Để biên giới bình yên

Trên địa bàn vùng biên giới Kon Tum, thời gian qua, tình trạng vi phạm quy chế biên giới, khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm rẫy… vẫn còn diễn biến phức tạp. Trước thực trạng đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hồ Le xác định nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, tuần tra bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ổn định cuộc sống là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Đến địa bàn được đánh giá “Triển khai nhanh, làm tốt, quân dân đoàn kết, vùng biên an toàn”, chúng tôi được đồng chí Phùng Ngọc Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Dal, huyện Ia H’Đrai cho biết: “Ia Dal là xã biên giới đất rộng, người thưa nên trước đây là một điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự. 3 năm qua, địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng Hồ Le tăng cường tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 01, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; chủ động phối hợp tốt với Đồn Biên phòng Hồ Le và các lực lượng liên quan tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tích cực bám, nắm địa bàn, giúp bà con phát triển kinh tế VAC, trồng điều, cà phê, nuôi heo rừng… ổn định cuộc sống. Đến nay, đã xây dựng được 8 tập thể, 47 cá nhân và 15 tổ tự quản, tham gia bảo vệ rất hiệu quả đường biên, cột mốc biên giới. Nhờ có Bộ đội Biên phòng, bà con địa phương đã giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Niềm tin yêu của người dân với các chiến sĩ biên phòng ngày càng sâu đậm”.

leftcenterrightdel

Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Hồ Le khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con vùng biên giới.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để giúp người dân vùng biên nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới, Đồn Biên phòng Hồ Le đã chủ động phối hợp cùng chính quyền tổ chức tuyên truyền được 243 buổi, với hơn 6.590 lượt người tham gia. Nội dung trọng tâm là các điều luật về những vấn đề đặt ra với địa bàn biên giới, như: Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền; quy chế biên giới, đường biên, cột mốc…; vận động nhân dân, nhất là những làng đồng bào dọc hai bên biên giới có thân tộc không được tự do đi lại qua biên giới để thăm thân, không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu. Qua nguồn tin của nhân dân cung cấp và tuần tra, đơn vị đã phát hiện, xử lý 47 vụ/81 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật (trong đó sử dụng súng tự chế trái phép 2 vụ/3 đối tượng; vi phạm quy chế biên giới 18 vụ/40 đối tượng; khai thác, mua bán lâm sản trái phép 19 vụ/17 đối tượng; gây mất an ninh trật tự 9 vụ/13 đối tượng…). Tang vật thu giữ 4 khẩu súng tự chế, 147,781m3 gỗ các loại; 2 máy cưa; 1 ô tô độ chế; 2 máy cày và một số tang vật khác... Xử phạt vi phạm hành chính 65,5 triệu đồng nộp kho bạc Nhà nước.

Gặp chúng tôi sau chuyến công tác kiểm tra các tổ chốt chặn phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc dọc tuyến biên giới trở về, Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hồ Le cho biết: “Đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 16km đường biên giới quốc gia, có 4 mốc chính, 20 mốc phụ trên địa bàn 2 xã là Ia Dal và Ia Tơi, huyện Ia HĐrai, tỉnh Kon Tum. Thời gian qua, Ban chỉ huy đồn đã bám sát vào nhiệm vụ được phân công, luấn luyện thuần thục theo kế hoạch và phương án chiến đấu, chiến đấu tại chỗ; bám thôn làng, bám dân, vận động bà con tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn biên giới; chủ động phối hợp, tham mưu và giúp đỡ chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hướng dẫn xây dựng những mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo phù hợp với đặc thù của địa phương”.

Bám dân, giúp bà con phát triển sản xuất

Là địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn, mặc dù được thụ hưởng nhiều chính sách, chương trình ưu đãi của Đảng, Nhà nước, song đời sống của người dân vùng biên giới Ia H’Đrai (Kon Tum) vẫn còn những khó khăn nhất định. Để giúp bà con phát triển kinh tế, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hồ Le đã về với dân, giúp bà con những mô hình hiệu quả. 

Thiếu tá Cao Hồng Minh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hồ Le chia sẻ: “Thời gian qua, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện SSCĐ, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, chúng tôi còn có trách nhiệm giúp chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh cũng như trực tiếp tham gia, hướng dẫn xây dựng những mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo phù hợp với đặc thù của địa phương”. Bằng tình cảm, trách nhiệm của người lính, 3 năm qua Đảng ủy, chỉ huy Đồn đã dành thời gian đi tìm hiểu, tham khảo những mô hình phát triển kinh tế có thể áp dụng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình ổn định cuộc sống.

leftcenterrightdel

Cán bộ Đồn Biên phòng Hồ Le hỗ trợ lương thực và trang bị y tế cho bà con địa phương phòng, chống dịch bệnh.

Để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đồn Biên phòng Hồ Le đã triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình "Cán bộ đồn Biên phòng giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn”... Ngoài nhận và lo ăn học cho 1 cháu thuộc diện “Con nuôi đồn Biên phòng”, 3 cháu theo Chương trình "Nâng bước em đến trường", mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng/một cháu ăn học, đơn vị còn tổ chức khám cấp thuốc miễn phí cho hơn 320 lượt người; hỗ trợ kinh phí xây dựng 29 nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách; tặng 12 con lợn giống và hỗ trợ tiền mặt cho các hộ khó khăn.

Gia đình anh Bùi Văn Đại (dân tộc Mường) ở thôn 7 (Ia Dal) là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Đồn Biên phòng Hồ Le nhận giúp đỡ. Năm 2018, gia đình anh được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 3 triệu đồng và một cặp lợn sinh sản, trị giá 4 triệu đồng. Nhờ được hướng dẫn cách chăm sóc nên cặp lợn mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 5 đến 7 con. Trừ các khoản chi phí đã giúp gia đình anh Đại dành dụm được khoảng 15 triệu đồng. Cộng với thu nhập thêm từ cà phê, cao su, điều, giờ gia đình anh Đại không còn thiếu đói như trước nữa.

Bà Rơ Châm H’Lưu (dân tộc Giơ rai) ở xã Ia Tơi thuộc diện gia đình chính sách khó khăn, ngôi nhà xây cấp 4 là ước mơ lớn nhất của bà. Năm 2019, cùng với nguồn kinh phí của trên, bà được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hồ Le hỗ trợ thêm và triển khai cho bộ đội xây tặng bà một ngôi nhà “như mơ ước”. 

Đại úy Nguyễn Hữu Cường, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Hồ Le cho chúng tôi biết thêm: “Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên giới. Vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn giúp đỡ, nên bà con đã tích cực lao động, biết trồng, chăm bón và thu hoạch cà phê, điều, cao su… chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Kinh tế phát triển, tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm được củng cố, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Dấu ấn người lính Biên phòng trên những công trình dân sinh là tiền đề, là cơ sở để “gắn kết” bà con vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI