Sau một năm triển khai thực hiện Đề án, năng lực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự của các lực lượng đã có bước chuyển về chất.
Nâng cao năng lực xử trí tình huống
Chúng tôi có mặt tại Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa khi hồi kẻng dồn dập báo động thực hiện phương án phòng, chống bão lụt (PCBL) vang lên... Chưa đến 10 phút sau, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn với đầy đủ các trang bị: Áo, phao bơi, bao tải, cọc gỗ, cuốc, xẻng, xuồng chèo tay... đã có mặt đông đủ, sẵn sàng đợi lệnh. Đó là tình huống báo động kiểm tra phương án PCBL. Thượng tá Lê Bá Bằng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 762 cùng cán bộ cơ quan Trung đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị và nhận thức của bộ đội, nhận xét các mặt mạnh-yếu và quán triệt nhiệm vụ, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, khả năng sẵn sàng cơ động và năng lực xử trí tình huống PCBL.
 |
LLVT huyện Yên Định diễn tập phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn năm 2019. |
 |
LLVT huyện Thọ Xuân diễn tập phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn năm 2018. |
Ở huyện Thiệu Hóa, kết thúc cuộc diễn tập PCBL, TKCN năm 2022, Thượng tá Lê Vinh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thiệu Hóa chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên đơn vị tham mưu cho huyện thực hiện Đề án với nội dung cụ thể là diễn tập PCBL, TKCN. So với những năm trước đây, nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng tham gia đã được nâng lên rõ rệt, việc phối hợp, hiệp đồng, hành động lực lượng tham gia nhịp nhàng hơn. Do được huấn luyện cụ thể, sát tình huống, công tác điều hành, xử lý các tình huống từ người chỉ huy đến chiến sĩ, người dân đều bài bản và rất thuần thục, khắc phục triệt để những vướng mắc trong phối hợp, hiệp đồng khi có tình huống xảy ra trên địa bàn”.
 |
LLVT huyện Thiệu Hóa diễn tập phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn năm 2022. |
Vốn là địa phương có đặc điểm về khí hậu và địa hình phức tạp (với 2/3 diện tích là đồi núi, 102km đường bờ biển, 610 hồ đập, hơn 20 con sông lớn nhỏ, 1.008km đê sông, đê biển...), Thanh Hóa liên tục chịu ảnh hưởng của hầu hết loại hình thiên tai xảy ra ở Việt Nam, trong đó, nhiều nhất là bão, dông lốc, lũ lụt và sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Từ năm 2016 đến 2021, trên địa bàn tỉnh, các sự cố thiên tai đã làm 81 người chết, 26 người mất tích, hạ tầng cơ sở, hoa màu, tài sản của người dân thiệt hại ước hơn 15.300 tỷ đồng... Từ năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai rộng rãi Đề án nhằm bảo đảm kịp thời khắc phục hậu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, cơ sở.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 762 (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) giúp nhân dân xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy ổn định cuộc sống sau mưa lũ |
Phân vai, phân nhiệm rõ ràng
Theo Đại tá Lê Văn Diện, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng lực lượng BĐĐP, DQTV và DBĐV vững mạnh toàn diện, số lượng hợp lý, tổ chức quản lý chặt chẽ và duy trì hoạt động thường xuyên; có trình độ, năng lực, khả năng phối hợp, hiệp đồng xử trí tình huống phức tạp, phạm vi rộng; trang bị đầy đủ vật chất, trang thiết bị, phương tiện, góp phần giảm đến mức thấp nhất tổn thất về người và tài sản trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước sự cố, thiên tai... “Chúng tôi có hơn 3 năm chuẩn bị, nghiên cứu tất cả văn bản, chính sách, pháp luật liên quan để xây dựng Đề án. Từ thực tiễn những sự cố, thiên tai, thảm họa tại địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã đi trước một bước so với các địa phương khác trong xây dựng và triển khai Đề án”-Đại tá Lê Văn Diện chia sẻ.
 |
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thanh Hóa giúp nhân dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất năm 2019. |
Từ việc thực hiện Đề án tại tỉnh Thanh Hóa có thể thấy: Khi có tình huống xảy ra trên địa bàn, BĐĐP, DQTV và DBĐV được tổ chức lực lượng tham gia, cụ thể: Cấp thôn, bản có tổ xung kích tại chỗ; cấp xã, phường, thị trấn có DQTV tham gia; cấp huyện, thị xã, thành phố có BĐĐP, DQTV và DBĐV tham gia các đội cơ động xử trí tình huống... Chất lượng của lực lượng này cũng được quy định rõ trong Đề án: Về bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực, khả năng tập hợp quần chúng, tính linh hoạt xử lý tình huống thiên tai, thảm họa theo phương châm 4 tại chỗ.
Đặc biệt, lực lượng BĐĐP, DQTV và DBĐV được huấn luyện theo chương trình, kế hoạch cụ thể do Bộ CHQS tỉnh ban hành, tập trung vào kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và sử dụng thành thạo phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa... Đề án cũng xác định kế hoạch hoàn chỉnh việc mua sắm trang thiết bị phục vụ huấn luyện cũng như tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, thảm họa theo từng năm, theo đó, đến năm 2025 sẽ bảo đảm 100% trang thiết bị, phương tiện cho các lực lượng theo quy định của pháp luật.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa tham gia chữa cháy rừng tại huyện Hoằng Hóa.
|
 |
Dân quân thường trực huyện Mường Lát tham gia xử lý bom.
|
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thanh Hóa đã chủ động đưa Đề án vào thực tiễn, giúp cho cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được phân vai, phân nhiệm rõ ràng hơn về nhiệm vụ, đặc biệt là năng lực thực hiện nhiệm vụ, xử trí tình huống của BĐĐP, DQTV và DBĐV được nâng lên một bước, cũng từ đó mà các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN sát, đúng thực tiễn, phù hợp với từng loại hình thiên tai, sự cố có tính phổ biến ở từng vùng, miền, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về thiên tai...
Đồng thời, phân công chỉ huy, điều hành chặt chẽ; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình, diễn biến của thiên tai, sự cố; chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra, nhất là ứng phó với các cơn bão mạnh, tình huống sập, đổ công trình, cháy nổ, cháy rừng, sạt lở đất... Bên cạnh đó, việc phối hợp, hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành, lực lượng tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành được chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo và ngày càng hiệu quả, thiết thực”.
Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH