Đây là lần thứ 3 các lực lượng ở Tân An Hội khẩn trương thực hiện nhiệm vụ kể từ sau sự cố sụp lún tuyến đê bao sông Mang Thít (ấp Tân Thiền) xảy ra vào giữa tháng 6-2023.

Sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống

Theo ông Võ Sơn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, cách đây 2 năm, mỗi mùa mưa, con nước triều cường ở Tân An Hội chỉ xảy ra tình trạng nước tràn bờ bao ảnh hưởng sản xuất. Nhưng từ hai năm gần đây, thiên tai (giông, lốc xoáy, sạt lở) liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình nhà ở, hạ tầng giao thông và sản xuất của bà con. Như mới đây, giông, lốc xoáy làm đổ khoảng 100ha lúa đang giai đoạn thu hoạch trên địa bàn; sụt lún 2 tuyến đê bao…

leftcenterrightdel
Tuyến đê bao xã Tân An Hội, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) bị sạt lở. 
leftcenterrightdel

Lực lượng dân quân cơ động, thanh niên xung kích tình nguyện tỉnh Vĩnh Long gia cố đê bao. 

Có mặt tại khu vực sạt lở tuyến đê bao sông Mang Thít (ấp Tân Thiền), nơi có một đoạn mặt đê (đường bê tông) rộng 3m, dài hơn 50m bất ngờ sụp xuống lòng sông vào ngày 19-6, hiện trường chỉ còn lại khoảng nước mênh mông, đê bao bị chia cắt, độ sâu đo được ngay chân đê vào ngày 21-7 là trên 4m. Hơn 20 lực lượng gồm: Đội thanh niên xung kích tình nguyện và Tiểu đội Dân quân cơ động xã Tân An Hội cùng lực lượng tăng cường từ Ban CHQS huyện Mang Thít có mặt. Trước mắt, lực lượng tiến hành rào chắn và cắm cừ gia cố bờ đất phía trong, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng hơn do dòng nước xoáy và tác động của sóng tàu, thuyền.

Anh Huỳnh Phước Triều, Bí thư xã đoàn, Đội trưởng Đội thanh niên xung kích tình nguyện xã Tân An Hội cho biết: “Ngoài nỗ lực kịp thời giúp nhân dân khắc phục sự cố, chúng tôi còn tuyên truyền và giúp bà con tỉa, hạ những cây lớn ven sông có nguy cơ ngả do gió, mưa. Đồng thời tăng cường gia cố, đắp thêm bờ bao chống tràn. Trước mắt sử dụng lực lượng tại chỗ, vật liệu tại chỗ để hạn chế thấp nhất thiệt hại”.

Cùng nỗ lực với các lực lượng cắm cừ gia cố ngăn sạt lở bên sông Măng Thít, anh Nguyễn Tấn Linh, Tiểu đội trưởng Dân quân cơ động xã Tân An Hội thông tin: “Chúng tôi nhận nhiệm vụ từ trên, thường xuyên ứng trực. Ngay sau tin báo sự cố là lực lượng có mặt. Như đợt lốc xoáy vào cuối tháng 6 vừa qua, lực lượng tham gia rất hăng hái và đông, bởi họ nhận thức rằng nỗ lực giúp người dân trong thiên tai cũng như giúp chính người thân mình”. 

Trung tá Nguyễn Công Lượng, Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Mang Thít thông tin thêm: “Mang Thít nhiều năm gần đây thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở. Từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra trên 10 vụ, Ban CHQS huyện thường xuyên duy trì lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu, xem nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là một trong những nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Ngay khi địa phương báo có sự cố là chúng tôi cử lực lượng xuống phối hợp giúp dân di dời tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Từ đầu năm 2023 đến nay, chúng tôi đã cử hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ này”.

Nhiều biện pháp hạn chế thiên tai

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, hằng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 tuyến, điểm sạt lở, làm mất từ 5 đến 6km đường bờ sông, kinh, rạch, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Những năm trước tình trạng này thường sạt lở nhiều trên các sông chính, nhưng thời gian gần đây thì vùng nội đồng xảy ra nhiều. Sạt lở đã làm mất đất đai, công trình, nhà cửa ven sông.

Đơn cử như năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 126 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất gần 4,5km đất bờ sông, kênh, rạch và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn; làm thiệt hại 12 căn nhà, 135 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp; ước thiệt hại về công trình trên 41,6 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 80 điểm sạt lở, làm mất trên 2,4km bờ sông (nhiều hơn 1,8km so với cùng kỳ) ảnh hưởng trực tiếp đến 79 hộ dân, thiệt hại tài sản trên 7 tỷ đồng (gấp 10 lần so cùng kỳ).

leftcenterrightdel
Dân quân cơ động xã Tân An Hội dầm mình dưới nước để gia cố đê bao. 

Được biết, từ năm 2020 đến nay, được sự hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, cùng với việc bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức triển khai thực hiện đầu tư 10 tuyến kè bê tông cốt thép kiên cố; gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, gia cố tạm bằng cừ tràm, cừ dừa với khoảng 200 điểm/tuyến sạt lở bờ bao.

Tổng chiều dài kè kiên cố và bờ bao được khắc phục sạt lở trên 40km. Trung tá Nguyễn Công Lượng, Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Mang Thít cho biết thêm: “Ngoài công tác tuyên truyền của ngành chức năng, địa phương thì đơn vị thường xuyên phối hợp kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, xung yếu, sẵn sàng phương án chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra; đặc biệt bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân. Song song đó, thực hiện ngay việc huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng ở khu vực có nguy cơ sạt lở, tổ chức tháo dỡ, di dời người, tài sản đến nơi an toàn theo phương châm “bốn tại chỗ”...

leftcenterrightdel
Dân quân huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cắt lúa giúp nhân dân năm 2022. 

Thiết nghĩ, sự cố thiên tai dù khó ngăn nhưng có thể phòng, chống và hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại. Kinh nghiệm sâu sắc nhất qua các lần ứng cứu kịp thời đó là thực hiện song hành các giải pháp cấp bách.

Trong khi các ngành, địa phương đang tìm giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai và thống kê thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ kịp thời sớm khôi phục sản xuất, lưu thông,… thì hoạt động bám địa bàn hỗ trợ nhân lực, giúp dân khắc phục sự cố của lực lượng dân quân địa phương và các đội xung kích là rất cần thiết.

Bài và ảnh: PHÚ ĐỨC