Tỉnh Bình Dương hiện có 5 trung đội DQTT KCN và 101 đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng. Kể từ khi các đơn vị này được thành lập đã phát huy được vai trò, hiệu quả, được chính quyền và chủ doanh nghiệp đánh giá cao. Để có được thành công đó, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động bám sát thực tiễn, cơ sở, nắm chắc các luật, quy định, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các phân đội dân quân, tự vệ ở các doanh nghiệp FDI, khu công nghiệp, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, từ đó phát huy vai trò, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tạo sự đồng thuận cao.
Chủ động phát triển lực lượng dân quân, tự vệ ở khu công nghiệp
Sáng đầu tuần, chúng tôi có mặt tại trụ sở làm việc của Trung đội DQTT thuộc KCN Việt Nam-Singapore (VSIP I) ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đúng vào lúc cán bộ, chiến sĩ dân quân đang triển khai nhiệm vụ, kế hoạch tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự trong KCN. Ai nấy đều có tác phong, mang mặc trang phục nghiêm túc, thể hiện sự chính quy công vụ. Trụ sở có đủ công năng như nơi ở, phòng làm việc, sinh hoạt tập trung... được bố trí liền kề các đơn vị thuộc khối quản lý KCN.
Thấy tôi chăm chú quan sát doanh trại và hành động của các chiến sĩ, Trung tá Nguyễn Thiện Thanh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS TP Thuận An chia sẻ: “Trung đội này được thành lập hơn 10 năm trước. Dù địa bàn, nhiệm vụ có nhiều khó khăn nhưng tập thể trung đội đã nỗ lực khắc phục, luôn bám sát địa bàn, chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả”.
 |
Trung đội Dân quân thường trực trong Khu công nghiệp Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) luôn được chuẩn hóa tác phong, mang mặc khi thực hiện nhiệm vụ.
|
Tỉnh Bình Dương có 29 KCN, 16 cụm công nghiệp, thu hút hơn 550.000 lao động (hơn 13.500 lao động nước ngoài). Chỉ xét về mặt quốc phòng, an ninh thì đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự. Từ năm 2011, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo thành lập các chốt DQTT tại KCN Sóng Thần 1, 2 (TP Dĩ An) và KCN Mỹ Phước (TP Bến Cát); Trung đội DQTT KCN VSIP I. Sau một năm hoạt động, các chốt dân quân này phát huy hiệu quả thiết thực trong phối hợp giữ gìn ANTT ở KCN. Trên cơ sở đó, năm 2012, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương triển khai kế hoạch duy trì, mở rộng chốt DQTT ở một số huyện, thị xã; tiếp tục xây dựng trung đội DQTT KCN ở các địa phương trong tỉnh như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên, nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội không chỉ trong KCN mà còn ở địa bàn lân cận.
Theo Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, thành công của mô hình điểm xây dựng trung đội DQTT KCN ở Bình Dương thể hiện sự sáng tạo, bám sát thực tiễn, chủ động tham mưu, đề xuất cách làm hay của Bộ CHQS tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Năm 2013, mô hình đã được Bộ tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo nhân rộng ra các địa phương trong toàn Quân khu.
Mặc dù đã thành lập trung đội DQTT KCN, nhưng trước yêu cầu giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp tại chỗ, ngay từ cơ sở và tạo môi trường ổn định giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; đặc biệt sau những thiệt hại rất lớn của doanh nghiệp nước ngoài do sự cố “giàn khoan Hải Dương 981, tháng 5-2014”, với nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn tái diễn từ sớm, từ xa, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy Bình Dương ra văn bản chỉ đạo thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng; UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện. Bộ tư lệnh Quân khu 7 cũng có chỉ thị kịp thời, làm cơ sở pháp lý cho Bộ CHQS tỉnh thực hiện.
Kiên trì, khéo léo thay đổi nhận thức của doanh nghiệp
Đại tá Nguyễn Hoàng Minh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Dương chia sẻ, sự quan tâm, ủng hộ và thống nhất chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát là cơ sở, động lực để Bộ CHQS tỉnh quyết tâm thực hiện tốt các mô hình xây dựng đơn vị dân quân, tự vệ trong KCN và doanh nghiệp FDI, trở thành điểm sáng trong LLVT Quân khu 7.
 |
Ban CHQS TP Thuận An (Bình Dương) kiểm tra trang thiết bị dành cho lực lượng tự vệ tại Công ty Cổ phần Ô tô JAC Việt Nam. |
Quá trình xây dựng LLTV trong doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng gặp không ít khó khăn, thách thức. Vướng mắc lớn nhất đến từ chủ doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là e ngại, không muốn hợp tác, bởi họ cho rằng việc bảo đảm an ninh cho doanh nghiệp hoạt động là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu thành lập LLTV sẽ tốn thêm chi phí, nhiều phát sinh khác, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, ban CHQS các huyện, thành phố trong tỉnh đã tham mưu cho chính quyền địa phương cùng cấp thành lập đoàn khảo sát kết hợp vận động, tuyên truyền do lãnh đạo UBND huyện hoặc thành phố làm trưởng đoàn, cùng đại diện cơ quan, đơn vị gồm: Quân sự, công an, công đoàn, MTTQ, thuế, lao động-thương binh và xã hội, ban quản lý KCN... Đoàn thực hiện khảo sát, nắm tình hình hoạt động, đặc điểm của các doanh nghiệp, sau đó phân công đại diện các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, xoáy trọng tâm vào lợi ích thiết thực khi thành lập LLTV.
Nội dung tuyên truyền tập trung làm thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, nhấn mạnh 4 vấn đề: LLTV chính là nòng cốt, tại chỗ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp đầu tiên, nhanh nhất. Thành lập LLTV không làm phát sinh nhân lực do huy động từ đội ngũ lao động hiện tại. Phụ cấp chức vụ trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, chi phí hoạt động chuyên môn của LLTV được khấu trừ vào thuế của doanh nghiệp nên doanh nghiệp không tốn thêm chi phí. Cơ quan quân sự, công an tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ giúp LLTV đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ.
Thượng tá Phạm Văn Thắng, Chính trị viên Ban CHQS TP Thuận An nêu kinh nghiệm: “Quá trình tuyên truyền, vận động, chúng tôi phát huy vai trò của đại diện doanh nghiệp FDI là người Việt Nam. Những người này tham gia thuyết phục chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, khéo léo gợi lại sự cố tháng 5-2014... Qua đó, giúp chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích thực sự khi có LLTV, bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Bằng sự kiên trì tuyên truyền, vì lợi ích chung, đặt sự an toàn của doanh nghiệp lên hàng đầu, cơ quan quân sự và chính quyền địa phương ở Bình Dương đã từng bước làm thay đổi suy nghĩ của các chủ doanh nghiệp. Đó là từ chỗ thờ ơ, không hợp tác sang đồng thuận, đăng ký thành lập đơn vị tự vệ với số lượng ngày càng cao, đến nay, địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 101 đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng.
(còn nữa)
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - HÙNG KHOA
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.