Tháng 1-1946, Trung ương Quân ủy được thành lập nhằm lãnh đạo, triển khai xây dựng tiềm lực quân sự, lực lượng vũ trang (LLVT), bộ đội chủ lực làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến chống Pháp trên quy mô cả nước. Sau Trung ương Quân ủy, các cấp ủy đảng trong bộ đội chủ lực khu cũng lần lượt được tổ chức, xây dựng chi bộ, đẩy mạnh phát triển đảng viên ở các đơn vị LLVT.
 |
Đội Cảm tử quân Hà Nội trong ngày thành lập với lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ảnh tư liệu |
Nhằm thống nhất về tổ chức, biên chế LLVT, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các Sắc lệnh số 33/SL, số 71/SL, tổ chức các đơn vị LLVT thành tiểu đội, trung đội, đại đội và tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, sư đoàn, liên đoàn, tập đoàn; chuyển Vệ Quốc đoàn thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Theo đó, các chi đội Vệ Quốc đoàn ở Bắc Bộ, Trung Bộ được chấn chỉnh về tổ chức, thống nhất biên chế theo từng đơn vị cấp trung đoàn (32 trung đoàn) và 32 tiểu đoàn độc lập. Riêng Nam Bộ, do chưa có đủ điều kiện chấn chỉnh các chi đội thành trung đoàn, nên vẫn tổ chức 25 chi đội. Trên cơ sở các trung đoàn, giữa năm 1946, Bắc Bộ tổ chức 2 Đại đoàn 1 và 2; Nam Trung Bộ tổ chức 3 Đại đoàn 23, 27 và 31. Tuy avậy, các đơn vị được gọi là đại đoàn chỉ nặng về hình thức tổ chức, thu gom lực lượng, còn trang bị vũ khí, đặc biệt là trình độ tác chiến rất hạn chế, hơn nữa công tác bảo đảm khó đáp ứng xây dựng lâu dài. Sớm nhận thức được cách tổ chức đó chưa phù hợp, tháng 11-1946, ta giải thể các đại đoàn ở Bắc Bộ, Nam Trung Bộ. Lúc này, tổ chức cao nhất của LLVT tập trung ở miền Bắc là cấp trung đoàn (27 trung đoàn) và miền Nam là chi đội (25 chi đội). Cùng với đó, ta cũng quan tâm xây dựng một số tổ chức binh chủng kỹ thuật. Ngày 29-6-1946, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập 3 trung đội pháo gồm: Pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh...
Bên cạnh LLVT tập trung của các khu, tỉnh, mỗi huyện tổ chức một trung đội đến một đại đội tự vệ, mỗi thôn, ấp đều có trung đội dân quân du kích. Nhiều địa phương tổ chức các ban trinh sát, quân báo, công an xung phong… hoạt động ở các thành phố, thị xã. Đến cuối năm 1946, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ được xây dựng ở các địa phương trong cả nước phát triển lên gần 1 triệu người.
Cùng với việc xây dựng về tổ chức biên chế, công tác huấn luyện quân sự cho LLVT được coi trọng nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và khả năng chiến đấu đạt hiệu quả cao. Nội dung huấn luyện gồm động tác đội ngũ, cách sử dụng các loại vũ khí thông thường, kỹ thuật chiến đấu cá nhân, chiến thuật cấp tiểu đội, trung đội tiến công, phòng ngự. Công tác đào tạo cán bộ cho LLVT được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Quân ủy rất chú trọng. Thực hiện chủ trương trên, các Trường Quân chính Bắc Sơn, Võ bị Trần Quốc Tuấn, Lục quân Quảng Ngãi, cùng các trường quân chính của các khu được thành lập. Đến giữa tháng 12-1946, các trường đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng nghìn cán bộ, kịp thời bổ sung cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cho các đơn vị LLVT, sẵn sàng chiến đấu.
Ngay sau khi đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn (20-11-1946), thực dân Pháp xúc tiến kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước. Trước tình hình đó, ngày 13-12-1946, Trung ương Quân ủy và Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy triệu tập hội nghị các khu trưởng (từ Khu 4 trở ra) giao nhiệm vụ cho LLVT ở từng khu SSCĐ bảo vệ các thành phố, thị xã. LLVT ở Khu 11 có nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận quân Pháp ở Hà Nội, giam chân chúng trong một thời gian, tạo điều kiện cho cả nước bước vào kháng chiến. LLVT Khu 2 đánh địch ở thành phố Nam Định. LLVT Khu 3 tiến công, tiêu diệt địch ở thị xã Hải Dương, cầu Phú Lương và Lai Vu, đánh phá giao thông Đường số 5. LLVT Khu 12 tiến công địch ở hai thị xã Bắc Giang và Bắc Ninh. LLVT Khu 4 đánh địch ở các thành phố Vinh (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên), tạo thế cô lập Huế với Đà Nẵng. LLVT Khu 5 chiến đấu, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch trong TP Đà Nẵng. Các LLVT ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ tiến công địch, phát triển chiến tranh du kích, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, không thể đưa quân tăng viện ra Bắc.
Như vậy, xây dựng LLVT chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến là một trong những thành tựu nổi bật, thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các LLVT ta, nhất là bộ đội chủ lực phát triển cả về quân số và quy mô tổ chức biên chế; đồng thời, bước đầu được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật. Dù mới được xây dựng, trang bị còn thô sơ, lạc hậu và thiếu thốn, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, nhưng LLVT ta có tinh thần chiến đấu cao làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc mới giành được.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP