Cách đây 55 năm, ngày 24-3-1967, Bộ tư lệnh Không quân được thành lập, sau đó lấy phiên hiệu công khai là Sư đoàn 371 với biên chế 64 phi công tiêm kích MiG-17, MiG-19 và hơn 1.600 thợ máy các chuyên ngành, trực tiếp quản lý 7 sân bay: Nội Bài, Gia Lâm, Kép, Hòa Lạc, Kiến An, Thọ Xuân, Vinh. Lúc này, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc diễn ra ác liệt nhất. Đây cũng là thời kỳ oanh liệt nhất trong lịch sử chiến đấu và chiến thắng của Sư đoàn 371.

 Phi công Sư đoàn 371 trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ bay. Ảnh: TRUNG HIẾU

Trong cuộc đối đầu không cân sức với không quân Mỹ, với tinh thần “dám đánh, biết đánh và biết thắng”, từ phi công đến cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu, dẫn đường, nhân viên kỹ thuật hậu cần... của sư đoàn đều chung một ý chí quyết thắng. Tất cả cùng nỗ lực vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, sáng tạo nhiều cách đánh thông minh, táo bạo để đánh thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Chưa đầy một tháng sau ngày thành lập, vừa ổn định tổ chức, vừa tích cực chuẩn bị SSCĐ, sư đoàn trực tiếp chỉ huy các trung đoàn không quân xuất kích chiến đấu với nhiều trận hiệp đồng chiến đấu đã trở thành điển hình trong nghệ thuật không chiến của Không quân nhân dân Việt Nam. 

Tiểu biểu như trận đánh ngày 19-4-1972 của biên đội Lê Xuân Dỵ và Nguyễn Văn Bảy (B) đã dùng máy bay MiG-17 đánh hỏng nặng hai tàu khu trục Mỹ đang tuần tiễu ở vùng biển Quảng Bình. Ngày 8-5-1972, Trung đoàn 925 tổ chức xuất kích trận đầu, sau 8 phút, 4 máy bay MiG-19 (của biên đội Nguyễn Ngọc Tiếp, Nguyễn Đức Tiêm, Phạm Hùng Sơn và Nguyễn Hồng Sơn) đã chiến đấu với 12 chiếc F4 của địch, bắn rơi tại chỗ 2 chiếc và trở về hạ cánh an toàn. Chỉ 3 ngày sau đó, với loại máy bay MiG-21 mới được trang bị, biên đội Ngô Văn Phú và Ngô Duy Thư đã đón đánh địch trên vùng trời Hải Dương, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F4, 1 chiếc F105 của địch.

Đặc biệt, trong chiến dịch tập kích 12 ngày đêm ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, cho tới ngày 23-12, MiG-21 đã nhiều lần xuất kích vẫn chưa tiếp cận được B-52. 22 giờ 20 phút ngày 27-12-1972, phi công Phạm Tuân của Trung đoàn 921 cất cánh từ sân bay Yên Bái, được sự dẫn dắt của các đài chỉ huy đã phát hiện và bắn rơi 1 máy bay B-52 của địch, sau đó đưa máy bay về hạ cánh an toàn. Ngay hôm sau, 28-12, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy tiếp tục bắn rơi 1 máy bay B-52 của địch, nhưng do cự ly quá gần, sau khi công kích tiêu diệt mục tiêu, anh đã anh dũng hy sinh...

 Bước vào chiến dịch mùa xuân năm 1975, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, cùng với các cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 371 được lệnh tiếp nhận máy bay thu được của địch để tham gia chiến đấu. Chỉ sau 6 ngày khẩn trương tổ chức huấn luyện chuyển loại, chiều 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng gồm 5 phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vư­ợng, Nguyễn Thành Trung của Trung đoàn 923 cất cánh từ sân bay Thành Sơn (nay là Phan Rang) tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch.

Trận đánh của Phi đội Quyết thắng quy mô tuy không lớn nhưng đó là kết quả trí tuệ sáng tạo của tập thể, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết chiến, quyết thắng cao của bộ đội không quân. Qua đó, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó, sư đoàn tiếp tục tham gia cùng với các lực lượng bước vào cuộc chiến đấu mới, hiệp đồng cùng với các đơn vị bạn truy quét tàn quân địch, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chi viện cho chiến trường Campuchia, góp phần giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, hồi sinh và phát triển.

Trong hành trình viết tiếp trang sử vàng của đơn vị, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn không ngừng học tập, kế thừa, phát huy xứng đáng những kết quả đạt được. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp cao, giữ trọng trách của Đảng, Nhà nước và quân đội. Hiện nay, Sư đoàn 371 có 4 trung đoàn trực thuộc được trang bị nhiều chủng loại máy bay khác nhau thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện nhiệm vụ chuyên cơ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Hằng năm, sư đoàn được Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không-Không quân tặng nhiều bằng khen, giấy khen trên tất cả các mặt công tác. 

Thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ trong toàn sư đoàn xác định rõ nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường đoàn kết, thường xuyên chủ động, tích cực trong tổ chức huấn luyện bay, khai thác sử dụng hiệu quả tính năng kỹ chiến thuật của các vũ khí trang bị, phối hợp cùng các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc; kế tục và viết tiếp truyền thống anh hùng của một sư đoàn được mệnh danh là "Anh cả đỏ" của bộ đội không quân.

Đại tá BÙI THIÊN THAU (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân)

Với những chiến công, thành tích tiêu biểu, Sư đoàn 371 vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1982). Toàn sư đoàn có 19 lượt tập thể và 64 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 934 Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công các loại; 248 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.