Đối với LLTV ở các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, mỗi tự vệ được bảo đảm 2 bộ trang phục, mũ chống bạo loạn, áo chống đâm, ốp tay, ốp chân để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ”.

Bảo đảm trụ sở, hỗ trợ chế độ

Kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương trong tổ chức xây dựng và hoạt động của các trung đội DQTT KCN và LLTV trong doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng là phương châm “3 có”: Có chủ trương, có kinh phí và có hoạt động. Theo đó, đảng ủy, ban CHQS các địa phương trong tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành; đồng thời tham mưu cho địa phương bố trí kinh phí xây dựng trụ sở làm việc của trung đội DQTT gắn với các hoạt động tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ và mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cần thiết.

 Trung đội DQTT Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (TP Tân Uyên, Bình Dương) huấn luyện các đội hình A2.

Hiện nay, doanh trại trung đội DQTT được bố trí trong KCN thuộc 5 thành phố: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, Thủ Dầu Một, được thiết kế có phòng làm việc, nơi ăn nghỉ, trang bị đủ biển bảng, vật chất bảo đảm cho huấn luyện, sinh hoạt, cơ động thực hiện nhiệm vụ... Cán bộ, chiến sĩ DQTT được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, bảo đảm chế độ, chính sách. 

Trung tá Đỗ Minh Trí, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Thủ Dầu Một cho biết, chế độ, chính sách của lực lượng DQTT KCN thực hiện theo Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và văn bản các cấp, Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh Bình Dương với mức trợ cấp ngày công lao động 119.200 đồng/ngày, được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, chiến sĩ bộ binh tại ngũ. Đồng thời, được hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ và khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ tự vệ Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) thường xuyên duy trì chế độ đọc sách, báo.

Còn LLTV được bảo đảm các chế độ phụ cấp chức vụ, hỗ trợ tiền ăn, trợ cấp lao động khi tham gia huấn luyện trong các ngày nghỉ... Căn cứ vào Luật Quản lý thuế, mọi chế độ, chính sách của LLTV đều được khấu trừ vào thuế (thực chất đây là kinh phí được tỉnh hỗ trợ để bảo đảm các chế độ, chính sách cho LLTV hoạt động). Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp còn quan tâm hỗ trợ thêm phụ cấp các chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Tự vệ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Tự vệ, hưởng nguyên lương khi đi tập huấn, hỗ trợ tiền ăn, xăng xe khi làm nhiệm vụ tập huấn...

Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô JAC Việt Nam (TP Thuận An)-doanh nghiệp FDI cho biết, lãnh đạo Công ty rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để LLTV hoạt động. Trong đó, công ty bố trí kinh phí mua sắm trang phục, trang bị, công cụ hỗ trợ và bảo đảm chế độ, chính sách, khen thưởng giúp họ yên tâm, phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - HÙNG KHOA

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.