Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đội cứu hộ, cứu nạn của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, chúng tôi về thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa khi nước lũ đã rút.

Trước mắt là những ngổn ngang của đồ dùng sinh hoạt lẫn bùn đất, rác và cành cây khô. Gặp chúng tôi ở đầu thôn, bà Bùi Thị Tình, tuổi đã ngoài 50, giọng nghẹn ngào: “Trôi hết rồi các chú ơi, giờ biết lấy gì mà sống, rồi sinh hoạt nữa...”. Tiếng than của người phụ nữ gầy nhom, chân tay nhợt nhạt nước trước ngôi nhà trống huơ, trống hoác khiến ai cũng chạnh lòng thương xót...

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên và các lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Đồng Xuân 

Huyện Sơn Hòa, Phú Yên là địa phương bị ảnh hưởng rất nặng nề do mưa, nhất là tại thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã huy động hơn 80 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện Sơn Hòa, lực lượng dân quân giúp người dân khôi phục lại nhà cửa, vệ sinh đường giao thông, nhà văn hóa thôn, trường học và giúp đỡ người già, người neo đơn...

Nhà nào việc cũng nhiều, hầu hết đồ đạc trong nhà đều bị nhấn chìm trong nước, nông sản dự trữ bị nảy mầm, bùn đất dày 5-10 cm...

Thượng tá Trịnh Ngọc Tuấn, Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy quân sự huyện Sơn Hòa cho biết: “Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động hơn 80 cán bộ, chiến sĩ, cùng với lực lượng của Ban Chỉ huy quân sự huyện, dân quân giúp người dân dựng, lợp lại nhà cửa bị sập, hư hỏng, giúp những gia đình neo đơn dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất ở các tuyến đường, trường học, thu gom rác các khu dân cư... tại xã Sơn Hà và thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa".

"Anh em phải lội bùn, dầm nước xuyên ngày đêm, nhiều đồng chí chân tay bị lở loét nhưng chẳng nề hà khó khăn vất vả, với mục tiêu khắc phục hậu quả mưa lũ nhanh nhất, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống”, Thượng tá Trịnh Ngọc Tuấn chia sẻ. 

Được biết, các anh và các lực lượng khi về với thôn Thạnh Hội xã Sơn Hòa đã đến thăm hỏi, động viên gia đình cháu Nguyễn Gia Phúc (3 tuổi) và gia đình cháu Nguyễn Thanh Ngọc Anh (2 tuổi), cả 2 cháu đều bị lũ cuốn trôi khi đang đi sơ tán trong đêm...

Lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia tìm kiếm nạn nhân bị cuốn trôi sau lũ.  (Ảnh: Ban Tuyên huấn)

Là địa phương bị ảnh hưởng khá nặng nề, huyện miền núi Sông Hinh cũng nhờ sự giúp đỡ của bộ đội và dân quân rất lớn. Ngay sau khi nước rút, từ sáng 1-12 đến 3-12, gần 40 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp Ban Chỉ huy quân sự huyện Sông Hinh và lực lượng dân quân đã cơ động tổ chức nạo vét bùn đất trên đường giao thông, lau rửa bàn ghế, lau rửa bùn đất tại Trường Mầm non Sơn Giang, xã Sơn Giang.

Đây là ngôi trường bị ngập sâu nhất trong huyện, khiến nhiều trang thiết bị, sách vở dạy học bị hư hỏng nặng. Một số trang thiết bị dạy học bị hư hỏng nhẹ được bộ đội khắc phục sửa chữa và tiến hành lau rửa, thu dọn bùn đất, rác trôi vào khuôn viên nhà trường.

Cô giáo Đinh Hoàng Kim Thủy, hiệu trưởng nhà trường xúc động kể: “Thương lắm anh ạ, các chú bộ đội, dân quân, nhiều người đã lớn tuổi, nhưng khi giúp nhà trường rất nhiệt tình, trách nhiệm, làm đến đâu sạch sẽ đến đó. Nhờ sự giúp đỡ của các anh nên sau khi nước rút, các cháu sẽ vào học được ngay”.

Theo chân các anh, chúng tôi tiếp tục đến huyện Tây Hòa, theo Ban Chỉ huy quân sự huyện Tây Hòa, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 1 người chết, 1 nhà cấp 4 ở xã Hòa Phú bị sập hoàn toàn. Đặc biệt nơi đây có hàng chục tấn nông sản bị ngập nước, khiến nhiều hộ dân đang thiếu ăn...

Ngay sau khi nước rút, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã chỉ đạo các Ban Chỉ huy quân sự các xã, cùng với lực lượng địa phương khẩn trương cơ động xuống giúp dân, thau rửa bùn đất các trường học.

Cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp huyện Sông Hinh tổ chức lau rửa trường Mầm non Sơn Giang, xã Sơn Giang 

Về khu phố Mỹ Lệ Tây, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, chúng tôi gặp lại chị Lê Thị Thanh Hóa, người được bộ đội cứu trong đêm đỉnh lũ và được sơ tán về Ban Chỉ huy quân sự. Chị xúc động: “Trong đỉnh lũ, mẹ con tôi được bộ đội cứu, giờ sau lũ lại được các anh vệ sinh đường sá, trường học, giúp các cháu sớm đến trường. Tôi mang ơn các anh nhiều lắm”.

Tại huyện Đồng Xuân, cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp Ban Chỉ huy quân sự huyện Đồng Xuân và lực lượng dân quân trên toàn huyện đã phối hợp với đoàn viên, hội viên, thanh niên mang theo nhiều vật dụng, tổ chức tổng dọn vệ sinh tại các tuyến đường, khu vực xung yếu và các tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn huyện; tổng vệ sinh trường học.

Theo Ban Chỉ huy quân sự huyện Đồng Xuân, đơn vị chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các xã, thị trấn huy động dân quân, cùng với cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp của Ban Chỉ huy quân sự huyện, tổng quân số lên tới hơn 70 người, tham gia giúp dân gần 200 ngày công, tiến hành tổng vệ sinh, khắc phục hư hỏng 2 trường học và nạo vét hàng chục khối bùn đất, trả lại hàng chục km đường giao thông nông thôn trên địa bàn, giúp nhân dân đi lại an toàn.

Thượng tá Trần Trung Thủy, Phó tham mưu trưởng, kiêm Đội trưởng, Đội cứu hộ, cứu nạn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên cho biết thêm: Sau khi nước rút, những ngày qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã tiếp tục huy động hơn 1.200 ngày công của bộ đội và dân quân, tổ chức giúp dân khắc phục hậu quả của mưa lũ. Đặc biệt, thu dọn bùn đất, tổng vệ sinh các bệnh xá, trường học, giúp các cháu sớm được trở lại trường học tập...

Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn tỉnh Phú Yên, cơn lũ lịch sử đã gây thiệt nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 10 người chết và mất tích, nhiều tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở, sụt lún gây ách tắc giao thông.

Trong cơn đại hồng thủy lịch sử này, những người “lính Khu 5 anh hùng” tại Phú Yên, cùng với lực lượng dân quân đã di dời hơn 8.500 hộ bị ngập, với gần 30.000 người dân đến nơi an toàn.

Bài và ảnh: VĂN HẠNH - QUÂN NAM